FBI: Trung Quốc tự dấn thân vào một cuộc chiến tranh công nghệ với Hoa Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Chính quyền Trung Quốc tự lao mình vào một cuộc chiến tranh nhân tài quốc tế, và họ thấy thế giới ghen tị trước sự đổi mới và nghiên cứu của Mỹ. Thẳng thắn mà nói, đó chính là chính quyền Trung Quốc ghen tị”, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Hoa Kỳ nói vào ngày 17/9.

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Hoa Kỳ, ông Christopher Wray cho biết, Bắc Kinh đang tiến hành một "cuộc chiến nhân tài" để duy trì tham vọng công nghệ của riêng mình và tận dụng tiền đóng thuế của người Mỹ để thực hiện các mục tiêu của chính mình.

“Vì vậy, chính quyền Trung Quốc tự lao mình vào một cuộc chiến tranh nhân tài quốc tế, và họ thấy thế giới ghen tị trước sự đổi mới và nghiên cứu của Mỹ. Thẳng thắn mà nói, đó chính là chính quyền Trung Quốc ghen tị”, ông Christopher Wray nó tại một phiên điều trần do Ủy ban An ninh Nội địa tổ chức vào ngày 17/9.

Giám đốc FBI cũng nói thêm rằng: “Khi Trung Quốc không thể tự đổi mới và nghiên cứu, họ đã cử người đến đây, một số là hợp pháp, còn lại đều là bất hợp pháp. Những người đó tham gia vào hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, lấy thông tin, và kết quả nghiên cứu của Mỹ, rồi mang về Trung Quốc để thúc đẩy các mục tiêu an ninh quốc gia của chính quyền Trung Quốc”.

Do phần lớn nghiên cứu được tài trợ từ tiền đóng thuế của người dân Mỹ, vậy nên, chiến thuật của Bắc Kinh trong việc đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại của Hoa Kỳ "có tác động xấu khi người nộp thuế Mỹ tài trợ cho sự tiến bộ của Trung Quốc dựa trên chi phí của chúng ta".

Trong nhiều thập kỷ, Bắc Kinh đã duy trì các chương trình tuyển dụng nhân tài - ở cấp trung ương và địa phương - để thu hút các chuyên gia Hoa kiều và nước ngoài làm việc trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ của Trung Quốc. Mục tiêu cốt lõi của chính quyền này là biến Trung Quốc thành một cường quốc công nghiệp và đổi mới.

Một trong những chương trình của Trung Quốc hiện đang bị giám sát chặt chẽ là Chương trình Nghìn nhân tài. Chương trình này được Bắc Kinh triển khai từ năm 2008. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng tính đến tháng 11/2017, chương trình đã tuyển dụng hơn 7.000 nhà khoa học và nhà nghiên cứu. Hầu hết những người được tuyển dụng là từ các trường đại học, các viện nghiên cứu và các công ty quốc tế đặt tại Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước phát triển về công nghệ khác.

Trong những tháng gần đây, các công tố viên liên bang Hoa Kỳ đã buộc tội một số nhà nghiên cứu từng tham gia Chương trình Nghìn nhân tài nhưng không tiết lộ mối quan hệ này. Một số nhà nghiên cứu đã bị truy tố vì đánh cắp tài sản trí tuệ.

Tại phiên điều trần của Hạ viện, ông Wray nhắc lại tuyên bố trước đây của ông về việc FBI hiện đang có nhiều cuộc điều tra liên quan đến Trung Quốc.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng tôi đã công khai xác nhận FBI hiện có hơn 2.000 cuộc điều tra về hành vi gián điệp liên quan đến Trung Quốc. Cho đến nay, đó là phần lớn nhất trong danh mục điều tra gián điệp của chúng tôi và chúng tôi hiện cứ 10 tiếng lại mở một cuộc điều tra mới về hành vi gián điệp từ Trung Quốc”.

Ông Wray cũng cho biết, FBI nhận được sự hợp tác từ cả khu vực tư nhân và học thuật, và người dân Hoa Kỳ “đang bắt đầu cảnh giác với mối đe dọa từ [Trung Quốc]”.

Ông Wray nói: “Mức độ nhạy cảm và mức độ hợp tác của các trường đại học với chúng tôi thì khác nhau, nhưng tôi nghĩ đây là một trong những điểm sáng trong vài năm qua”.

Ông cũng nói thêm rằng: “Tôi rất ấn tượng với số lượng văn phòng [ở các trường đại học] khi 3 hoặc 4 năm trước đây, các trường đại học không muốn có đặc vụ FBI xuất hiện gần khuôn viên trường, nhưng hiện nay các trường lại sắp xếp không gian văn phòng dành riêng cho nhân viên của chúng tôi”.

Theo nội dung tuyên bố trong phiên điều trần của ông, có đoạn viết: "Không một quốc gia nào gây ra mối đe dọa với những tài sản đó sâu rộng và nghiêm trọng hơn là Trung Quốc".

“Chính người dân Hoa Kỳ là nạn nhân của những vụ đánh cắp của Trung Quốc, với quy mô lớn đến mức chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Nếu bạn là một người Mỹ trưởng thành, nhiều khả năng Trung Quốc đã đánh cắp dữ liệu cá nhân của bạn”, ông Wray cảnh báo.

Giám đốc FBI cũng đề cập đến vụ tấn công mạng Equifax vào năm 2017, trong đó, khoảng 145 triệu thông tin cá nhân của công dân Mỹ đã bị đánh cắp. Bốn "tin tặc được quân đội Trung Quốc hậu thuẫn" đã bị truy tố vì hành vi trộm cắp này vào tháng 2/2020.

Ông Wray nêu rõ rằng mối đe dọa từ Trung Quốc không phải là từ người dân Trung Quốc mà là từ chính quyền Bắc Kinh.

“Khi FBI đề cập đến mối đe dọa từ Trung Quốc, chúng tôi muốn nói đến Chính phủ Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc”, trích từ nội dung tuyên bố của ông Wray tại phiên điều trần.

Nguyễn Minh
Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

FBI: Trung Quốc tự dấn thân vào một cuộc chiến tranh công nghệ với Hoa Kỳ