Eo biển nóng lên khi quốc tế ủng hộ 'sự rõ ràng chiến lược' của Mỹ với Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, tình hình ở eo biển Đài Loan tiếp tục nóng lên khi Tổng thống Biden tuyên bố rằng nếu ĐCSTQ xâm lược Đài Loan bằng vũ lực, quân đội Mỹ sẽ bảo vệ hòn đảo. Động thái này đã thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Đài Loan.

Đài CNN gần đây tiết lộ, Phó giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho biết, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình muốn quân đội nước này sẵn sàng xâm lược Đài Loan bằng vũ lực vào năm 2027.

Tổng thống Biden lại tuyên bố quân đội Mỹ sẽ can thiệp vào cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh truyền thông Mỹ CBS trong chương trình “60 minutes” hôm 18/9, Tổng thống Biden đã tuyên bố rằng nếu ĐCSTQ xâm lược Đài Loan bằng vũ lực, quân đội Mỹ sẽ bảo vệ hòn đảo.

Đây là lần thứ tư ông Biden khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan và cũng là tuyên bố rõ ràng nhất. Lần nào Nhà Trắng cũng cố gắng rút lại các bình luận của ông Biden, và lần này cũng không ngoại lệ.

Ngay sau bình luận của ông Biden, chương trình "60 minutes" đã chạy một đoạn lồng tiếng nói rằng một quan chức Nhà Trắng đã nói sau cuộc phỏng vấn rằng “Chính sách của Mỹ với Trung Quốc không thay đổi", Mỹ cũng không khẳng định liệu các lực lượng quân sự của nước này có bảo vệ Đài Loan hay không.

Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan, bà Âu Giang An (Ou Jiangan) đã bày tỏ lòng biết ơn về điều này vào ngày 19/9.

Ông Yuan Yeh, chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu Quốc tế và Ngôn ngữ Hiện đại tại Đại học St. Thomas ở Texasas, nói với Đài Á Châu Tự do (RFA) rằng, ông Biden đã thay đổi cái gọi là "sự mơ hồ chiến lược" của Hoa Kỳ thành "sự rõ ràng chiến lược", cho thấy rằng Hoa Kỳ đã xác định rằng nếu nổ ra chiến tranh thì nhất định sẽ bảo vệ Đài Loan .

Ngay sau phát biểu trên của ông Biden, Bộ trưởng Không quân Hoa Kỳ Frank Kendall đã cảnh báo Bắc Kinh vào ngày 19/9 rằng, họ nên coi cuộc xâm lược của Nga như một bài học, và nên hiểu rõ rằng việc chiếm Đài Loan bằng vũ lực sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Hôm 20/9 sau bài phát biểu của ông Biden, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke Higgins và khinh hạm lớp Halifax Vancouver của Hải quân Hoàng gia Canada đã đi qua eo biển Đài Loan. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết, “Theo luật pháp quốc tế, quyền tự do hàng hải và hàng không trên biển cả được áp dụng cho các vùng biển này”.

Đây là lần thứ hai tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thăm Đài Loan.

Mỹ thông qua dự luật "Đạo luật Chính sách Đài Loan"

Dự luật của Đạo luật Chính sách Đài Loan năm 2022 (Taiwan Policy Act of 2022) được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua vào ngày 14/9, đã thu hút sự chú ý lớn từ mọi tầng lớp xã hội.

Đây được coi là sự điều chỉnh toàn diện nhất về chính sách của Mỹ đối với Đài Loan kể từ Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979.

Các biện pháp quan trọng của Đạo luật Chính sách Đài Loan bao gồm: Mỹ sẽ cung cấp gần 4,5 tỷ USD hỗ trợ an ninh trong vòng 4 năm tới và chỉ định Đài Loan là "Đồng minh chính ngoài NATO" (MNNA), hỗ trợ bán vũ khí cho Đài Loan, hỗ trợ Đài Loan về mặt quốc phòng và hợp tác an ninh.

Tuy nhiên, phiên bản "Đạo luật Chính sách Đài Loan" được thông qua lần này đã hạ thấp cuộc thảo luận về sự leo thang của quan hệ Mỹ-Đài Loan so với phiên bản gốc.

Ví dụ: tình trạng "đồng minh không thuộc NATO (MNNA)" của Đài Loan được thay đổi thành "được đối xử bình đẳng như một đồng minh của MNNA"; cơ quan "được ủy quyền" tại Hoa Kỳ được đổi tên thành "được khuyến nghị"; việc bổ nhiệm người đứng đầu AIT Đài Bắc không còn cần có sự chấp thuận của Thượng viện Mỹ, v.v.

Không có phiên bản tương ứng của dự luật tại Hạ viện. Để một dự luật được gửi tới Tổng thống và ký thành luật, trước tiên nó phải thông qua các ủy ban liên quan của Thượng viện và Hạ viện Mỹ, cùng một phiên bản của văn bản phải được cả lưỡng viện thông qua. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào thứ Tư (14/9) đã thảo luận về những sửa đổi có thể có từ các nhà lập pháp của lưỡng đảng.

Tuy nhiên, nội dung viện trợ quân sự trong dự luật dự kiến ​​sẽ được đưa vào Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA).

Quốc hội Mỹ hiện có hơn 80 điều luật về Đài Loan, và việc ủng hộ Đài Loan đã trở thành sự kiện nhận được sự đồng thuận của lưỡng đảng lớn nhất trong Quốc hội Hoa Kỳ.

