Dự luật Duy Ngô Nhĩ được Hạ viện Mỹ phê chuẩn, chờ Tổng thống Trump ký

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật Duy Ngô Nhĩ với đa số áp đảo, chuẩn bị cho các biện pháp trừng phạt quan chức Trung Quốc.

Với tỷ lệ 413 phiếu thuận và một phiếu chống, Hạ viện Mỹ hôm 27/5 đã thông qua Đạo luật Chính sách Nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ. Đạo luật kêu gọi trừng phạt những người chịu trách nhiệm giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương.

Dự luật hôm 14/5 đã được Thượng viện thông qua với toàn bộ phiếu thuận, nên sẽ được đệ trình lên Nhà Trắng. Các quan chức tại quốc hội Mỹ cho hay Tổng thống Trump sẽ ký thành luật.

"Quốc hội đã gửi một thông điệp rõ ràng tới chính phủ Trung Quốc rằng họ không thể lộng hành", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà Marco Rubio tuyên bố. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi gọi đây là "bước đi vững chắc chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ".

Các biện pháp trừng phạt

Dự luật Duy Ngô Nhĩ kêu gọi trừng phạt các cá nhân có liên quan tới việc bắt giữ và đối xử người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng Hồi giáo tại tỉnh Tân Cương, Trung Quốc. Những người này sẽ bị trừng phạt bằng những biện pháp như đóng băng tài sản tại Mỹ và bị từ chối nhập cảnh.

Dự luật cũng kêu gọi các công ty và công dân Mỹ đang hoạt động tại khu vực Tân Cương thực hiện các biện pháp để đảm bảo chuỗi cung ứng của họ không bị ảnh hưởng bởi lực lượng lao động “bị cưỡng ép” tại đây.

Theo dự luật mới, Tổng thống Trump sẽ có 180 ngày để lên danh sách các quan chức Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng nhân quyền tại Tân Cương. Những quan chức này sau đó sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Bí thư Tân Cương, Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), một thành viên của Bộ Chính trị Trung Quốc, bị chỉ đích danh trong dự luật và bị buộc phải chịu trách nhiệm cho "những vi phạm nhân quyền thô bạo" chống lại các nhóm người thiểu số ở Tân Cương.

Trung Quốc từng cảnh báo sẽ hành động trả đũa nếu ông Trần bị nhắm mục tiêu trừng phạt, gọi các động thái của Mỹ về Tân Cương là "can thiệp thô bạo" vào vấn đề nội bộ của nước này.

Liên Hợp Quốc ước tính hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị bắt giữ tại các trại cải tạo ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận cái gọi là trại cải tạo cũng như cáo buộc ngược đãi, khẳng định người Duy Ngô Nhĩ vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp này là "hoàn toàn tự nguyện."

Bộ Thương mại Mỹ ngày 22/5 liệt 33 công ty và thực thể Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì “có liên quan tới hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền, giam giữ tùy tiện quy mô lớn, lao động cưỡng ép và giám sát công nghệ cao nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ”.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Dự luật Duy Ngô Nhĩ được Hạ viện Mỹ phê chuẩn, chờ Tổng thống Trump ký