Fiji sắp hoàn tất thỏa thuận quân sự với New Zealand, cân nhắc hủy thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Tư (7/6), nhà lãnh đạo Fiji cho biết, Fiji và New Zealand sắp hoàn tất một thỏa thuận quân sự vào tuần tới để thắt chặt quan hệ an ninh trong bối cảnh quốc đảo Thái Bình Dương này đang cân nhắc hủy thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc.

Thủ tướng Fiji Sitiveni Rabuka đã đưa ra nhận xét trên trong chuyến thăm New Zealand tuần này. Tại đây, ông đã hội đàm với Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins và các quan chức chính phủ khác.

Theo ông Rabuka, thỏa thuận quân sự mới sẽ cho phép các quan chức quốc phòng Fiji "thực hiện cam kết trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ xây dựng năng lực và nâng cao kỹ năng, cũng như tiếp xúc với khả năng tương tác công nghệ mới và hỗ trợ kỹ thuật cùng những lĩnh vực khác”.

Cạnh tranh địa chính trị ở Thái Bình Dương đang nóng lên sau khi Trung Quốc ký một thỏa thuận quân sự với Quần đảo Solomon vào năm ngoái. Hiệp ước này khiến các quốc đảo Thái Bình Dương lo ngại rằng nó có thể cho phép Trung Quốc bố trí binh lính và vũ khí trên đảo.

Ông Rabuka lập luận rằng có thể ngăn chặn hoạt động quân sự hóa thông qua việc theo đuổi "ngoại giao và các cuộc thảo luận chung với các nước láng giềng".

Ông cũng cảnh báo rằng Fiji sẽ chấm dứt thỏa thuận cảnh sát với Trung Quốc, một thỏa thuận mà người tiền nhiệm Frank Bainimarama đã ký kết vào năm 2011, với lý do có sự khác biệt trong các hệ thống và giá trị tương ứng của hai nước.

“Nếu các hệ thống và giá trị của chúng ta khác nhau, chúng ta có thể nhận được sự hợp tác nào từ phía họ?”, nhà lãnh đạo Fiji lập luận, đề cập đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ông nói thêm: “Chúng ta cần cân nhắc lại điều đó trước khi quyết định có nên quay lại với nó hay tiếp tục cách chúng ta đã làm trong quá khứ thông qua con đường hợp tác với các bên có các giá trị và hệ thống dân chủ tương tự”.

Trong khi đó, ông Hipkins nói rằng quốc gia của ông sẽ cung cấp thêm 6,75 triệu USD để hỗ trợ biến đổi khí hậu cho Fiji, đồng thời nói thêm rằng mối quan hệ song phương của họ được thiết lập trên cơ sở “tình bạn và sự tôn trọng lẫn nhau”.

Thỏa thuận trao đổi và đào tạo cảnh sát giữa Fiji và Trung Quốc cho phép các cảnh sát viên Fiji được đào tạo tại Trung Quốc và các sĩ quan Trung Quốc được triển khai đến Fiji trong chương trình 3 - 6 tháng.

Ông Rabuka trước đây từng nói rằng lực lượng an ninh Fiji sẽ làm việc với các cảnh sát viên từ Úc và New Zealand, những quốc gia mà ông tin rằng có các hệ thống tương tự với Fiji.

Fiji lo ngại về Trung Quốc

Trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC của Úc hồi đầu tháng 1, ông Rabuka nói rằng sự "tái hiện diện" của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương có khả năng "cải tổ bầu không khí hòa bình mà chúng ta đang có".

“Đó là điều chúng ta phải tránh, và có thể tránh được thông qua đối thoại cởi mở và có trách nhiệm”, ông nói với hãng tin này.

Bên cạnh đó, ông Rabuka cũng nhìn nhận rằng Úc và Hoa Kỳ có cách tiếp cận lỗi thời đối với quan hệ ngoại giao và cam kết với Fiji.

Khi so sánh hai đồng minh với đối thủ ở Thái Bình Dương là Trung Quốc, ông Rabuka nhận thấy rằng quốc gia châu Á này có một chiến lược khác biệt.

“Trung Quốc bước vào với một tờ giấy trắng. Họ chỉ coi chúng tôi chỉ là đối tác phát triển", ông nói.

Bình luận của ông Rabuka được đưa ra vài tuần sau khi Papua New Guinea ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ vào ngày 22/5 để củng cố quan hệ song phương. Ngoài ra, Washington đã ký các hiệp ước với Palau và Liên bang Micronesia.

Hôm 22/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Papua New Guinea Win Bakri Daki đã ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa hai nước tại thủ đô Port Moresby của quốc gia Thái Bình Dương.

Theo hãng tin AFP, thỏa thuận này cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận các sân bay và cảng của Papua New Guinea trong bối cảnh cạnh tranh sức ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực.

Thông tin về Thỏa thuận hợp tác quốc phòng Mỹ - Papua New Guinea được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon.

Theo các trang của bản dự thảo hiệp ước bị rò rỉ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ có quyền điều động cảnh sát, quân đội, vũ khí và thậm chí cả tàu hải quân để “bảo vệ sự an toàn của nhân viên Trung Quốc và các dự án lớn ở Quần đảo Solomon” - với sự đồng thuận của Quần đảo Solomon.

Nếu được thực hiện ở mức độ đầy đủ, thỏa thuận khung sẽ cho phép Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài Biển Đông và vào khu vực Nam Thái Bình Dương. Như vậy, động thái này có khả năng cắt đứt các tuyến đường hàng hải và đường hàng không nối Hoa Kỳ với các đồng minh Úc và New Zealand.

Quần đảo Solomon có một vị thế chiến lược ở Thái Bình Dương, cách Úc chưa đầy 1,200 dặm (hơn 1,900 km).

Cựu lãnh đạo hoạt động thông tin và tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, ông James Fannell, trước đây đã nói với The Epoch Times rằng, Thỏa thuận Quần đảo Trung Quốc - Solomon sẽ gây dựng một chỗ đứng vững chắc cho chính quyền Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Fiji sắp hoàn tất thỏa thuận quân sự với New Zealand, cân nhắc hủy thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc