Đội hình mới của Bộ Chính Trị ĐCSTQ có ý nghĩa như thế nào đối với Đài Loan?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố đội hình các thành viên của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương (CMC) khóa 20 vào ngày 23/10. Bốn thành viên mới của Bộ Chính trị có nền tảng quân sự và hai thành viên CMC đến từ Bộ tư lệnh chiến khu Đông bộ của Trung Quốc phụ trách khu vực eo biển Đài Loan. Điều này đã dấy lên những lo ngại về tình hình căng thẳng đối với hòn đảo trong tương lai gần.

Theo hệ thống cấp bậc của ĐCSTQ, Tổng bí thư là người lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ. Theo sau đó là 7 ủy viên Ban Thường vụ trong số 24 ủy viên Bộ Chính trị. Bộ Chính trị ĐCSTQ được cải tổ 5 năm một lần.

Về mặt lý thuyết, những nhân sự cấp cao nhất này sẽ tham gia vào quá trình ra quyết định của ĐCSTQ.

Thành viên Bộ Chính trị mới

Bộ chính trị khóa 20 của ĐCSTQ có tổng cộng 24 thành viên, 7 ủy viên Ban Thường vụ được coi là cấp quyền lực thứ hai, chỉ sau ông Tập.

Theo thông báo chính thức, 7 ủy viên Ban Thường vụ gồm:

  1. Tập Cận Bình - Tổng bí thư ĐCSTQ, Chủ tịch nước, Chủ tịch CMC
  2. Lý Cường - Bí Thư Thành Ủy Thượng Hải
  3. Triệu Lạc Tế - Bí Thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa 19
  4. Vương Hỗ Ninh - Bí Thư thứ nhất ban bí thư
  5. Thái Kỳ - Bí Thư Thành ủy Bắc Kinh
  6. Đinh Tiết Tường - Chủ nhiệm văn phòng Trung ương Đảng
  7. Lý Hy - Bí Thư tỉnh ủy Quảng Đông

17 thành viên còn lại của Bộ Chính trị khóa 20 gồm:

Vương Nghị, Viên Gia Quân, Trương Quốc Thanh, Trương Hựu Hiệp, Trần Văn Thanh, Trần Mẫn Nhĩ, Trần Cát Ninh, Thạch Thái Phong, Mã Hưng Thụy, Lý Thư Lỗi, Lý Hồng Trung, Lý Cán Kiệt, Lưu Quốc Trung, Hoàng Khôn Minh, Hà Vệ Đông, Hà Lập Phong, Doãn Lực.

4 thành viên cuối cùng có xuất thân trong quân đội và mới được ông Tập bổ nhiệm vào Bộ Chính trị.

  1. Lý Cán Kiệt, Bí thư tỉnh Sơn Đông, đông bắc Trung Quốc, cũng là một chuyên gia về an toàn hạt nhân.
  2. Mã Hưng Thụy, Bí thư khu Tân Cương phía tây Trung Quốc, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
  3. Viên Gia Quân, Bí thư tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
  4. Trương Quốc Thanh, Bí thư tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc, từng là Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng Trung Quốc (China Ordnance Industries Group Corporation Limited (Norinco Group).

Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng Trung Quốc là nhà sản xuất các sản phẩm thương mại và quân sự thuộc sở hữu nhà nước. Tập đoàn này được biết đến nhiều hơn với cái tên Norinco Group (North Industries Corporation) khi làm ăn với các quốc gia khác.

7 Ủy viên Quân ủy Trung ương

Trong những năm qua, ông Tập đã đích thân chỉ đạo việc bổ nhiệm các thành viên của Quân ủy Trung ương (Central Military Commission - CMC), cơ quan chỉ huy các lực lượng vũ trang của nước này.

CMC có 7 thành viên. Chủ tịch CMC Tập Cận Bình năm nay 69 tuổi. Phó chủ tịch thứ nhất CMC là ông Hà Vệ Đông và Phó chủ tịch thứ hai của CMC là ông Trương Hựu Hiệp. Các ủy viên CMC khác gồm: Miêu Hoa, Trương Thăng Dân, Lý Thượng Phúc và Lưu Chấn Lập.

Ông Trương Hựu Hiệp và ông Lưu Chấn Lập đều có kinh nghiệm chiến đấu trong chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979.

Ảnh của Epoch Times
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) gặp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Trương Hựu Hiệp tại dinh thự bang Novo-Ogaryovo bên ngoài thủ đô Moscow, hôm 7/12/2017. (Ảnh: Sergei Karpukhin/AFP/Getty Images)

Ông Hà Vệ Đông từng là Tư lệnh chiến khu Đông bộ của ĐCSTQ. Ông Miêu Hoa cũng từng có thời gian dài phục vụ trong Tập đoàn quân 31 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), một đơn vị quân sự trực thuộc bộ chỉ huy chiến khu Đông bộ. Bộ Tư lệnh chiến khu Đông bộ là lực lượng quân sự tiền tuyến của ĐCSTQ phụ trách khu vực eo biển Đài Loan.

Ổn định nội bộ

Chuyên gia Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), một nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh ở Đài Loan, cho rằng ông Tập sẽ tiếp tục ưu tiên sự ổn định chính trị nội bộ trong nhiệm kỳ thứ ba của mình.

“Hầu hết các ủy viên Bộ Chính trị đều là những thân tín của ông Tập. Đội hình này nhấn mạnh rằng, nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn dành sự ưu tiên hàng đầu cho việc duy trì ổn định nội bộ của ĐCSTQ”, ông Tô Tử Vân nói trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times hôm 23/10.

“ĐCSTQ chắc chắn không nới lỏng nỗ lực quân sự chống lại Đài Loan. Tuy nhiên, hiện tại Đài Loan không nằm trong chương trình nghị sự ưu tiên của ĐCSTQ. Chỉ khi xảy ra các vấn đề nội bộ nghiêm trọng, ĐCSTQ mới chuyển trọng tâm sang việc leo thang quân sự chống lại hòn đảo", ông Tô nhận định.

Ông Tô cũng cho rằng, trong nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập, tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan vẫn không có dấu hiệu giảm nhiệt.

Ông Tô nói: “Một trong những gương mặt mới của CMC - ông Hà Vệ Đông - đã nêu bật tầm quan trọng của ông Tập đối với cái gọi là chương trình nghị sự Đài Loan của mình".

Theo ông Tô, ông Hà Vệ Đông chỉ là cựu Tư lệnh chiến khu Đông bộ của ĐCSTQ, nhưng ông Tập đã trực tiếp thăng chức ông trở thành một trong hai phó chủ tịch của CMC, điều này cho thấy ĐCSTQ ngày càng "chú trọng" đến Đài Loan.

“Ngoài ra, ông Lâm Hướng Dương, hiện là Tư lệnh chiến khu Đông bộ, là người tỉnh Phúc Kiến. Do đó, toàn bộ công tác chuẩn bị quân sự rõ ràng là tập trung vào Đài Loan”, ông Tô nói thêm.

Phúc Kiến giáp với Chiết Giang ở phía bắc, với Giang Tây ở phía tây, và với Quảng Đông ở phía nam. Đài Loan nằm ở phía đông của Phúc Kiến, qua eo biển Đài Loan

Ông Tô Tử Vân đề nghị rằng Đài Loan nên cảnh giác.

“Đài Loan không cần phải quá sợ hãi, chỉ cần nâng cao tinh thần cảnh giác nhưng cũng đừng quá lo lắng”, ông Tô nói.

Lo ngại về tình hình eo biển Đài Loan

Giáo sư Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), một chuyên gia về Trung Quốc đến từ Đại học Công nghệ Sydney (UTS), có quan điểm khác với ông Tô Tử Vân.

Trao đổi với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times, ông Phùng cho hay, phần lớn đội hình mới của ĐCSTQ đều là thân tín của ông Tập. Điều này sẽ giúp ông Tập dễ dàng thông qua chương trình nghị sự về chiến tranh với Đài Loan giữa các cấp lãnh đạo cao nhất.

Ông Phùng tin rằng chính phủ Mỹ chắc chắn đã nhận được các thông tin tình báo liên quan về eo biển Đài Loan. Hôm 17/10, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết, “Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi việc thống nhất Đài Loan trong một lịch trình gấp gáp hơn nhiều”.

Ngoại trưởng Blinken đã đưa ra phát biểu trên hôm 17/10 tại một sự kiện do Viện Hoover và Đại học Stanford đồng tổ chức cùng với sự tham gia của cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza.

“Nếu như các biện pháp hòa bình không có tác dụng, thì ĐCSTQ sẽ sử dụng các biện pháp cưỡng chế. Thậm chí, nếu các biện pháp cưỡng chế vẫn không hiệu quả thì rất có thể ĐCSTQ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cưỡng bức để đạt được các mục tiêu của mình. Và đó là những nỗ lực đang phá vỡ nghiêm trọng hiện trạng và tạo ra căng thẳng to lớn", ông Blinken nói.

Ông Phùng nhấn mạnh rằng, nguy cơ chiến tranh trên eo biển Đài Loan vẫn đang hiện diện, vì ông Tập đã cảnh báo rằng ĐCSTQ “sẽ không bao giờ hứa từ bỏ việc sử dụng vũ lực” để khẳng định yêu sách của mình đối với hòn đảo tự quản. Ông Tập đưa ra tuyên bố này trong bài phát biểu trước 2.000 đảng viên của ĐCSTQ tại Bắc Kinh hôm 16/10.

Ông Phùng nói: “Kế hoạch tấn công Đài Loan của ông Tập là minh chứng về những thành tựu to lớn của ông trong nhiệm kỳ thứ ba, bất kể hậu quả như thế nào. Những bất ổn về Đài Loan tiếp tục tăng lên".

Đài Loan đang trong vòng nguy hiểm

Ông Wang He, một nhà bình luận các vấn đề thời sự và là nhà quan sát Trung Quốc, nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times vào ngày 22/10 rằng, Đài Loan đang “đối mặt với nguy hiểm to lớn”.

Ông Wang nói rằng, quân đội Đài Loan có tới 189.000 binh lính so với tổng dân số 23 triệu người. Trong khi đó, quân đội Israel có khoảng 180.000 binh lính so với dân số chỉ 8 triệu người. Tuy nhiên, Israel có thể huy động lên tới 300.000 nhân sự tham chiến trong vòng 24 giờ.

“Kẻ thù mà Đài Loan phải đối mặt là ĐCSTQ, một kẻ thù còn hung ác hơn những gì Israel phải đối mặt”, ông Wang nói thêm.

Ông Wang nhấn mạnh rằng, Mỹ và Đài Loan sẽ bị động nếu họ để cho ĐCSTQ quyết định thời điểm tấn công Đài Loan.

"Mỹ nên đưa ra những biện pháp răn đe mạnh mẽ nhất để kiềm chế ĐCSTQ. Chính quyền ông Biden đã áp đặt các lệnh cấm nghiêm ngặt đối với việc xuất khẩu chip sang Trung Quốc, điều này trực tiếp cắt đứt sức mạnh quân sự và công nghệ cao của ĐCSTQ. Đó là một nước cờ hay. Nhưng nếu Mỹ không hành động ngay từ bây giờ, mọi thứ sẽ trở nên quá muộn”.

'ĐCSTQ sẽ không tấn công Đài Loan trong tương lai gần'

Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của Đảng Dân chủ Trung Quốc và là cựu lãnh đạo phong trào biểu tình của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989, tin rằng ông Tập sẽ không tấn công Đài Loan trong tương lai gần.

Theo ông Vương Quân Đào, có hai lý do giải thích cho trường hợp này.

Thứ nhất, ông Tập cần thời gian để hiện thực hóa chương trình nghị sự nội bộ của ĐCSTQ trong nhiệm kỳ thứ ba, vì ông Tập đã bận rộn với cuộc đấu đá nội bộ trước thềm Đại hội 20 để đảm bảo quyền lực của mình.

Thứ hai, quân nhân Trung Quốc được đào tạo chuyên nghiệp hơn nhưng họ rất sợ phải ra trận bởi vì họ hiểu rõ rằng, vũ khí của ĐCSTQ hoạt động kém trên chiến trường.

Thanh Hải

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Đội hình mới của Bộ Chính Trị ĐCSTQ có ý nghĩa như thế nào đối với Đài Loan?