Động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria: Số người chết vượt 46.000, lực lượng cứu hộ tuyệt vọng tìm người sống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hơn 46.000 người đã thiệt mạng trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vừa qua, Con số thiệt hại dự kiến sẽ tăng cao, với 264.000 căn hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị phá hủy và hàng nghìn người mất tích, trong khi lực lượng cứu hộ vẫn nỗ lực tìm kiếm dấu hiệu của sự sống dưới đống đổ nát.

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng quản lý "thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua tại châu Âu" thì mối lo ngại đối với các nạn nhân của thảm kịch ở Syria ngày càng tăng.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đang gây áp lực buộc chính quyền Syria ngừng chặn cửa khẩu ở hướng tây bắc, tạo điều kiện để đơn vị này chuyển hàng cứu trợ giúp đỡ hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng do động đất. Khu vực này do quân nổi dậy kiểm soát.

Mười hai ngày sau trận động đất, nhóm cứu hộ đến từ Kyrgyzstan đã cố gắng giải cứu một gia đình 5 thành viên người Syria khỏi đống đổ nát của một tòa nhà ở Antakya, thành phố cực nam của Thổ Nhĩ Kỳ.

Lực lượng cứu hộ đã cứu được ba người, trong đó có một trẻ em. Đội cứu hộ cho biết người mẹ và người cha may mắn sống sót nhưng đứa trẻ sau đó đã qua đời vì mất nước. Một người chị gái và một người em song sinh cũng không qua khỏi.

"Chúng tôi nghe thấy tiếng la hét của các nạn nhân bên dưới cách đây khoảng một giờ khi đang đào bới. Cảm giác tìm thấy những người còn sống sót luôn khiến chúng tôi xúc động", ông Atay Osmanov, một thành viên của đội cứu hộ, chia sẻ với tờ Reuters.

Mười chiếc xe cấp cứu đã đậu sẵn trên một con phố bị phong tỏa gần đó để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cứu hộ.

Lực lượng cứu hộ đã yêu cầu mọi người xung quanh đống đổ nát giữ im lặng, đồng thời yêu cầu mọi người cúi hoặc ngồi xuống, trong lúc các đội cứu hộ leo lên đỉnh đống đổ nát của tòa nhà vừa tìm thấy gia đình 5 thành viên. Họ dùng máy dò âm thanh để nghe ngóng xem có phát hiện thêm bất kỳ âm thanh hoặc tiếng kêu cứu nào hay không.

"Hãy hít thở sâu nếu bạn nghe thấy giọng nói của tôi", một nhân viên cứu hộ nói vọng vào đống đổ nát.

Lực lượng cứu hộ sau đó đã dừng các hoạt động tìm kiếm khi máy xúc đến và leo lên đống đổ nát để bắt đầu đào bới.

Một người đàn ông đi ngang qua các tòa nhà bị phá hủy vào ngày 14/2/2023 tại Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Chris McGrath/Getty Images)

Số người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ trong trận động đất vẫn ở mức 40.642 người, trong khi nước láng giềng Syria ghi nhận 5.800 người thiệt mạng, con số này không thay đổi trong nhiều ngày qua.

Trao đổi với hãng tin Reuters bên lề Hội nghị An ninh Munich ở Đức, Giám đốc WFP David Beasley cho biết, chính phủ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đang hợp tác chặt chẽ, nhưng các hoạt động cứu trợ của họ bị cản trở ở tây bắc Syria.

Tuần trước, tổ chức này thông báo rằng họ đã cạn kiệt hàng cứu trợ ở Syria và kêu gọi mở thêm các cửa khẩu ở biên giới từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Beasley cho biết: “Chúng tôi đang gặp khó khăn khi tiến hành các hoạt động [cứu trợ] xuyên biên giới vào tây bắc Syria. Chính quyền ở đó không cung cấp cho chúng tôi quyền tiếp cận mà chúng tôi cần”.

“Điều đó đang cản trở hoạt động [cứu trợ] của chúng tôi và cần phải được khắc phục ngay lập tức".

"Thời gian không còn nhiều và chúng tôi cũng đang cạn kiệt tiền bạc. Hoạt động cứu trợ của chúng tôi tiêu tốn khoảng 50 triệu USD mỗi tháng chỉ để ứng phó với động đất. Vì vậy trừ khi châu Âu muốn có thêm một làn sóng người tị nạn mới, chúng tôi cần nhận được sự hỗ trợ mà chúng tôi cần", ông Beasley cảnh báo.

Syria đã bị tàn phá sau hơn một thập kỷ nội chiến. Đến nay, hầu hết các trường hợp tử vong trong trận động đất vừa qua chủ yếu xảy ra ở vùng tây bắc nước này.

Khu vực này hiện nằm dưới sự kiểm soát của quân nổi dậy. Đây là lực lượng đang chiến đấu với các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Chính vì vậy, họ đã cản trở những nỗ lực cứu trợ cho người dân tây bắc Syria.

Hàng nghìn người Syria từng tìm nơi ẩn náu ở Thổ Nhĩ Kỳ để tránh cuộc nội chiến, nay đã trở về quê hương trong vùng chiến sự - ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

Những người Syria bị ảnh hưởng bởi trận động đất đang chờ đi qua cửa khẩu Cilvegozu ở Thổ Nhĩ Kỳ để trở về quê hương Syria, tại Reyhanli, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/2/2023. (Ảnh: Chris McGrath/Getty Images)

Sức khỏe cộng đồng trước nguy cơ lây lan dịch bệnh

Trong khi nhiều đội cứu hộ nước ngoài đã rời khỏi vùng động đất lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, các đội cứu hộ trong nước tiếp tục đào bới trong các tòa nhà bị san phẳng vào thứ Bảy (18/2), với hy vọng tìm thấy nhiều người còn sống sót. Các chuyên gia cho biết hầu hết các cuộc giải cứu diễn ra trong 24 giờ sau trận động đất.

Các bác sĩ và chuyên gia bày tỏ lo ngại về khả năng lây lan dịch bệnh trong khu vực có hàng nghìn tòa nhà bị sập vào tuần trước, khiến cơ sở hạ tầng vệ sinh bị hư hại.

Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca hôm 18/2 cho biết, mặc dù có sự gia tăng các ca nhiễm trùng đường ruột và đường hô hấp trên, nhưng những con số này không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, ông nói thêm rằng cơ quan Y tế đã đưa ra các biện pháp để theo dõi và ngăn ngừa dịch bệnh tiềm ẩn.

"Trọng tâm của chúng tôi hôm nay là đấu tranh chống lại các tình huống có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng và tránh các bệnh truyền nhiễm", ông Koca cho biết trong một cuộc họp báo ở tỉnh Hatay phía nam.

Các tổ chức nhân đạo tin rằng những người sống sót có thể sẽ cần hỗ trợ trong nhiều tháng vì có quá nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng đã bị hư hại.

Một khu chung cư bị hư hại tại Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/2/2023. (Ảnh: Chris McGrath/Getty Images)

Sự phẫn nộ của người dân dâng cao

Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đều không công bố có bao nhiêu người vẫn còn mất tích do trận động đất.

Sự phẫn nộ của người dân đang dâng cao, đặc biệt là những gia đình vẫn đang chờ đón người thân ở Thổ Nhĩ Kỳ, vì các hành vi xây dựng tham nhũng và những lỗ hổng nghiêm trọng trong quá trình phát triển đô thị ở nước này đã dẫn đến hàng nghìn ngôi nhà và cơ sở kinh doanh bị phá hủy.

Một trong những tòa nhà như vậy là Ronesans Rezidans (Khu nhà thời Phục hưng) ở Antakya. Tòa nhà bị sập gần như hoàn toàn sau trận động đất, khiến hàng trăm người thiệt mạng.

“Tòa nhà được cho là ‘chống động đất’, nhưng quý vị đã thấy kết quả rồi đó. Tòa nhà này ở trong tình trạng thật khủng khiếp. Nó không [được xây bằng] sắt hay xi măng phù hợp. Nơi này thực sự là địa ngục”, ông Hamza Alpaslan, 47 tuổi, chia sẻ. Anh trai của ông từng sống trong tòa nhà này.

Thổ Nhĩ Kỳ hứa sẽ điều tra bất kỳ ai bị tình nghi chịu trách nhiệm về vụ sập các tòa nhà và đã ra lệnh giam giữ hơn 100 nghi phạm, bao gồm cả nhà thầu.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria: Số người chết vượt 46.000, lực lượng cứu hộ tuyệt vọng tìm người sống