EU lần đầu tiên trừng phạt 4 quan chức và 1 thực thể Trung Quốc sau 32 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hai nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, Đại sứ của các nước EU đã đồng ý liệt 4 quan chức Trung Quốc và 1 thực thể của nước này vào danh sách đen hôm 17/3 vì vi phạm nhân quyền. Đây là lần đầu tiên EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh kể từ sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên Môn năm 1989.

Vào ngày 17/3, các đại sứ của 27 nước EU đã nhất trí áp dụng lệnh trừng phạt mới đối với các cá nhân vi phạm nhân quyền có liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trong đó bao gồm lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với 4 quan chức ĐCSTQ và một thực thể Trung Quốc. Dự kiến, Ngoại trưởng của các nước EU sẽ chính thức phê chuẩn vào ngày 22/3. Hiện tại, danh tính của những người bị trừng phạt chưa được tiết lộ.

“Sẽ áp dụng các biện pháp mang tính hạn chế đối với những hành vi vi phạm nhân quyền và chà đạp nhân quyền nghiêm trọng”. Một quan chức ngoại giao EU nói rằng, trong danh sách trừng phạt do các Đại sứ EU phê chuẩn, ngoài 4 quan chức ĐCSTQ, còn bao gồm quan chức của các nước Nga, Libya, Nam Sudan và Triều Tiên, tổng cộng 11 người.

Các nhà ngoại giao EU nói với Reuters rằng, các quan chức ĐCSTQ này bị cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với những người dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc. Họ nói rằng, động thái này phản ánh mối quan tâm sâu sắc của châu Âu, Mỹ, và Canada đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Các nhà hoạt động và chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng, có ít nhất 1 triệu người Hồi giáo đang bị giam giữ trong các trại tập trung hẻo lánh ở phía tây Tân Cương. ĐCSTQ đã sử dụng cực hình, cưỡng bức lao động và tiến hành triệt sản đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Để nhắm vào tội ác của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Hoa Kỳ đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và công ty có liên quan đến ĐCSTQ.

Ngay trước khi rời nhiệm sở vài ngày, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố các hành vi của Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Tân Cương là “Tội ác diệt chủng”.

Trước đó, vào ngày 10/12/2020, ông Pompeo còn công bố danh sách 17 quan chức chính phủ nước ngoài liên quan đến các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Trong đó, có một quan chức của ĐCSTQ đã vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tín ngưỡng của các học viên Pháp Luân Công. Quyết định này của Hoa Kỳ đã thể hiện thái độ khác biệt rất lớn của chính quyền Tổng thống Trump so với các chính phủ phương Tây khi họ thỏa hiệp vô nguyên tắc với chính quyền Trung Quốc.

Mặc dù ước tính có khoảng 100 triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã và đang bị bức hại trong 21 năm qua, nhưng các chính phủ phương Tây dường như vẫn chưa có sự quan tâm đầy đủ đến vấn đề này.

Trước đó, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ĐCSTQ vào tháng 6/1989, khi chính quyền này đàn áp dã man phong trào sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn. EU đã thực hiện lệnh cấm vận vũ khí đối với ĐCSTQ, và vẫn đang được thực hiện cho đến ngày nay.

Trong những năm gần đây, khi các vấn đề nhân quyền của ĐCSTQ ngày càng trở nên tồi tệ và bành trướng khắp nơi, đồng thời chính quyền này cũng bị cáo buộc che giấu dịch bệnh khiến đại dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan ra toàn cầu, EU đã bắt đầu thảo luận với Washington về những biện pháp để cùng đối đầu với những thách thức do ĐCSTQ gây ra.

Đáp lại lệnh trừng phạt mới của EU, ông Trương Minh, Đại sứ ĐCSTQ tại EU nói rằng, Bắc Kinh "muốn đối thoại chứ không phải là đối đầu".

Mai Hạ

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

EU lần đầu tiên trừng phạt 4 quan chức và 1 thực thể Trung Quốc sau 32 năm