Donald Trump cảnh báo “Thế giới sẽ nổ tung” dưới thời Joe Biden: Nga tung video mô phỏng tấn công hạt nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tính đến thời điểm này, cuộc xung đột tại Ukraine đang ngày càng leo thang và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Với sự viện trợ vũ khí hạng nặng của Mỹ và đồng minh, cũng như việc Nga không chịu lùi bước có thể khiến cuộc chiến ủy nhiệm ở Ukraine dễ trở thành cuộc chiến giữa Mỹ và Nga. Và khi đó, chiến tranh hạt nhân chỉ còn là vấn đề thời gian.

“Những kẻ ngu ngốc đang điều hành nước Mỹ”

Ngày 26/4, Cựu tổng thống Donald Trump đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc về tương lai của thế giới trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Sky News Australia, trong đó ông đưa ra các nhận xét sau:

  • Nước Mỹ đang gặp khó khăn.
  • “Thế giới sẽ bị nổ tung” khi những nhà lãnh đạo “không thông minh” đang điều hành nước Mỹ.
  • Tổng thống Joe Biden đã bị Tổng thống Nga "khuất phục", khi Mỹ để Putin liên tiếp đe dọa hạt nhân nhiều lần.

Trả lời phỏng vấn, ông Trump cho biết: “Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo của chúng ta không thông minh - nếu họ không thông minh, sẽ kết thúc bằng một cuộc chiến tranh hạt nhân. Đây mới chỉ là sự khởi đầu và tôi là người dự đoán tốt nhất mọi thứ từ trước đến nay”. Ông Trump còn cáo buộc người kế nhiệm Joe Biden đã để "Putin sử dụng từ 'N' nhiều lần: “Ông ấy sử dụng 'từ N' (Nuclear - Hạt nhân) mọi lúc".

Các nhà hoạt động vì hòa bình đeo mặt nạ của Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden, tạo dáng với tên lửa hạt nhân giả trước cổng Brandenburg của Berlin vào ngày 29 tháng 1 năm 2021 trong một hành động nhằm kêu gọi đẩy nhanh tiến độ giải trừ hạt nhân. (JOHN MACDOUGALL/AFP qua Getty Images)

Giờ hãy xem dưới thời Joe Biden, chỉ trong vòng hơn 2 tháng Nga đã đe dọa hạt nhân ít nhất 6 lần:

  • Ngày 26/3, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố: “Chúng tôi có một tài liệu đặc biệt về răn đe hạt nhân. Văn bản này chỉ rõ những căn cứ mà Liên bang Nga được quyền sử dụng vũ khí hạt nhân…” (Guardian)
  • Ngày 20/4, Tổng thống Putin tuyên bố việc thử nghiệm tên lửa Sarmat sẽ “đảm bảo nền an ninh của Nga trước các mối đe dọa từ bên ngoài theo một cách đáng tin cậy và để cho những ai, trước sức nóng của những luận điệu hung hăng ngông cuồng, cố gắng đe dọa đất nước chúng tôi, phải cân nhắc nghiêm túc".
  • Ngày 25/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo phương Tây đừng đánh giá thấp các nguy cơ leo thang xảy ra xung đột hạt nhân: "Sự nguy hiểm là nghiêm trọng, có thật, và chúng ta không được đánh giá thấp nó".
  • Ngày 26/4, phát ngôn viên của Điện Kremlin Vladimir Solovyov trực tiếp đe dọa Anh khi tuyên bố: "Một tên lửa Sarmat có nghĩa là loại trừ đi một Vương quốc Anh".
  • Ngày 27/4, Tổng thống Putin đe dọa: “Nếu ai đó từ bên ngoài quyết định can thiệp vào các sự kiện đang diễn ra tại Ukraine, tạo ra những mối đe dọa chiến lược không thể chấp nhận được với chúng tôi, họ nên biết rằng những đòn tấn công sắp diễn ra sẽ nhanh chóng và chớp nhoáng”.
  • Ngày 28/4, Phát ngôn viên ​​Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo tới các nước phương Tây nên “ngừng thách thức tính kiên nhẫn” của Moscow.

Chỉ trong vài giây đầu của cuộc phỏng vấn với Sky News Australia, cựu Tổng thống Trump đã trực tiếp chỉ ra rằng, nước Mỹ đang bị "những người không thông minh lãnh đạo" có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân, cho thấy tình hình tại Ukraine khá nguy hiểm.

Cảnh báo của ông Trump nhắc nhở những sự kiện gần đây, với việc chính quyền Joe Biden xem nhẹ các lời răn đe của Nga, cũng như không những không có biện pháp làm giảm căng thẳng tình hình, mà còn đẩy cuộc xung đột leo thang lên một tầm nguy hiểm mới khi liên tục bơm tiền và vũ khí cho Ukraine. Trước đó, vào ngày 18/4, ông Trump cũng đã đưa ra tuyên bố đáng lo ngại nhất:

“Không thể hiểu nổi vì lý do gì mà Nga và Ukraine không cùng ngồi xuống và thảo ra một thỏa thuận nào đó. Nếu họ không làm điều đó sớm, sẽ không còn gì ngoài cái chết, sự hủy diệt và tàn sát. Đây là một cuộc chiến mà lẽ ra không bao giờ nên xảy ra”.

Thật không may, chính quyền Joe Biden không xem xét mối đe dọa này một cách nghiêm túc, mà thậm chí còn hạ thấp mối đe dọa này khi khẳng định rằng Nga “sẽ không bao giờ dám sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Mỹ coi thường: Truyền hình Nga tung video răn đe hủy diệt 3 nước NATO

Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ không tin có mối đe dọa từ việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân:

“Chúng tôi tiếp tục theo dõi khả năng hạt nhân của họ mỗi ngày tốt nhất có thể và chúng tôi không đánh giá rằng có mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và không có mối đe dọa nào đối với lãnh thổ NATO”. (usnews).

Trong khi chính quyền Joe Biden tin rằng sẽ “không có mối đe dọa nào đối với lãnh thổ NATO”, thì truyền hình Nga đã bất ngờ phát sóng một chương trình mô phỏng về cách các tàu ngầm hạt nhân của Nga có thể hạ gục nước Anh một cách dễ dàng.

Đây là phân đoạn khi người dẫn chương trình Dmitry Kiselyov mô tả hình ảnh một chiếc tàu ngầm:

Kịch bản mô phỏng về một cuộc tấn công bằng siêu ngư lôi Poseidon của Nga trên quần đảo Anh. Người dẫn chương trình giải thích: “Vụ nổ của ngư lôi nhiệt hạch này ngoài khơi bờ biển Anh sẽ kích hoạt một đợt sóng khổng lồ cao tới 500 mét. Một lượng nước như vậy cũng mang bức xạ cực mạnh. Nếu nó quét qua quần đảo Anh, nó sẽ biến những gì còn lại của quốc đảo này thành một sa mạc phóng xạ ”.

Mỹ đã từng e ngại Poseidon của Hải quân Nga, bởi nó không chỉ được trang bị vũ khí hạt nhân mà còn chạy bằng năng lượng hạt nhân. Không chỉ thế, Poseidon còn có kích thước khổng lồ, ước tính có đường kính khoảng 2,13m và nặng khoảng 100 tấn, mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. Trong khi ấy, một trong những ngư lôi hạng nặng tiêu chuẩn của Hải quân Mỹ là Mark 48 chỉ có đường kính 53cm và nặng khoảng 1580kg.

Theo Dailymail, ngoài ra truyền hình Nga còn mô phỏng cách nước này tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào 3 thủ đô ở châu Âu, đồng thời tuyên bố rằng sẽ 'không còn ai sống sót', nhằm đáp lại bình luận của Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Anh ủng hộ các cuộc tấn công của Ukraina vào cơ sở hạ tầng của Nga.

Những người dẫn chương trình 60 Minutes của Kênh 1 thông báo các thành phố London, Paris và Berlin có thể bị tấn công trong vòng 200 giây sau khi tên lửa hạt nhân được phóng đi.

Phân đoạn được phát sóng trên đài truyền hình “Channel One” là một trong những chương trình được xem nhiều nhất ở Nga, và có sự góp mặt của Chủ tịch đảng Dân tộc chủ nghĩa Rodina, Aleksey Zhuravlyov, người đã tuyên bố rằng: “Một tên lửa Sarmat và quần đảo Anh sẽ không còn nữa”.

Ảnh chụp màn hình chương trình Rossiya1 của Nga về tầm bắn và tốc độ của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat.
Ảnh chụp màn hình chương trình Rossiya1 của Nga về tầm bắn và tốc độ của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat.

Một bản đồ trên màn hình cho thấy tên lửa đạn đạo “Sarmat” mà Nga mới "khoe" gần đây sẽ được phóng từ khu vực ngoại ô Kaliningrad của Nga, có thể bay tới thủ đô Berlin trong vòng 106 giây, London trong 202 giây và Paris trong 200 giây. Đó là một "bí mật" mà Putin đã công khai cho thế giới thấy về loại vũ khí chiến lược liên lục địa tối tân này, mà theo Tổng thống Nga là phương Tây hiện không có biện pháp tự vệ chống lại nó.

Trong khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng NATO đã tham gia vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại Nga, bằng cách đổ vũ khí vào Ukraine và cảnh báo về nguy cơ chiến tranh hạt nhân, thì các quan chức Mỹ chỉ coi đó là một mối đe dọa. (Aljazeera)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lloyd Austin cho biết: “Những lời hùng biện rõ ràng là nguy hiểm và vô ích… Không ai muốn chứng kiến ​​một cuộc chiến tranh hạt nhân, và không ai có thể chiến thắng điều đó". (usnews)

Rõ ràng Mỹ đang xem nhẹ các động thái răn đe của Nga. Nhưng cần lưu ý, cùng thời điểm đó, Trung Quốc cũng có một cú "ăn rơ" với Nga khi trực tiếp gửi răn đe tới chính quyền Biden?

Trung Quốc và Nga liên tiếp “ khoe” tên lửa hạt nhân Sarmat và Eagle Strike 21

Trên thực tế, Nga có vẻ như đã chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân tiềm tàng với Mỹ, mà vụ tiến hành thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat vào ngày 21/4 cho thấy người Nga gửi răn đe tới Mỹ một cách khá nghiêm túc.

Sarmat có tầm bắn 11.000 dặm và có thể bắn trúng bất kỳ mục tiêu nào trên toàn hành tinh. Nó có thể mang tới 15 đầu đạn và có thể nhắm mục tiêu độc lập. Người Nga cũng đang "khoe khoang" rằng sức mạnh của những đầu đạn đó, có thể phá hủy một khu vực có diện tích bằng nước Pháp hoặc bang Texas của Mỹ.

Lưu ý rằng, đây mới chỉ là một quả tên lửa thử nghiệm. Người Nga đang có kế hoạch đưa số lượng lớn các tên lửa này vào biên chế. Vụ thử tên lửa Sarmat mới của Nga nhằm mục đích như một thông điệp ngầm gửi tới bất kỳ quốc gia nào đang cố gắng hỗ trợ Ukraine.

Chỉ một ngày trước khi Nga phóng tên lửa xuyên lục địa Sarmat, Trung Quốc đã phóng một tên lửa siêu thanh mới YJ-21 từ tàu khu trục Type 055. Truyền thông ĐCSTQ đã mệnh danh YJ-21 là một phiên bản của loạt tên lửa "sát thủ tàu sân bay", với tốc độ bay cực nhanh và có quỹ đạo bay không thể đoán trước.

Một tên lửa đang được phóng lên trong video mới lan truyền trên các mạng xã hội, được cho là tên lửa YJ-21 của Trung Quốc. (Twitter / Ảnh chụp màn hình / NTDVN)

Hẳn nhiên Trung Quốc và Nga không vô tình thử tên lửa vào đúng thời điểm đang diễn ra cuộc xung đột tại Ukraine. Cả hai dường như đang cảnh báo Mỹ và NATO rằng, họ đều sở hữu vũ khí hủy diệt, và bất kỳ sự can thiệp nào vào cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine, hoặc bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai ở eo biển Đài Loan đều sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Nói cách khác, Nga hiện đang ám chỉ một mối đe dọa hạt nhân để nhằm ngăn chặn nguồn cung cấp vũ khí quân sự của Mỹ và đồng minh cho các lực lượng Ukraine. Trong khi đó, ĐCSTQ có kế hoạch đe dọa tương tự nhằm cảnh cáo và ngăn Mỹ không bảo vệ Đài Loan.

Theo nhà bình luận Anders Corr, “Bắc Kinh và Moscow đang cố gắng sử dụng vũ khí hạt nhân của họ không chỉ như một lực lượng răn đe, mà còn là một lực lượng mạnh mẽ. Họ muốn buộc các nền dân chủ trên thế giới tuân theo ý muốn của họ và nếu có một nửa cơ hội, họ sẽ làm như vậy.”

Trong khi đó kho chiến lược hạt nhân của Mỹ có gì?

Theo wikipedia, tên lửa Minuteman III từ những năm 1970 vẫn là trụ cột trong kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ, và vẫn chưa có tên lửa hiện đại nào được lên kế hoạch thay thế cho đến khoảng năm 2030.

Và chính quyền Joe Biden làm gì trước sự răn đe của Nga và Trung Quốc? Thực tế, Mỹ và NATO đang xem nhẹ sự răn đe, đồng thời thúc đẩy chiến lược chiến tranh ủy nhiệm chống lại Nga với đầy rẫy những hậu quả nghiêm trọng tiềm tàng.

Mỹ - Nga cùng leo thang: Tình hình cực nguy hiểm

Vụ thử tên lửa "Sarmat” rõ ràng cho thấy một sự leo thang khác của người Nga, và điều đó là cực kỳ đáng báo động.

Nhưng chính quyền Joe Biden cũng đang leo thang bằng các vòng trừng phạt chống lại Nga, cũng như tăng cường các gói viện trợ quân sự khác, trị giá 33 tỉ đô la sẽ sớm được gửi tới Ukraine…

Chính quyền Joe Biden đang cấp tập viện trợ vũ khí và đạn dược cho Ukraine, cung cấp thông tin tình báo cũng như giúp huấn luyện Ukraine cách chiến đấu với người Nga... Cả hai lãnh đạo quân sự cao nhất của Mỹ là Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đều xác nhận, quân đội Mỹ đang tiến hành huấn luyện cho quân đội Ukraine ở bên ngoài Ukraine, bao gồm cả ở Mỹ.

Điều nguy hiểm là chính quyền Putin đang coi đây là cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Mỹ và Nga. Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng cảnh báo phương Tây rằng, với tình hình xung đột Nga-Ukraine hiện nay thì không còn xa với Chiến tranh Thế giới thứ ba và chiến tranh hạt nhân. Từ bình luận này, liệu người Nga đã sẵn sàng cho việc bùng nổ Thế chiến 3 bằng vũ khí hạt nhân?

Rõ ràng là cách xử lý cuộc xung đột tại Ukraine của chính quyền Joe Biden dường như đang đổ thêm dầu vào lửa. Có thể thấy, dưới thời Donald Trump:

  • Nga đã không tấn công Ukraine, mà chỉ xâm lược dưới thời Barack Obama và Joe Biden.
  • Triều Tiên ngừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo khi Tổng thống Trump nói với Kim Jong-un rằng, nút hạt nhân của Mỹ còn "lớn hơn và mạnh hơn"? Rõ ràng là Tổng thống Trump có ngôn ngữ răn đe rất hiệu quả. (NBCnews). Nhưng dưới thời Joe Biden, Bắc Triều Tiên đã không những thử bắn thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 vào ngày 25/3, mà còn dọa sẽ có thể dùng đến vũ khí hạt nhân để "tấn công phủ đầu nếu cần thiết" vào 30/4 vừa qua.
  • Trung Quốc không có động thái quá hiếu chiến chống lại Mỹ vì lo ngại thái độ “không biết đâu mà lần” của Tổng thống Trump, đã ngăn nhiều quốc gia độc tài như Nga, Iran, Bắc Triều Tiên… trong tầm kiểm soát của Mỹ.
  • Taliban đã bị đánh bật khỏi chính trường Afghanistan và đã trở lại kiểm soát nước này khi chính quyền Joe Biden có cuộc rút quân thảm hại, khiến người Mỹ và đồng minh bị mắc kẹt ở Afghanistan, và dẫn đến cái chết của 13 thành viên Dịch vụ Mỹ (NYpost)

Đây chỉ là vài trong số những ví dụ cho thấy chính quyền Donald Trump đã xử lý khủng hoảng quốc tế ổn thỏa như thế nào. Nhưng chỉ trong vòng 16 tháng, tất cả những điều đó đã thay đổi chóng mặt dưới thời Joe Biden.

Cựu Tổng thống Donald Trump phát biểu tại một cuộc mít tinh ở Florence, Arizona, vào ngày 15/1/2022. (Mario Tama / Getty Images)
Cựu Tổng thống Donald Trump phát biểu tại một cuộc mít tinh ở Florence, Arizona, vào ngày 15/1/2022. (Mario Tama / Getty Images)

Đối với cuộc chiến tranh tại Ukraina, ngày 26/4/2022 có thể coi là một ngày mang tính biểu tượng. Khoảng 40 quốc gia, gồm Mỹ và các đồng minh, đã họp tại một căn cứ quân sự Mỹ đặt tại Đức, đã thảo luận về việc tăng cường hỗ trợ vũ khí (đặc biệt là các vũ khí hạng nặng) cho Ukraina trong cuộc chiến chống lại Nga.

Chỉ 1 ngày sau, ngày 27/4, Tổng thống Putin đã đáp trả rằng, nếu phương Tây tạo ra mối đe dọa chiến lược đối với Nga, thì đòn phản công của Nga “sẽ nhanh như chớp”. Liệu đây có phải là "đòn gió" của Putin. Có lẽ khó có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra trong tình thế nguy hiểm này.

Chiến tranh có thể sớm kết thúc?

Ukraine đã trở thành chiến trường khốc liệt. Nga vẫn tiếp tục tiến hành “chiến dịch đặc biệt” cho đến khi đạt được mục tiêu của họ tại Ukraine. Trong khi ấy, Mỹ và NATO cung cấp tiền và vũ khí để Tổng thống Zelensky tiếp tục chiến đấu lâu dài, thậm chí có thể kéo dài 10 năm như lời ông tuyên bố.

Cuối cùng, chỉ có người dân Ukraine là những người phải hứng chịu tất cả mất mát. Những người yêu chuộng hòa bình đang đặt câu hỏi, liệu xung đột giữa Nga và Ukraine có thể sớm kết thúc? Điều này phụ thuộc vào Mỹ và Nga, và cả chính Tổng thống Ukraine Zelensky. Sự mở rộng về phía đông của NATO, và cuộc tấn công của Nga là những nguyên nhân sâu xa dẫn đến xung đột thảm kịch tại Ukraine.

Trong những ngày nóng bỏng này, có một người nổi tiếng đã thu hút sự phẫn nộ của phe cánh tả tại Mỹ, khi ông gợi ý rằng các cường quốc phương Tây nên làm dịu xung đột và “tiến tới một giải pháp thương lượng”.

Đó là giáo sư nổi tiếng Noam Chomsky của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Ông nói: “Điều tốt nhất nên làm để cứu Ukraine khỏi một số phận nghiệt ngã, khỏi bị hủy diệt thêm nữa, đó là hướng tới một thỏa thuận thương lượng… Có hai cách để chiến tranh kết thúc: Một cách là phe này hoặc phe kia về cơ bản sẽ bị tiêu diệt. Và người Nga sẽ không bị tiêu diệt. Vì vậy, điều đó có nghĩa là, một trong những cách đó chính là Ukraine sẽ bị hủy diệt ”. (Breitbart)

Giáo sư Noam Chomsky đã nhận xét rằng, chỉ có cựu Tổng thống Donald Trump là một trong số ít chính khách nổi tiếng ở phương Tây tích cực thúc đẩy hòa bình ở Ukraine thay vì leo thang chiến tranh với Nga.

Điều đáng nói là, giáo sư Noam Chomsky là người theo cánh tả và từng gọi cựu Tổng thống Trump là một nhân vật nguy hiểm. Tuy nhiên, ông đã thừa nhận rằng, Donald Trump đã đề xuất các giải pháp hòa bình, thiết thực để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Ntdvn.net

Xuân Trường



BÀI CHỌN LỌC

Donald Trump cảnh báo “Thế giới sẽ nổ tung” dưới thời Joe Biden: Nga tung video mô phỏng tấn công hạt nhân