Đức và Indonesia thắt chặt quan hệ quốc phòng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 5/6, Đức và Indonesia đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng song phương cũng như lên kế hoạch tiến hành một cuộc tập trận chung với các nước khác trong khu vực. Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang leo thang.

Ngày 5/6, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã hội đàm với người đồng cấp Indonesia Prabowo Subianto tại thủ đô Jakarta (Indonesia) để cân nhắc các biện pháp mở rộng hợp tác quốc phòng song phương.

Ông Subianto cho biết hai quốc gia đã duy trì quan hệ song phương “rất tốt” trong thập kỷ qua và mong muốn tiếp tục tăng cường các mối quan hệ đó, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng.

“Chúng tôi quyết tâm tiếp tục tăng cường hợp tác và tôi đã hứa sẽ có chuyến thăm xã giao Đức”, ông nói trong một cuộc họp báo chung, theo Bộ Quốc phòng Indonesia.

Theo ông Pistorius, một trong những chủ đề được thảo luận là khả năng nước này sẽ tổ chức một cuộc tập trận chung với các đối tác trong khu vực, trong bối cảnh Đức dự kiến triển khai một tàu khu trục đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm tới.

Ông Pistorius nêu rõ: “Chúng tôi đã đề cập đến khả năng đạt được thỏa thuận về một số tàu ngầm. Chúng tôi đang thảo luận về hai tàu quét mìn đang trên đường tới Indonesia”.

Trước chuyến thăm Indonesia, ông Pistorius đã có cuộc hội đàm với ông Subianto bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Các Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh được tổ chức từ ngày 2/6 đến ngày 4/6.

Trong bài phát biểu của mình, ông Pistorius nói rằng Đức sẽ triển khai một tàu khu trục nhỏ và một tàu tiếp tế đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm tới. Tuy nhiên, ông nói rõ rằng việc triển khai không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào.

“Các tàu này cam kết bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà tất cả chúng ta đã ký kết và hưởng lợi từ đó - cho dù là ở Địa Trung Hải, Vịnh Bengal hay Biển Đông”, ông nói thêm.

Đức kêu gọi duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ

Trước những thách thức toàn cầu hiện nay và cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra, ông Pistorius cho biết các quốc gia nên hợp tác và đảm bảo an ninh hơn là đối đầu.

Ông cảnh báo: “Nếu Nga chiến thắng, thông điệp gửi tới các cường quốc theo chủ nghĩa xét lại trên khắp thế giới sẽ là 'hành vi gây hấn và sử dụng vũ lực quân sự vô cớ' là điều chấp nhận được và có thể thành công”.

Ông Pistorius nói rằng Đức sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tái cấu trúc các lực lượng vũ trang của mình theo hướng phòng thủ tập thể, bao gồm cải thiện khả năng sẵn sàng tác chiến và tăng cường hợp tác quân sự.

Ông nói: “Chúng ta phải duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ - ở bất cứ nơi nào điều này bị thách thức”.

Bằng cách tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, Đức đang cân bằng các mục tiêu an ninh và thương mại, vì Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất của Berlin.

Vào năm 2021, một tàu chiến của Đức đã đi vào Biển Đông lần đầu tiên sau gần 20 năm, một động thái cho thấy Berlin cùng với các quốc gia phương Tây khác mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực trong bối cảnh ngày càng có nhiều báo động về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.

Trước đó vào tháng 8/2021, con tàu này đã rời cảng Wilhelmshaven với hơn 200 sĩ quan và thủy thủ, thực hiện hải trình dài 6 tháng đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Khinh hạm Bayern là tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002. Khinh hạm này có nhiệm vụ chủ yếu là chống ngầm và cũng có khả năng tham gia phòng không.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bất chấp phán quyết của Tòa án Quốc tế rằng Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý cho những tuyên bố này. Đài Loan cũng phải đối mặt với các mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc, quốc gia coi hòn đảo tự trị này là một phần lãnh thổ của mình.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (phải) chào đón ông Johannes Vogel, thành viên Quốc hội Đức, tại văn phòng tổng thống ở Đài Bắc, Đài Loan, hôm 10/1/2023. (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images)

Theo nhà lập pháp Đức Johannes Vogel, một phái đoàn Đức đã đến thăm Đài Loan vào đầu năm nay nhằm thể hiện sự đoàn kết của Đức đối với Đài Loan trước nguy cơ xâm lược đang rình rập.

"Chính phủ Đức và các đồng minh phương Tây ủng hộ chính sách 'Một Trung Quốc', nhưng chúng tôi cũng tin rằng bất kỳ sự thay đổi nào đối với hiện trạng của Eo biển Đài Loan chỉ có thể đạt được thông qua thỏa thuận chung và mọi nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực là điều không thể chấp nhận được", ông Vogel nói thêm.

Đức coi Đài Loan là một đối tác quan trọng nhưng không có quan hệ ngoại giao chính thức với quốc đảo này.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đức và Indonesia thắt chặt quan hệ quốc phòng