Đức và Mỹ cam kết chấm dứt Nord Stream 2 nếu Nga tấn công Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại cuộc gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 7/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rõ ràng rằng ông sẽ "kết thúc" đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga đến châu Âu nếu Moscow điều quân vào Ukraine, đồng thời nhấn mạnh sự thống nhất với Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong nỗ lực ngăn chặn chiến tranh ở châu Âu

Tổng thống Joe Biden hôm thứ Hai (7/2) cho biết “sẽ chấm dứt đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2” từ Nga đến châu Âu, nếu Nga xâm lược Ukraine.

Nord Stream 2 sẽ bị chấm dứt

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào ngày 7/2, hai nhà lãnh đạo đã thể hiện một mặt trận thống nhất trong việc đưa ra mối đe dọa về các biện pháp trừng phạt "sâu rộng và nghiêm khắc" đối với Nga nếu nước này xâm lược Ukraine.

Cả hai nhà lãnh đạo đều mô tả một cách tiếp cận song phương - kêu gọi một con đường ngoại giao tiến tới với Nga, đồng thời chuẩn bị các biện pháp trừng phạt để áp đặt nhanh chóng chống lại Nga trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược.

"Nếu Nga điều quân, dù là xe tăng hay quân đội vượt qua biên giới Ukraine một lần nữa, thì sẽ không còn Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) nữa. Chúng tôi sẽ kết thúc nó", tổng thống Mỹ phát biểu trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng với Thủ tướng Scholz.

Theo Hãng tin AFP, tuyên bố của Tổng thống Biden là tuyên bố thẳng thừng nhất cho đến nay về số phận của đường ống dẫn khí đốt mới khổng lồ, đã hoàn thành, nhưng chưa vận chuyển khí tự nhiên đến Đức - nơi rất khát năng lượng, đặc biệt là trong mùa đông.

Khi được nhấn mạnh làm thế nào có thể chấm dứt đường dẫn khí đốt Nord Stream 2 trong khi Đức kiểm soát một phần quan trọng của cơ sở này, tổng thống Biden trả lời: "Tôi cam đoan chúng tôi sẽ có thể làm được".

Ông Scholz đã bị Ukraine và một số người ở Mỹ chỉ trích do tỏ ra tương đối im lặng trong việc bảo vệ Ukraine.

Các quan chức Mỹ đã nhiều lần đưa ra lời đe dọa này nhưng không nhận được cam kết chắc chắn từ phía Đức.

Ông Scholz giải thích: “Đó là một phần của quá trình mà chúng tôi không trình bày trước công chúng, bởi vì Nga hiểu rõ nhất là có thể sẽ còn nhiều điều hơn thế”.

Quá trình phê duyệt đường ống Nord Stream 2 đã bị Đức trì hoãn. Nếu được thông qua, nó sẽ vận chuyển 55 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga đến Đức mỗi năm.

Trong một thỏa thuận hồi tháng 7 giữa Mỹ và Đức, hai bên thống nhất rằng, cần tiếp tục vận chuyển khí đốt qua Ukraine đến năm 2024, vì lợi ích của Ukraine và Châu Âu. Thỏa thuận này cũng hứa hẹn Đức sẽ tìm kiếm các biện pháp trừng phạt nếu Nga sử dụng “năng lượng làm vũ khí”.

Ông Scholz cho biết, Moscow sẽ phải trả một "giá đắt" trong trường hợp quốc gia này khai hoả. Nhưng chính phủ Đức cũng đang phải đối mặt với những chỉ trích về việc từ chối cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, tăng cường sự hiện diện của quân đội Đức ở Đông Âu hoặc đưa ra các biện pháp trừng phạt cụ thể chống lại Nga nếu quốc gia này thực hiện hành vi xâm lược Ukraine.

Vào Chủ nhật, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã nêu ra khả năng Đức có thể gửi thêm quân đến Litva để củng cố sự hiện diện của mình ở sườn phía đông của NATO.

Ông Biden đã điều thêm quân đội Hoa Kỳ triển khai đến Ba Lan, Romania và Đức, và vài chục binh lính và thiết bị tinh nhuệ của Hoa Kỳ đã được nhìn thấy đổ bộ vào ngày Chủ nhật ở đông nam Ba Lan gần biên giới với Ukraine cùng với hàng trăm lính bộ binh của Sư đoàn Dù số 82 chuẩn bị đến.

Tổng thống Pháp tới thăm điện Kremlin với hy vọng xoa dịu căng thẳng biên giới Ukraine

Hôm thứ Hai (7/2), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Putin tại Moscow nhằm giúp giảm leo thang tình hình căng thẳng xung quanh Ukraine.

