Forbes: Công ty mẹ Tiktok bị cáo buộc theo dõi vị trí của công dân Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tạp chí Forbes hôm 21/10 đưa tin, ByteDance - công ty mẹ của TikTok, đã lên kế hoạch sử dụng ứng dụng này để "theo dõi vị trí cá nhân của một số công dân Mỹ". Đáp lại, TikTok nói rằng, ứng dụng của họ chưa bao giờ được sử dụng để "nhắm mục tiêu" vào bất kỳ thành viên nào của chính phủ Mỹ, nhà hoạt động, nhân vật của công chúng hoặc nhà báo.

Tờ Forbes hôm 20/10 đưa tin, Bộ phận Kiểm toán nội bộ và Kiểm soát rủi ro của ByteDance được cho là phụ trách việc giám sát này. Bộ phận này được dẫn dắt bởi giám đốc điều hành Song Ye có trụ sở tại Bắc Kinh. Người này được cho là báo cáo trực tiếp với Giám đốc điều hành của ByteDance.

Bên cạnh đó, bộ phận này được cho là chủ yếu tiến hành điều tra các hành vi sai trái tiềm ẩn của các nhân viên ByteDance hiện tại và trước đây. Nhưng trong ít nhất hai trường hợp, Bộ phận Kiểm toán nội bộ cũng đã lên kế hoạch thu thập dữ liệu TikTok về vị trí của một công dân Mỹ chưa bao giờ có mối quan hệ lao động với công ty, theo Forbes.

Người phát ngôn của TikTok, bà Maureen Shanahan cho biết, phần mềm này thu thập thông tin vị trí gần đúng dựa trên địa chỉ IP của người dùng "để giúp hiển thị nội dung và quảng cáo có liên quan cho người dùng, tuân thủ luật hiện hành, đồng thời phát hiện và ngăn chặn hành vi gian lận và lừa đảo".

TikTok và truyền thông Trung Quốc
Phân tích trên hồ sơ LinkedIn của Forbes đã cho thấy mối liên hệ đáng chú ý giữa TikTok và truyền thông nhà nước Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Nhưng các tài liệu được Forbes xem xét cho thấy, nhóm kiểm toán nội bộ của ByteDance có kế hoạch sử dụng thông tin vị trí để theo dõi từng công dân Mỹ. Cả TikTok và ByteDance đều không trả lời các câu hỏi về việc, liệu kiểm toán nội bộ có nhắm mục tiêu cụ thể đến bất kỳ thành viên chính phủ Mỹ, nhà hoạt động, nhân vật công cộng hay nhà báo nào hay không.

TikTok được cho là sắp ký hợp đồng với Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ (CFIUS). Cơ quan này đang điều tra xem liệu mối liên hệ của công ty với ByteDance có cho phép chính phủ Trung Quốc truy cập vào thông tin cá nhân của người dùng TikTok ở Mỹ hay không.

Vào tháng 9, Tổng thống Biden đã ký một sắc lệnh nêu rõ những rủi ro cụ thể mà CFIUS nên xem xét khi đánh giá các công ty nước ngoài. Sắc lệnh đưa ra những rủi ro nếu các đối thủ nước ngoài truy cập được vào dữ liệu của người dùng Mỹ. Trong đó, sắc lệnh đặc biệt tập trung nhấn mạnh việc các công ty nước ngoài sử dụng dữ liệu tiềm năng để "khảo sát, theo dõi và nhắm mục tiêu vào các cá nhân hoặc nhóm cá nhân có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia".

Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ cấm ứng dụng truyền thông xã hội TikTok hoạt động tại Hoa Kỳ.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã cho biết rằng ông sẽ cấm ứng dụng truyền thông xã hội TikTok hoạt động tại Mỹ (Ảnh: Getty Images)

Bộ phận Kiểm toán nội bộ và Kiểm soát rủi ro thường xuyên tiến hành kiểm tra và điều tra nhân viên của TikTok và ByteDance về các vi phạm như xung đột lợi ích, sử dụng sai các nguồn lực của công ty, cũng như tiết lộ thông tin bí mật. Các tài liệu nội bộ được tờ Forbes xem xét cho thấy, các giám đốc điều hành, bao gồm cả Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew, đã ra lệnh cho nhóm này điều tra từng nhân viên, ngay cả khi họ đã nghỉ việc ở công ty.

Theo các tài liệu và hồ sơ từ phần mềm quản lý văn phòng nội bộ của ByteDance có tên "Lark", nhóm kiểm toán nội bộ này đã sử dụng hệ thống yêu cầu dữ liệu mà nhân viên gọi là "kênh xanh". Các tài liệu và hồ sơ cho thấy, các yêu cầu "kênh xanh" cung cấp thông tin về nhân viên Mỹ đã thu thập dữ liệu đó từ Trung Quốc.

Người phát ngôn của ByteDance, bà Jennifer Banks cho biết: “Giống như hầu hết các công ty có quy mô tương đương, chúng tôi có chức năng kiểm toán nội bộ, chịu trách nhiệm kiểm toán và đánh giá khách quan công ty cũng như đánh giá việc nhân viên tuân thủ các quy tắc ứng xử của chúng tôi. Nhóm này cung cấp các khuyến nghị của mình cho ban lãnh đạo".

Công ty chủ quản của TikTok (Nguồn ảnh: Greg Baker / AFP / Getty Images)
Công ty chủ quản của TikTok (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

ByteDance không phải là gã khổng lồ công nghệ đầu tiên cân nhắc sử dụng một ứng dụng để giám sát những người dùng cụ thể ở Mỹ. Vào năm 2017, tờ New York Times đưa tin, Uber cũng xác định nhiều chính trị gia và cơ quan quản lý địa phương khác nhau và cung cấp cho họ một phiên bản ứng dụng Uber riêng. Vào thời điểm đó, Uber thừa nhận rằng họ đã chạy chương trình có tên là "Greyball". Theo đó, phần mềm này được dùng để từ chối dịch vụ đối với những khách hàng có thể vi phạm nội quy dịch vụ như hành hung tài xế, các đối thủ muốn phá dịch vụ của hãng và các đối thủ liên hệ với nhân viên công quyền bí mật thực hiện các cuộc gài bẫy tài xế Uber.

TikTok gần đây đã nói với các nhà lập pháp rằng, quyền truy cập vào dữ liệu người dùng nhất định ở Mỹ (có thể bao gồm vị trí) sẽ chỉ được "giới hạn đối với các nhân viên có thẩm quyền theo một thỏa thuận với chính phủ Mỹ". TikTok và ByteDance không trả lời câu hỏi về việc trưởng bộ phận kiểm toán nội bộ Song Ye hay các thành viên khác của bộ phận có phải là "nhân viên được ủy quyền" hay không.

Vào tháng 7/2022, Giám đốc điều hành TiKTok Shou Zi Chew thừa nhận rằng, nhân viên bên ngoài nước Mỹ, bao gồm cả nhân viên ở Trung Quốc, có thể truy cập vào dữ liệu người dùng TikTok Mỹ tùy thuộc vào một loạt các biện pháp kiểm soát an ninh mạng mạnh mẽ và các giao thức phê duyệt ủy quyền do nhóm bảo mật tại Mỹ giám sát.

Vào thời điểm đó, TikTok cho biết họ đang triển khai dự án Project Texas. Dự án này được thiết kế để “bảo vệ toàn bộ dữ liệu của người dùng và lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ”. Theo đó, mục tiêu của dự án này là bảo mật toàn bộ dữ liệu được lưu trữ trên máy chủ của Oracle và ngăn quyền truy cập bất kỳ đâu trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc.

TikTok rút ngắn sự tập trung của con người. (Ảnh: Unsplash)

Trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ hồi tháng 9, Giám đốc điều hành của TikTok, bà Vanessa Pappas cho biết, hợp đồng CFIUS sắp tới sẽ “đáp ứng tất cả các mối quan tâm về an ninh quốc gia” đối với ứng dụng. Tuy nhiên, một số thượng nghị sĩ tỏ ra hoài nghi về điều này.

Vào tháng 7, Ủy ban Tình báo Thượng viện đã tiến hành một cuộc điều tra xem liệu TikTok có che giấu thông tin về việc các nhân viên Trung Quốc của công ty này có truy cập vào dữ liệu của người dùng Mỹ hồi đầu năm nay hay không. Vào tháng 6, tờ BuzzFeed đưa tin, dữ liệu người dùng Mỹ đã bị ByteDance truy cập nhiều lần nhân viên ở Trung Quốc.

Người phát ngôn của Oracle, ông Ken Glueck nói rằng mặc dù TikTok sử dụng các dịch vụ đám mây của Oracle, nhưng "chúng tôi hoàn toàn không biết" ai có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng TikTok.

TikTok phủ nhận cáo buộc sử dụng định vị để theo dõi người dùng Mỹ

Đài CNBC hôm 21/10 đưa tin, TikTok đã phủ nhận các cáo buộc từ Forbes.

Trong một loạt tweet, nhóm truyền thông của TikTok cho biết, báo cáo này của tờ Forbes thiếu "cả tính chặt chẽ và tính chính trực báo chí".

Trong một bài đăng khác trên Twitter, Tiktok nói rằng, "Forbes đã chọn không đưa phần tuyên bố của chúng tôi mà bác bỏ tính khả thi của cáo buộc cốt lõi của họ: TikTok không thu thập thông tin vị trí GPS chính xác từ người dùng Mỹ, có nghĩa là TikTok không thể giám sát người dùng Mỹ theo cách bài báo đưa ra".

TikTok nói thêm rằng, ứng dụng của họ chưa bao giờ được sử dụng để "nhắm mục tiêu" vào bất kỳ thành viên nào của chính phủ Mỹ, nhà hoạt động, nhân vật của công chúng hoặc nhà báo.

Huyền Anh

Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Forbes: Công ty mẹ Tiktok bị cáo buộc theo dõi vị trí của công dân Mỹ