Đòn đánh kinh tế của ĐCSTQ vào Litva đòi hỏi Mỹ và EU phải chung tay phòng bị

Giúp NTDVN sửa lỗi

ĐCSTQ đã có động thái phản đối việc Litva thúc đẩy quan hệ với Đài Loan bằng các biện pháp trừng phạt ngoại giao và thương mại mở rộng đối với quốc gia Baltic này. Động thái này rất nghiêm trọng và chưa từng có tiền lệ, gây ra phản ứng không chỉ từ Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu EU, mà cả một nhóm doanh nghiệp Đức có quan hệ tài chính sâu sắc với ĐCSTQ.

Đằng sau sự náo động là quyết định can đảm của Litva vào tháng Mười Một khi cho phép Đài Loan mở một lãnh sự quán chính danh tại thủ đô Vilnius của Litva. Văn phòng này sử dụng tên "Đài Loan" chứ không phải tên thành phố thủ đô của Đài Loan là "Đài Bắc" như ở một số quốc gia khác. Cái tên Đài Loan phản ánh chính xác hơn chủ quyền của nền dân chủ tại quốc đảo này, so với cái tên “Đài Bắc” được sử dụng ở Hoa Kỳ và các nơi khác ở Châu Âu. Bắc Kinh cũng đang nhắm đến Đức, Pháp và Thụy Điển.

Năm ngoái, Litva đã rút khỏi diễn đàn ngoại giao “17 + 1” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (D(CSTQ) với các nước Trung và Đông Âu, và liên minh cầm quyền của Litva đã đồng ý ủng hộ “những người đấu tranh cho tự do” ở Đài Loan. Bộ trưởng Ngoại giao Litva là ông Gabrielius Landsbergis cho biết, ông sẽ không tham dự Thế vận hội mùa đông Olympic Bắc Kinh 2022.

Litva là một đất nước có gần 3 triệu dân và đã giành lại độc lập từ Liên Xô vào năm 1990. Điều này một phần nào đó giải thích cho động thái quyết liệt của quốc gia này trong công cuộc bảo vệ nền dân chủ, so với hầu hết phần còn lại của thế giới.

Phản ứng dữ dội của ĐCSTQ chống lại Lithuania

Để đối phó với sự phản kháng ngày càng tăng của Litva, Bắc Kinh đã ra lệnh cấm nhập khẩu triệt để các mặt hàng từ quốc gia Baltic vào ngày 1/12. ĐCSTQ còn yêu cầu các tập đoàn quốc tế cắt đứt quan hệ với Litva, nếu không họ sẽ bị từ chối tiếp cận thị trường Trung Quốc. Chế độ Trung Quốc đã trục xuất đại sứ của Litva tại Trung Quốc vào tháng Mười Một, rút ​​đại sứ của mình khỏi Vilnius và gần đây đã cố gắng hạ cấp trái phép Đại sứ quán Litva tại Bắc Kinh.

Theo Bloomberg, “Trung Quốc đã gây áp lực buộc quốc gia Baltic phải đổi tên đại sứ quán của mình thành Văn phòng phụ trách, theo Bộ Ngoại giao Litva, một danh tính không tồn tại trong luật pháp quốc tế và [là] một danh tính sẽ hạ cấp hiệu quả trạng thái ngoại giao của họ”. Bộ trưởng Landsbergis cho biết: “Đây vẫn là đại sứ quán của chúng tôi, chưa bao giờ đổi tên. Mọi sự thay đổi tên phải được thực hiện trên cơ sở song phương. Những thay đổi đơn phương không được luật pháp quốc tế thừa nhận”.

Gần đây nhất, Bắc Kinh đã yêu cầu các nhà ngoại giao Litva trả lại thẻ căn cước của họ.

Được cảnh báo về việc họ có thể mất quyền miễn trừ ngoại giao và lo ngại cho sự an toàn của họ, Litva đã triệu hồi các nhà ngoại giao của mình từ Trung Quốc vào ngày 15/12 để tham vấn. Mười chín người trong số họ và những người phụ thuộc của họ đã rời khỏi Trung Quốc. Đại sứ quán của Litva tại Trung Quốc hiện đang hoạt động trực tuyến.

Đại sứ quán Litva tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 10/8/2021. (Jade Gao / AFP qua Getty Images)
Đại sứ quán Litva tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 10/8/2021. (Jade Gao / AFP qua Getty Images)

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Arnoldas Pranckevičius của Litva, “Trung Quốc đang cố gắng lấy chúng tôi ra làm gương - một ví dụ tiêu cực - để các nước khác không đi theo con đường của chúng tôi. Do đó, việc cộng đồng phương Tây, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu phản ứng như thế nào là một vấn đề về nguyên tắc”.

Sự ủng hộ dành cho Litva đang tăng quá chậm

Hoa Kỳ, Anh, Estonia và tất nhiên là Đài Loan đều ủng hộ Litva trong tranh chấp với ĐCSTQ. Tuy nhiên, cho đến nay, phía EU chỉ có phản ứng yếu ớt, một phần lớn là do mối quan hệ kinh tế của Đức và Pháp với Trung Quốc, và sự miễn cưỡng rõ ràng khi tận dụng quyền hạn của liên minh này để bảo vệ các nước nhỏ hơn tại châu Âu.

Để đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế của Bắc Kinh đối với Litva, EU đã bắt đầu thu thập bằng chứng để đưa ĐCSTQ ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế. Nhưng điều này có thể mất nhiều tháng. Và nỗ lực của WTO cuối cùng có thể bị đổ bể, vì một số công ty sẽ không muốn phía Bỉ có hành động mạnh mẽ chống lại Bắc Kinh. Theo Financial Times, “nhiều công ty lo sợ rằng nếu họ phàn nàn, họ sẽ bị loại bỏ hoàn toàn khỏi Trung Quốc”.

ĐCSTQ giáng đòn quyết định với Litva

Cánh truyền thông theo chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc đã tham gia vào cuộc tranh chấp này. Theo hãng tin Thời báo Hoàn cầu do nhà nước ĐCSTQ kiểm soát, nước này “không có ý định phủ nhận rằng, hợp tác kinh tế và thương mại giữa Litva và Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng sau khi [ĐCSTQ] hạ cấp quan hệ ngoại giao với Litva xuống mức tham tán (đại biện thường nhiệm), cấp bậc thấp nhất của đại diện ngoại giao, về việc [Litva] vi phạm nguyên tắc Một Trung Quốc. Đừng mắc sai lầm vì bất kỳ quốc gia nào khiêu khích lợi ích cốt lõi của Trung Quốc nhất định sẽ thấy bản thân phải đón nhận các biện pháp đáp trả”.

Phản ứng của Bắc Kinh có thể tồi tệ hơn. Vào năm 2018, Bắc Kinh đã thành công bắt cóc hai công dân Canada nổi tiếng để gây áp lực với quốc gia Bắc Mỹ về việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc. Hai công dân Canada là ông Michael Kovrig và ông Michael Spavor đã bị giam giữ trong điều kiện khắc nghiệt hơn 1.000 ngày, cho đến khi bà Mạnh được trả về Trung Quốc.

Người biểu tình giữ ảnh của 2 công dân Canada Michael Spavor và Michael Kovrig đang bị Trung Quốc giam giữ, bên ngoài Tòa án tối cao British Columbia, ở Vancouver, vào ngày 6/3/2019, khi Giám đốc tài chính của Huawei là bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) xuất hiện tại tòa án. (Ảnh của JASON REDMOND / AFP qua Getty Images)
Người biểu tình giữ ảnh của 2 công dân Canada Michael Spavor và Michael Kovrig đang bị Trung Quốc giam giữ, bên ngoài Tòa án tối cao British Columbia, ở Vancouver, vào ngày 6/3/2019, khi Giám đốc tài chính của Huawei là bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) xuất hiện tại tòa án. (Ảnh của JASON REDMOND / AFP qua Getty Images)

Trong thời gian này, Bắc Kinh đã nói dối rằng không có mối quan hệ nào giữa việc giam giữ "hai Michaels" và vụ bắt giữ bà Mạnh. Tuy nhiên, 2 người Spavor và Kovrig đã bị bắt và được trả tự do, trong vòng vài ngày sau khi điều tương tự xảy ra với bà Mạnh.

Chính quyền Trung Quốc cũng đã phủ nhận việc gây sức ép buộc các tập đoàn quốc tế cắt đứt quan hệ với Litva. Song, chế độ này lại có những ám chỉ về biện pháp này, bằng cách nói rằng các công ty Trung Quốc không còn tin tưởng Litva. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Tôi nghe nói rằng nhiều công ty Trung Quốc không còn coi Litva là đối tác đáng tin cậy nữa. Litva phải tự nhìn lại lý do tại sao các công ty Litva đang gặp khó khăn trong hợp tác kinh tế và thương mại ở Trung Quốc”.

ĐCSTQ gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Đức, Pháp và Thụy Điển

Các biện pháp trừng phạt thương mại của ĐCSTQ đã âm thầm mở rộng để gây áp lực với các công ty Đức, Pháp và Thụy Điển có chuỗi cung ứng tiếp cận Litva.

Theo nguồn tin của Politico, “hai công ty của Đức trong ngành công nghiệp ô-tô đã có các phần hàng bị dừng lại tại các cảng Trung Quốc trong những ngày gần đây vì chúng được sản xuất tại Litva. Một số bộ phận này có thể mất nhiều năm để được thay thế bằng các nhà cung cấp thay thế đáng tin cậy… Các công ty của Pháp và Thụy Điển cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự, vì các sản phẩm của Litva là một phần trong chuỗi cung ứng của họ”. Do đó, một số công ty quốc tế đã hủy hợp đồng với các nhà cung cấp của Litva.

Về lâu dài, những công ty khác sẽ ngày càng đánh giá lại sự khôn ngoan của việc dựa vào thị trường và nguồn sản xuất của Trung Quốc.

Theo Viện Gatestone, “giao thương trực tiếp của Litva với Trung Quốc vốn tương đối nhỏ. Nước này đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 300 triệu Euro sang Trung Quốc vào năm 2020, chưa đến 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, đây là nơi có hàng trăm công ty sản xuất các sản phẩm cho các công ty đa quốc gia bán sang Trung Quốc”.

Ví dụ, điều này bao gồm các thành phần trong ô tô của Đức do Litva sản xuất. Ngành công nghiệp Đức đang đẩy việc doanh nghiệp chuyên vận động hành lang của mình là BDI vào thế tuyệt vọng, khi công khai chỉ trích cả Litva và Bắc Kinh về tranh chấp này.

Các công ty của Đức đang phụ thuộc vào ngành công nghiệp có mức lương tương đối thấp của Litva. Song, họ cũng sẽ xem xét việc chuyển quy trình sản xuất các linh kiện từ Litva sang các nước khác. Continental và Hella là hai tập đoàn lớn của Đức dựa vào nguồn lao động Litva và đang bị Bắc Kinh gây áp lực khi từ chối nhập khẩu hoặc xuất khẩu. Những lời từ chối tương tự cũng đang ảnh hưởng đến các công ty Đức nhỏ hơn.

“Continental, có hoạt động tại 58 quốc gia, đang xem xét vận chuyển [việc sản xuất] các sản phẩm từ Litva qua các quốc gia khác… để tránh tiếp tục bị Trung Quốc phong tỏa”, theo nguồn tin của Financial Times.

Phía BDI chỉ trích Bắc Kinh chỉ vì những “mục tiêu riêng”. Thậm chí trong những lời chỉ trích công khai, nhóm này bày tỏ đang tư vấn cho ĐCSTQ về cách tốt nhất để đạt được những gì mà nhóm kinh doanh nhận định là mục đích phi cấp tiến của Bắc Kinh. BDI đã đi xa hơn khi chỉ trích nạn nhân Litva vì đã hành động “lạc lõng” với chính sách chung của EU.

Nỗ lực khó xử của ngành công nghiệp Đức nhằm tìm ra con đường trung gian giữa chế độ độc tài và dân chủ được giải thích là do hoạt động thương mại năm 2020 của Đức với Trung Quốc. Giá trị của hoạt động giao thương giữa 2 nước đã lên tới 213 tỷ Euro (khoảng 247 tỷ USD) chỉ tính riêng giá trị hàng hóa, chiếm tỷ trọng lớn nhất của Đức so với bất kỳ quốc gia nào.

Mối đe doạ của ĐCSTQ đối với luật pháp quốc tế và chủ quyền bình đẳng của các quốc gia

Bằng cách chỉ trích Litva, ngành công nghiệp của Đức đang phải cân nhắc lựa chọn giữa chế độ chuyên quyền ĐCSTQ và hiện trạng của nền thương mại khổng lồ của Trung Quốc, với cái giá phải trả là nền dân chủ ở Đài Loan và sự tự do của các nước, như Litva, trong việc ủng hộ nền dân chủ trên toàn cầu. Điều này sẽ đẩy EU vào việc gây sức ép không chỉ với Bắc Kinh, mà cả Litva, do đó sẽ thúc đẩy chính trị của các cường quốc lớn lấn át các nền dân chủ nhỏ.

Truyền thông nhà nước của ĐCSTQ phản ánh cách tiếp cận bất bình đẳng này đối với chính trị quốc tế, khi mô tả Litva là “một con chuột hoặc thậm chí chỉ là một con bọ chét dưới chân những con voi chiến”. Ngay cả những khối dân chủ lớn như EU, mà trong đó Litva là thành viên, cũng đang ở thế yếu so với Bắc Kinh.

Theo hãng tin Politico, “đối với khối thương mại lớn nhất thế giới, các công cụ phòng vệ thương mại thông thường của khối này, như các biện pháp tự vệ hoặc chống bán phá giá, không bao gồm khu vực kinh tế xám trong đó Trung Quốc đang nhắm mục tiêu vào Litva. EU cũng không có hiệp định thương mại song phương với Trung Quốc mà thông qua đó, EU có thể cải thiện căng thẳng”.

Vấn đề của liên minh EU là những thất bại trong điều phối và thiếu các công cụ phòng thủ hòng đòi hỏi ĐCSTQ phải khuất phục, hoặc tăng cường quyền lực của EU. Cả hai nguyên nhân đều dẫn đến việc tập trung quyền lực vào những nước đang trở thành các siêu cường tập quyền.

Ủy viên Thương mại EU là ông Valdis Dombrovskis đã đề xuất rất nhiều trong công cụ chống cưỡng chế của mình “được thiết kế để giải quyết chính xác loại căng thẳng thương mại có động cơ địa chính trị này”, theo Politico. Điều này sẽ cho phép “EU tấn công lại những kẻ thách thức thương mại thông qua hàng hóa, dịch vụ và quyền sở hữu trí tuệ”.

Cao ủy châu Âu về "Nền kinh tế hoạt động vì người dân" là ông Valdis Dombrovskis phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến chung với Cao ủy châu Âu về nông nghiệp về các hiệp định thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, tại trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels vào ngày 26/1/2021. (FRANCISCO SECO / POOL / AFP qua Getty Images)
Cao ủy châu Âu về "Nền kinh tế hoạt động vì người dân" là ông Valdis Dombrovskis phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến chung với Cao ủy châu Âu về nông nghiệp về các hiệp định thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, tại trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels vào ngày 26/1/2021. (FRANCISCO SECO / POOL / AFP qua Getty Images)

Nhưng Brussels, Paris và Berlin đều thận trọng hơn trong việc phản đối Bắc Kinh một cách công khai, và yêu cầu hành động bảo vệ của EU trước sức ép của Bắc Kinh, hơn là các quốc gia nhỏ hơn trong EU — bao gồm Czechia, Litva, Slovenia và Slovakia. Do đó, EU bị cản trở bởi sự phủ quyết của các nền kinh tế lớn nhất của mình. WTO cũng bị tê liệt và mất tự do do sự gia nhập của Trung Quốc vào năm 2001.

ĐCSTQ thúc đẩy phân cực chính trị toàn cầu và chính sách tập quyền

Tranh chấp giữa Trung Quốc - Litva và các biện pháp khắc phục cần thiết của nó là những ví dụ bi thảm về sự tập trung quyền lực ở cấp độ quốc tế, khi Litva rút lại cơ quan đại diện độc lập của mình ở Bắc Kinh để dựa vào EU. Những biện pháp khắc phục của EU trái ngược với sự độc lập chính trị của các bộ phận cấu thành nên liên minh này. EU có quan điểm tương đối phi cấp tiến, so với Litva, về vấn đề chủ quyền và dân chủ của Đài Loan.

Các biện pháp trừng phạt thương mại mà ĐCSTQ đưa ra có điểm tương đồng với những gì họ có thể đã làm nhiều năm trước đây đối với các tập đoàn nước ngoài từng coi Đài Loan là một quốc gia chứ không phải là một thành phố hoặc tỉnh của Trung Quốc. Điều này cho thấy cách mà Bắc Kinh nhìn nhận tình trạng của không chỉ Đài Loan, mà còn của các quốc gia nhỏ khác trên toàn cầu. Những nước này phải lựa chọn giữa việc ủng hộ chế độ Trung Quốc hoặc chống lại nó, do họ đã công nhận Đài Loan. Những người thuộc nhóm thứ hai hiển nhiên sẽ trở thành mục tiêu trong trò chơi bá quyền của ĐCSTQ.

Biện pháp bảo vệ tốt nhất đối với Litva, Đài Loan và nền dân chủ nói chung, là để EU vượt qua tình trạng tê liệt và phối hợp với Hoa Kỳ để trực tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt đáp trả đối với chế độ Trung Quốc, hoàn toàn bỏ qua sự chậm chạp của WTO. Các tổ chức quốc tế có bao gồm Trung Quốc đã được chứng minh là nỗi thất vọng đối với các nền dân chủ, khi sức ảnh hưởng của ĐCSTQ ngày càng gia tăng, cùng với quyền phủ quyết và hành vi phá vỡ các chuẩn mực quốc tế.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times và NTD Việt Nam.

Tác giả bài viết là ông Anders Corr. Ông có bằng cử nhân / thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là hiệu trưởng tại Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị), và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Các cuốn sách mới nhất của ông là “Tập quyền: Thể chế hóa, Hệ thống phân cấp và Quyền bá chủ” (The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony - 2021) và “Các cường quốc, Chiến lược lớn: Trò chơi mới ở Biển Đông” (Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea - 2018).

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Đòn đánh kinh tế của ĐCSTQ vào Litva đòi hỏi Mỹ và EU phải chung tay phòng bị