EU trừng phạt Iran vì đàn áp biểu tình và có 'dính líu' đến Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liên minh châu Âu (EU) hôm thứ Hai (17/10) kêu gọi áp đặt lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với các cá nhân và thực thể Iran vì hành động trấn áp các cuộc biểu tình sau cái chết của cô gái 22 tuổi Mahsa Amini. Đồng thời, khối này cũng tính tới trừng phạt Iran vì chuyển giao máy bay không người lái cho Nga.

Iran đối mặt với các lệnh trừng phạt của EU vì đàn áp biểu tình

EU đang tiến tới áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, cáo buộc Tehran có hành động trấn áp các cuộc biểu tình liên quan cái chết của cô gái trẻ Mahsa Amini vì "trang phục không phù hợp".

Theo đó, ngày 17/10, EU áp đặt lệnh trừng phạt với 11 cá nhân và 4 thực thể Iran. Trong số những cá nhân nằm trong diện trừng phạt có ông Mohammad Rostami và Hajahmad Mirzaei - hai quan chức hàng đầu của lực lượng cảnh sát "đạo đức Hồi giáo", Bộ trưởng Công nghệ Thông tin và Truyền thông Iran Issa Zarepour cùng một số quan chức cảnh sát địa phương. Một số thực thể trong danh sách bao gồm lực lượng bán quân sự Basij của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và cơ quan an ninh mạng của IRGC.

Các biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản; cấm công dân và thực thể EU cung cấp tiền cho các cá nhân và thực thể nằm trong danh sách trừng phạt và cấm xuất khẩu các thiết bị công nghệ sang Iran, những thứ được cho là dùng để trấn áp người dân và giám sát viễn thông.

“EU và các quốc gia thành viên lên án việc sử dụng vũ lực phổ biến và không cân xứng đối với những người biểu tình ôn hòa. Đây là điều không chính đáng và không thể chấp nhận được. Người dân Iran, cũng như bất kỳ nơi nào khác, có quyền biểu tình một cách hòa bình và quyền này phải được đảm bảo trong mọi trường hợp”, một thông cáo của EU nêu rõ.

Các cuộc biểu tình đã nổ ra sau cái chết của cô gái Mahsa Amini 22 tuổi đến từ Iran. Cô đã bị bắt tại Tehran vì "trang phục không phù hợp". Vài giờ sau khi bị bắt, cô hôn mê và phải nhập viện. Cô qua đời vào ngày 16/9.

Các cuộc biểu tình tập trung ở các khu vực phía tây bắc đông người Kurd của Iran nhưng đã lan ra ít nhất 50 thành phố và thị trấn trên toàn quốc. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi xảy ra làn sóng biểu tình tăng giá xăng vào năm 2019.

Theo các nhóm nhân quyền, khoảng 200 người biểu tình đã bị thiệt mạng trong những tuần biểu tình kể từ khi cô Amini qua đời. Các quan chức Iran đã bác bỏ thông tin rằng lực lượng an ninh đã sát hại người biểu tình, và nói rằng họ có thể đã bị bắn bởi những người bất đồng chính kiến ​​có vũ trang.

Cái chết của cô gái trẻ Amini làm dấy lên sự tức giận của công chúng về quyền tự do ở nhà nước Hồi giáo Iran trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang quay cuồng với các lệnh trừng phạt. Phụ nữ đóng một vai trò nổi bật trong các cuộc biểu tình. Họ vẫy tay và đốt mạng che mặt, một số còn cắt tóc ở nơi công cộng.

Chính phủ Iran cũng hạn chế báo chí và quyền truy cập Internet tại nước này sau khi nổ ra các cuộc biểu tình. Điều đó gây không ít khó khăn cho giới truyền thông trong việc xác minh các nguồn tin.

“EU hy vọng Iran sẽ ngay lập tức dừng cuộc đàn áp bạo lực nhằm vào những người biểu tình ôn hòa, giải phóng những người bị giam giữ và đảm bảo luồng thông tin tự do, bao gồm cả truy cập Internet”, tuyên bố của EU cho biết.

“Hơn nữa, EU mong đợi Iran làm rõ số người thiệt mạng và bị bắt, đồng thời cung cấp quy trình xử lý hợp lý cho tất cả những người bị bắt giữ”.

Đáp lại, Ngoại trưởng Iran đã phản ứng vào hôm 17/10 trước các lệnh trừng phạt của EU áp lên Tehran, gọi chúng là "thừa thãi" và "một hành động viển vông và phi lý", theo hãng tin Reuters.

“EU hôm nay đã thông qua các biện pháp trừng phạt thừa thãi đối với người Iran. Đó là một hành động không mang tính xây dựng do tính toán sai lầm, dựa trên thông tin sai lệch. Bạo loạn và phá hoại không được dung thứ ở bất cứ đâu; Iran cũng không phải là ngoại lệ”, ông Hossein Amirabdollahian nói trên Twitter.

EU trừng phạt Iran vì 'dính líu' đến Nga

Các ngoại trưởng EU cũng kêu gọi Liên minh này tăng cường trừng phạt Iran do nghi ngờ Tehran chuyển giao máy bay không người lái cho Nga để hỗ trợ chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.

Ukraine cho biết, Nga đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất trong những tuần gần đây, cáo buộc rằng Tehran phải chịu trách nhiệm về việc này.

Iran phủ nhận việc cung cấp máy bay không người lái cho Nga kể từ khi Moscow xâm lược Ukraine. Điện Kremlin chưa đưa ra bình luận gì về cáo buộc này.

"Chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ việc sử dụng máy bay không người lái. Chúng tôi sẽ tìm kiếm bằng chứng cụ thể về vai trò của Iran trong cuộc xung đột Ukraine và sẵn sàng phản ứng bằng các lệnh trừng phạt", người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nói trong một cuộc họp báo sau cuộc họp giữa các bộ trưởng.

"Các máy bay không người lái của Iran dường như được sử dụng để tấn công ngay trung tâm Kyiv, đây là một hành động tàn bạo", Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod lên án trong cuộc họp của các ngoại trưởng EU ở Luxembourg.

Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu nói với tờ Reuters rằng các biện pháp trừng phạt "cần được áp dụng ngay lập tức".

Ông Reinsalu cho biết các báo cáo của Kyiv về nguồn gốc của các máy bay không người lái từ Iran cần được xem xét nghiêm túc, trong đó các biện pháp trừng phạt đóng vai trò như một biện pháp răn đe cho thấy "điều này sẽ mang lại hậu quả".

Pháp và Đức đều là các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Hai nước này nói rõ rằng, cần phải có các biện pháp trừng phạt mới về vụ máy bay không người lái Iran được Nga sử dụng, vì việc chuyển giao vũ khí như vậy là vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

EU trừng phạt Iran vì đàn áp biểu tình và có 'dính líu' đến Nga