Tướng không quân Mỹ: Răn đe hạt nhân có thể ngăn Trung Quốc gây hấn với Đài Loan

Vào ngày 15/9, Tướng Không quân Hoa Kỳ Anthony J. Cotton, người được đề cử làm người đứng đầu kho vũ khí răn đe hạt nhân quốc gia, cho biết tại phiên điều trần xác nhận của Thượng viện rằng khả năng răn đe hạt nhân của Hoa Kỳ có thể ngăn Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan.

Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân và Hoa Kỳ cần đẩy nhanh chương trình hiện đại hóa hạt nhân của mình, ông Cotton cho biết. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính rằng việc hiện đại hóa năng lực hạt nhân sẽ tiêu tốn 634 tỷ USD vào năm 2030, bao gồm tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) lớp Columbia mới, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên đất liền và máy bay ném bom chiến lược B-21 Raider…".

Ông Cotton cũng cho biết khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ đang phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát Đài Loan, sau cuộc xâm lược táo bạo của Nga ở Ukraine.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, gần đây đã tiến hành một trò chơi chiến tranh mô phỏng (war game) về xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về Đài Loan, và nhận thấy rằng Hoa Kỳ có thể ngăn cản Trung Quốc chiếm Đài Loan.

Trò chơi chiến tranh mô phỏng (war game) được thực hiện tại tầng 5 của một văn phòng không xa Nhà Trắng. Trong trò chơi này, quân đội Mỹ phải đối đầu với cuộc tấn công của Trung Quốc lên đảo Đài Loan vào năm 2027.

“Kết quả mô phỏng cho thấy trong đa số trường hợp, đảo Đài Loan có thể đẩy lùi một cuộc đổ bộ”, ông Mark Cancian, một cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết.

“Tuy nhiên, tổn thất tới cơ sở hạ tầng và nền kinh tế của đảo Đài Loan cũng như lực lượng hải quân của Mỹ tại Thái Bình Dương là vô cùng cao”, ông khẳng định.

Trong những phiên họp kéo dài đến tháng 9, các tướng lĩnh và sĩ quan Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu và cựu quan chức Lầu Năm Góc sẽ cùng tham gia với CSIS.

Nghị viện Châu Âu thông qua "Nghị quyết về Tình hình eo biển Đài Loan"

Dưới tác động của các cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ được khởi động từ chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Loan, Nghị viện Châu Âu cũng đã đưa ra các tuyên bố khác về chính sách Đài Loan.

Vào ngày 15/9, Nghị viện châu Âu đã áp đảo thông qua "Nghị quyết về Tình hình eo biển Đài Loan", yêu cầu EU giúp tăng cường "Lá chắn Silicon" để đảm bảo an ninh của eo biển Đài Loan. Đồng thời, Nghị viện châu Âu thúc giục EU tăng cường quan hệ chính trị của nước này với Đài Loan và khẳng định sẽ tiếp tục cử đại diện đến thăm hòn đảo.

Nghị viện cũng yêu cầu Ban Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EEAS) bắt đầu công tác chuẩn bị càng sớm càng tốt để đàm phán một thỏa thuận về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng đối ứng với Đài Loan nhằm tăng cường "Lá chắn Silicon" của hòn đảo.

Quốc hội Mỹ cũng nhất trí rằng dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài Global Gateway, vốn được ca ngợi là phiên bản của "Vành đai và Con đường" của EU, nên tìm kiếm đầu tư và hợp tác chung với chính sách "Hướng Nam mới" của Đài Loan.

Nghị viện châu Âu cũng kêu gọi các nước châu Âu chưa thành lập văn phòng thương mại tại Đài Loan cần noi gương Litva và tăng cường quan hệ kinh tế và ngoại giao trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Tiền sảnh của Văn phòng đại diện Đài Loan với hoa ở Vilnius, Lithuania, hôm 18/11/2021. (Ảnh: Petras Malukas/AFP/Getty Images)

Cái gọi là "Lá chắn Silicon" là tuyên bố của nhà báo người Úc Craig Addison trong cuốn sách cùng tên của ông rằng, Đài Loan đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế công nghệ thông tin toàn cầu. Và cuộc xâm lược quân sự của ĐCSTQ vào Đài Loan chắc chắn sẽ dẫn đến sự ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu, dẫn đầu bởi Hoa Kỳ để bảo vệ công nghệ thông tin và chuỗi cung ứng sản phẩm.

Đài Loan yêu cầu được gia nhập Liên Hợp Quốc

Khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 77 được tổ chức tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, chính phủ Đài Loan và mọi tầng lớp xã hội cũng tăng cường kêu gọi Đài Loan tham gia vào tổ chức này.

Vào ngày 13/9, đại diện của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại New York, Li Guangzhang, đã phát động một chiến dịch kêu gọi tại Quảng trường Thời đại, New York. Một số bảng video khổng lồ truyền tải thông điệp "Hòa bình, bạn và Đài Loan, Liên Hợp Quốc" với thế giới.

Tổ chức Hoa kiều Đài Loan tại Canada đã phát động chiến dịch "ủng hộ Đài Loan trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc" vào đầu tháng này, bao gồm quảng cáo trên các tờ báo chính thống kêu gọi Canada ủng hộ việc Đài Loan gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Eo biển nóng lên khi quốc tế ủng hộ 'sự rõ ràng chiến lược' của Mỹ với Đài Loan