Đức cấm Trung Quốc mua lại 2 nhà sản xuất chip vì lý do an ninh quốc gia

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thứ 4 (09/11) theo giờ địa phương, chính phủ Đức đã chặn việc các công ty do Trung Quốc làm chủ mua lại 2 trong số các nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Đức, với lý do lo ngại về an ninh.

“Chúng tôi đã cấm một nhà đầu tư không thuộc Liên minh châu Âu tham gia vào các dự án kinh doanh tại Đức”, Bộ trưởng Kinh tế Đức, ông Robert Habeck, nói với các phóng viên trước văn phòng Thủ tướng vào hôm thứ 4.

Ông nói thêm rằng quyết định này được đưa ra vì "an ninh trật tự ở Đức phải được bảo vệ; các khu vực sản xuất quan trọng cần được bảo vệ đặc biệt”.

Elmos Semiconductor, công ty sản xuất chip cho ngành công nghiệp ô tô, đã bị cấm bán nhà máy ở Dortmund (Đức) cho Silex, một công ty con (tại Thụy Điển) của Sai Microelectronics của Trung Quốc.

Trong một tuyên bố hôm thứ 2 (07/11), Elmos cho biết họ đã được Bộ Kinh tế Đức cảnh báo rằng việc bán nhà máy ở Dortmund cho Silex có thể bị cấm.

Công ty cho biết thêm họ sẽ xem xét các chi tiết sau khi nhận được quyết định từ chính phủ và sẽ nghiên cứu các bước đi tiếp theo.

Tháng 12/2021, Silex thông báo rằng họ đã ký một thỏa thuận mua bán với Elmos để mua nhà máy ở Dortmund với giá 85 triệu EUR (85,4 triệu USD), giao dịch dự kiến ​​kết thúc vào nửa cuối năm 2022.

Gia tăng lo ngại về an ninh

Quyết định của chính phủ Đức được đưa ra trong bối cảnh các nước châu Âu gia tăng lo ngại về sự phụ thuộc vào Bắc Kinh. Berlin cũng quan ngại rằng việc Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Đức có thể khiến Đức phải đối mặt với các vấn đề an ninh quốc gia và an ninh kinh tế, cũng như áp lực chính trị từ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chất bán dẫn là một thành phần thiết yếu trong rất nhiều sản phẩm, từ các thiết bị điện tử (như điện thoại di động) đến xe điện.

Đầu năm nay, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố “Đạo luật chip” trị giá hàng tỷ EUR nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và sức bật của châu Âu trong công nghệ bán dẫn và các ứng dụng bán dẫn, cũng như nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ châu Á.

Theo các trang tin địa phương, ông Habeck nói: “Chúng tôi phải xem xét rất kỹ các thương vụ mua bán công ty khi chúng liên quan đến các cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc khi có nguy cơ công nghệ bán dẫn sẽ bị chuyển giao cho người mua đến từ các nước không thuộc EU”.

Ông Habeck nói thêm rằng thương vụ mua bán công ty thứ hai cũng đã bị chính phủ từ chối nhưng ông không nêu tên các công ty trong vụ việc, với lý do “bí mật thương mại”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng nghiên cứu của Đức Bettina Stark-Watzinger đã nêu tên công ty đó là ERS Electronic, có trụ sở tại Bavaria (Đức), theo các hãng thông tấn địa phương. Trên trang web chính thức của mình, ERS Electronic cho biết họ cung cấp công nghệ kiểm tra wafer nhiệt cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Không rõ công ty Trung Quốc nào quan tâm đến việc mua lại ERS Electronic.

Quyết định của Đức được đưa ra trong bối cảnh nước này phải đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế ngày càng trầm trọng hơn do chiến tranh Nga - Ukraine và với cuộc khủng hoảng năng lượng đang hoành hành tại châu Âu.

Tuần trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc họp tập trung vào quan hệ kinh doanh giữa hai quốc gia khi mối quan hệ Đức - Nga tiếp tục xấu đi.

Xuân Hoa

Theo Katabella Roberts - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Đức cấm Trung Quốc mua lại 2 nhà sản xuất chip vì lý do an ninh quốc gia