Để ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO, Nga đã điều khoảng 100.000 quân áp sát biên giới nước này. Căng thẳng leo thang đến mức xác suất xảy ra một cuộc chiến lên tới 70% (theo tuyên bố của Mỹ). Cố vấn an ninh của Nhà Trắng Jake Sullivan hôm qua (6/2/2022) đã cảnh báo rằng Nga có thể xâm lược Ukraine "bất cứ lúc nào", "chi phí về người và của sẽ rất lớn".

Trong khi căng thẳng biên giới Ukraine gia tăng, Tổng thống Pháp dự định sẽ có cuộc Hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin vào hôm nay (7/2) trước khi thăm Ukraine vào ngày mai (8/2/2022), theo nguồn tin của AP. Ông Macron cho biết ưu tiên của ông là “đối thoại với Nga và giảm leo thang”.

Macron nói: “Mục tiêu địa chính trị của Nga ngày nay rõ ràng không phải là Ukraine, mà là làm rõ các quy tắc chung sống với NATO và EU". “An ninh và chủ quyền của Ukraine hay bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác không thể là đối tượng để thỏa hiệp, trong khi Nga đặt ra câu hỏi về an ninh của chính mình cũng là điều hợp pháp”, theo AP.

Yếu tố năng lượng: tâm điểm trong căng thẳng Nga-Mỹ

Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD của Nga đang khiến Mỹ rơi vào tình thế khó khăn với một số đồng minh châu Âu, gây chia rẽ các nước châu Âu và nội bộ Mỹ.

Đường ống này trải dài khoảng 760 dặm qua Biển Baltic từ Nga đến Đức và sẽ tăng gấp đôi khả năng vận chuyển khí đốt tự nhiên ở Bắc Cực của Nga tới quốc gia châu Âu của Nord Stream.

Một biển báo hướng giao thông hướng tới lối vào của đường dây dẫn khí Nord Stream 2 ở Lubmin, đông bắc Đức, vào ngày 7/9/2020. (Ảnh Getty Images)

Nếu Nord Stream 2 đi vào hoạt động, Nga sẽ không còn phải trả phí trung chuyển khí đốt qua Ukraine, đồng thời cả Nga và châu Âu ít phải phụ thuộc vào đường ống chạy qua Ukraine.

Đức coi Nord Stream 2 là một dự án thương mại cần thiết cho ngành công nghiệp Đức và muốn nó đi vào hoạt động.

Nord Stream 2 càng trở nên nóng hơn khi Nga tăng cường quân dọc theo biên giới Ukraine. Nord Stream 2 ngày càng được coi là đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Nga về vấn đề Ukraine.

Ông Stefan Meister tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức nhận định rằng, ngay cả khi chưa hoạt động, tuyến đường ống đã làm chia rẽ sâu sắc mối quan hệ Mỹ - Châu Âu - Đức.

Cơ quan quản lý thị trường năng lượng của Đức vào hồi tháng 11 đã tạm thời đình chỉ quá trình cấp phép hoạt động cho Nord Stream 2, sau khi ra phán quyết rằng nhà điều hành của nó ở Đức không tuân thủ các điều kiện do luật pháp Đức đưa ra.

Nord Stream 2 cũng bị các quan chức Ukraine phản đối vì lo ngại Nga có thể sử dụng nó như một vũ khí chống lại họ.

Ông Price nói với NPR rằng, Nord Stream đóng vai trò là "đòn bẩy" cho cả Hoa Kỳ và Đức cũng như cộng đồng xuyên Đại Tây Dương.

Hoa Kỳ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO đã cung cấp cho Nga các đề xuất bằng văn bản vào hôm thứ Tư (26/1) nhằm giải quyết các mối quan ngại của Nga đồng thời tăng cường an ninh cho các quốc gia thành viên NATO.

Trong khi đó, bà Emily Haber, đại sứ của Đức tại Hoa Kỳ hôm thứ Tư cho biết trên Twitter rằng, "Hoa Kỳ và Đức đã cùng tuyên bố vào mùa hè năm ngoái: nếu Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí hoặc nếu có hành vi vi phạm chủ quyền Ukraine, Nga sẽ phải trả một cái giá rất đắt”.

 

Bà nói thêm rằng Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock “đã tuyên bố rõ ràng: lúc đó sẽ chẳng còn gì có thể đem ra bàn cãi, kể cả Nord Stream 2”.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Đức và Mỹ cam kết chấm dứt Nord Stream 2 nếu Nga tấn công Ukraine