Xếp thứ 4 về thị phần, vũ khí Trung Quốc vẫn không thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) gần đây đã công bố dữ liệu về hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu năm 2021, trong đó dữ liệu về Trung Quốc không có gì nổi bật. Hầu hết khách nước ngoài đều tránh mua các loại hệ thống vũ khí của Trung Quốc.

Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đình trệ

Theo SIPRI, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc trong giai đoạn 2017–2021 đã giảm gần 1/3 so với giai đoạn 5 năm trước đó (2012–2016). Nhìn chung, Trung Quốc chỉ chiếm 4,6% tổng doanh số bán vũ khí toàn cầu, giảm so với mức 6,4% trong giai đoạn 2012-2016.

Trong khi đó, Mỹ cung cấp cho gần 40% thị trường vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2017–2021, tăng 14% so với giai đoạn 2012–2016.

Trung Quốc hiện đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng quốc tế về các nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất. Nga đứng thứ 2 với 19% thị phần; Pháp đứng thứ 3 với 11%. Trung Quốc chỉ hơn 0,1% so với Đức - nước đứng thứ 5 trong danh sách.

Tất nhiên, những con số này có thể thay đổi theo từng năm. Nhưng thực tế là Trung Quốc chưa bao giờ tốt hơn nước có vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng, thậm chí chưa bao giờ đạt mức 2 con số về tỷ lệ % tổng doanh số bán vũ khí ở nước ngoài trên toàn thế giới.

Mỹ đang ở vị trí dẫn đầu và các đối thủ khó có thể cạnh tranh. Từ năm 2017 đến năm 2021, xuất khẩu vũ khí của Mỹ lớn hơn 108% so với Nga, trong khi con số này chỉ là 34% trong giai đoạn 2012-2016. Hiện tại, vũ khí xuất khẩu của Mỹ nhiều gấp 8 lần so với Trung Quốc.

Bắc Kinh phụ thuộc vào một số khách hàng lớn

Khách hàng nước ngoài của Mỹ rất đa dạng. Từ năm 2017 đến năm 2021, Mỹ đã chuyển giao vũ khí cho 103 quốc gia, nhiều hơn bất kỳ nhà cung cấp nào khác. Khách hàng lớn nhất, Ảrập Xêút, mang đến cho Mỹ 23% tổng doanh thu.

Trong khi đó, Trung Quốc phụ thuộc một cách bấp bênh vào chỉ một số ít khách hàng. Trong giai đoạn 2017–2021, Trung Quốc đã chuyển giao các hệ thống vũ khí cho 48 quốc gia. Chỉ 4 nước trong số này - Pakistan, Bangladesh, Thái Lan và Myanmar - đã chiếm gần 70% tổng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc. Trên thực tế, Pakistan chiếm khoảng một nửa (47%) doanh số bán vũ khí ở nước ngoài của Trung Quốc.

Xuất khẩu vũ khí của Nga trong giai đoạn 2017–2021 thậm chí còn mang tính tập trung hơn cả Trung Quốc. Chỉ 4 quốc gia - Ấn Độ, Trung Quốc, Ai Cập và Algeria - cộng lại đã chiếm 73% tổng xuất khẩu vũ khí của Nga.

Doanh số bán vũ khí của Bắc Kinh giảm là do doanh số bán hàng tại 2 trong số các thị trường quan trọng nhất của nước này là châu Phi và châu Á giảm. Algeria, Sudan và Indonesia - từng là khách hàng mua vũ khí của Trung Quốc với số lượng lớn - đã giảm mua đáng kể. Venezuela cũng vậy. Chỉ có Pakistan vẫn là khách hàng trung thành khi 72% vũ khí nhập khẩu của nước này đến từ Trung Quốc.

Chủ yếu cung cấp vũ khí cho các nước bất hảo, ít khách hàng mới

Tại sao Trung Quốc lại có ​​thành tích kém cỏi như thế này trên thị trường vũ khí toàn cầu, đặc biệt là khi chúng ta đã được cảnh báo trong nhiều thập kỷ về sự nguy hiểm của việc Bắc Kinh cung cấp vũ khí sát thương cho các quốc gia bất hảo và các nhóm khủng bố?

