EU đối đầu với ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc bằng Kế hoạch Hạ tầng riêng của Liên minh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhóm Bảy nền dân chủ giàu có nhất thế giới (G7) đã tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc bằng cách cung cấp cho các quốc gia đang phát triển một kế hoạch cơ sở hạ tầng có thể cạnh tranh với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ đô la của Chủ tịch Tập Cận Bình, theo ABC News đưa tin.

Các nhà lãnh đạo G7 đã tìm kiếm phản ứng nhất quán trước sự quyết đoán ngày càng tăng của ông Tập Cận Bình sau sự trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong 40 năm qua.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác hy vọng kế hoạch của họ, được gọi là sáng kiến ​​Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W). Mục tiêu của kế hoạch là cung cấp mối quan hệ đối tác minh bạch để giúp các quốc gia đang phát triển đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống đường xá, bệnh viện, trường học, lên đến 40 nghìn tỷ đô la vào năm 2035, Nhà Trắng cho biết.

Theo tin từ The Epoch Times, ngày 12/7, các Ngoại trưởng của Liên minh Châu Âu đã ký kết một kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu để nối liền Châu Âu với thế giới. Đây là một bước tiếp theo của các thỏa thuận với Ấn Độ và Nhật Bản và một cam kết tương tự của Nhóm G7.

Nghi ngờ về Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm liên kết châu Âu với châu Á thông qua cơ sở hạ tầng với nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh với thế giới, EU đã đưa ra một lộ trình chính thức cho kế hoạch “kết nối” đầy tham vọng, sẽ được bắt đầu từ năm 2022.

“Chúng tôi đều thấy Trung Quốc sử dụng các phương tiện kinh tế và tài chính để gia tăng ảnh hưởng chính trị ở mọi nơi trên thế giới. Để không phải ca thán một cách vô ích về điều này, chúng tôi phải đưa ra các giải pháp thay thế”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói với các phóng viên tại cuộc họp với các đối tác EU ở Brussels.

Ông nói: “Điều quan trọng là Liên minh Châu Âu… phải đóng vai trò điều phối chặt chẽ với Hoa Kỳ”.

EU đã ký kết quan hệ đối tác với Nhật Bản và Ấn Độ để điều phối các dự án giao thông, năng lượng và kỹ thuật số, kết nối châu Âu và châu Á. Cả Tokyo và Delhi đều lo lắng về sự hữu hảo của Trung Quốc mà các quan chức cho rằng, sẽ khiến các nước nghèo phải quy phục Bắc Kinh vì họ bị trói buộc vào những khoản nợ lớn.

Sau Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Vương Quốc Anh vào tháng Sáu, các nhà lãnh đạo G7 mong muốn minh bạch và cởi mở hơn trong quan hệ hợp tác về cơ sở hạ tầng thông qua các ngân hàng phát triển, bảo lãnh lỗ đầu tiên cho các công ty tư nhân và bằng cách cung cấp bí quyết của chính phủ phương Tây.

Các quan chức phương Tây cho biết Montenegro, một thành viên của liên minh quân sự NATO và là quốc gia có nguyện vọng gia nhập EU, hiện là con nợ lớn nhất của Trung Quốc.

Montenegro đã vay gần 1 tỷ USD từ Trung Quốc vào năm 2014 để tài trợ cho một đoạn đường dài 25 dặm. Khoản nợ này có nguy cơ khiến đất nước bị phá sản. Montenegro hiện đang tiến hành đàm phán với các ngân hàng phương Tây để hoán đổi hoặc tái cấp vốn cho khoản nợ, theo Reuters đưa tin gần đây.

Chiến lược của EU, được gọi là "Một châu Âu được kết nối toàn cầu", không đề cập đến Trung Quốc. Ngày 12/7, Ngoại trưởng kỳ cựu của Luxembourg Jean Asselborn đã cảnh báo về việc biến Trung Quốc trở thành đối thủ. Ông nhấn mạnh rằng, hàng năm, các nhà sản xuất ô tô Đức bán nhiều xe ở Trung Quốc hơn ở Đức.

Nhưng một nhà ngoại giao của EU tham gia vào việc soạn thảo chiến lược cho biết, tài liệu dài 8 trang đó có bao gồm Trung Quốc.

Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã khởi động các dự án xây dựng hạ tầng "Vành đai và Con đường" trên hơn 60 quốc gia, nhằm tìm kiếm mạng lưới liên kết đường bộ và đường biển với Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, Châu Âu và Châu Phi. Bắc Kinh phủ nhận mọi ý định mở rộng quyền lực và cho biết hành lang cơ sở hạ tầng tập trung vào nhu cầu của người dân bình thường.

Hơn 100 quốc gia đã ký thỏa thuận với Trung Quốc để hợp tác trong các dự án BRI như đường sắt, cảng, đường cao tốc và các cơ sở hạ tầng khác, ABC News cho hay.

Nguyên Hương



BÀI CHỌN LỌC

EU đối đầu với ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc bằng Kế hoạch Hạ tầng riêng của Liên minh