Trung Quốc đã đồng ý cung cấp các loại vũ khí, tên lửa và pháo phản lực cho nhiều tổ chức khủng bố như Hezbollah. Trong những năm 1990, Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn của Iran, đặc biệt là tên lửa hành trình chống hạm và hệ thống tên lửa đạn đạo. Bắc Kinh cũng cung cấp công nghệ hạt nhân cho Iran, Pakistan và Triều Tiên - những quốc gia đang nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân.

Hơn nữa, Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp chính máy bay không người lái có vũ trang cho quân đội trên toàn thế giới. SIPRI phát hiện ra rằng Bắc Kinh đã bán các thiết bị bay không người lái có vũ trang cho ít nhất 16 quốc gia ở 3 châu lục, bao gồm Ai Cập, Indonesia, Iraq, Jordan, Nigeria, Ảrập Xêút, Serbia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Số tiền thu về là hơn 700 triệu USD.

Có thể thấy, Bắc Kinh đã bán một số loại vũ khí rất nguy hiểm, nhưng thường thì số liệu quá thấp để được ghi lại. Điều đó cho thấy, Trung Quốc có rất ít giao dịch lớn và nhiều kế hoạch bán hàng đã không thành hiện thực.

Lấy ví dụ về máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc. Loại máy bay này được thiết kế để trở thành máy bay chiến đấu “thế hệ thứ tư”, gần tương đương với phiên bản mới nhất của máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ chế tạo. J-10 được trang bị hệ thống radar tương đối tiên tiến, buồng lái có màn hình hiển thị, hệ thống điều khiển bay bằng máy tính và thậm chí là một số khả năng tàng hình nhất định. Loại máy bay này có thể bắn tên lửa không đối không tầm xa và thậm chí được sử dụng như một máy bay cường kích.

Người ta mong đợi rằng một máy bay chiến đấu như J-10 - giống như F-16 nhưng rẻ hơn nhiều - sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt với các nhà sản xuất máy bay chiến đấu của phương Tây. Vậy mà, Trung Quốc đã xuất khẩu với số lượng bao nhiêu loại máy bay chiến đấu này? Trên thực tế, sau nhiều năm chần chừ, cuối năm ngoái, không quân Pakistan (PAF) đã thông báo rằng họ sẽ mua 25 máy bay chiến đấu J-10. Đây là khách hàng nước ngoài duy nhất cho đến nay mua J-10 của Trung Quốc.

Ngoài ra, vào năm 2017, Bắc Kinh đã ký hợp đồng với Bangkok để cung cấp cho Hải quân Hoàng gia Thái Lan 3 tàu ngầm S26T. Tuy nhiên, do công ty MTU của Đức - chuyên cung cấp động cơ diesel cho tàu ngầm này - đã từ chối bán động cơ này, nên thương vụ đang tạm dừng và thậm chí có thể bị hủy bỏ.

Trên thực tế, ngay cả khi đã bỏ ra nhiều năm nỗ lực (và cả tiền bạc) để hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng, Trung Quốc vẫn có rất ít hệ thống vũ khí tối tân và có tính cạnh tranh để cung cấp trên thị trường vũ khí toàn cầu. Bắc Kinh, với tư cách là một nhà xuất khẩu vũ khí, về cơ bản đã bị mắc kẹt trong nhiều thập kỷ, phụ thuộc vào một vài khách hàng lớn (đặc biệt là Pakistan) hoặc một số hợp đồng mua bán vũ khí một lần (chẳng hạn như bán 4 tàu hộ tống cho Malaysia).

Có một điều chắc chắn là: hầu như không có ai mua xe tăng, máy bay chiến đấu, hay tàu ngầm của Trung Quốc.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Xuân Hoa

Theo Richard A. Bitzinger - The Epoch Times

Tác giả Richard A. Bitzinger là nhà phân tích độc lập về bảo mật quốc tế. Ông từng là thành viên cấp cao của Chương trình Chuyển đổi Quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore; ông cũng từng đảm nhiệm nhiều công việc trong chính phủ Mỹ và tại nhiều tổ chức tư vấn khác nhau. Nghiên cứu của ông tập trung vào các vấn đề an ninh và quốc phòng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc quân sự và các vấn đề về hiện đại hóa quân đội và phổ biến vũ khí trong khu vực.



BÀI CHỌN LỌC

Xếp thứ 4 về thị phần, vũ khí Trung Quốc vẫn không thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu