G7 đồng ý hỗ trợ Ukraine trên 18 tỷ USD, sẵn sàng cung cấp thêm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà lãnh đạo tài chính của Khối G7 ngày 19/5 đồng ý 18,4 tỷ USD giúp Ukraine thanh toán các hóa đơn trong những tháng tới. Đồng thời tuyên bố, sẵn sàng sát cánh với Kyiv trong suốt cuộc chiến với Nga và làm nhiều hơn nếu cần, theo một dự thảo thông cáo.

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Mỹ, Nhật, Canada, Anh, Đức, Pháp và Ý – tức là Khối G7 – họp trong lúc Ukraine, bị Nga xâm lược từ ngày 24/2, đang vật lộn để chống lại Nga và đang cạn tiền.

“Trong năm 2022, chúng tôi đã huy động được 18,4 tỷ USD hỗ trợ ngân sách, bao gồm 9,2 tỷ USDcam kết gần đây”, Reuters dẫn dự thảo thông cáo cho hay. Trong bản dự thảo, Khối G7 đã hoan nghênh đề nghị của Ủy ban Châu Âu hôm 18/5 về việc cho Ukraine vay 9 tỷ USD và lưu ý rằng Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu và Tập đoàn Tài chính Quốc tế đã lên kế hoạch hỗ trợ trị giá 3,4 tỷ USD. Nhưng không rõ liệu các khoản tiền này có phải là một phần của 18,4 tỷ USD hay riêng biệt.

Sáng ngày 19/5, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nói Đức sẽ viện trợ cho Ukraine 1 tỷ euro và Nhật Bản cam kết tăng gấp đôi viện trợ cho Ukraine lên 600 triệu USD để giúp nước này trang trải các nhu cầu trong ngắn hạn.

Ukraine ước tính cần khoảng 5 tỷ USD mỗi tháng để trả lương cho nhân viên công chức và duy trì hoạt động của guồng máy chính quyền bất chấp sự tàn phá hàng ngày do Nga gây ra.

Tái xây dựng dài hạn

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 18/5 đề nghị thành lập một quỹ viện trợ và cho vay dành cho Ukraine với quy mô chưa xác định, có thể do Liên minh Châu Âu (EU) cùng vay, để chi trả cho công cuộc tái thiết sau chiến tranh.

Khối G7 cho biết họ ủng hộ, nhưng không cho biết chi tiết.

Ước tính của các nhà kinh tế về chi phí tái thiết Ukraine rất khác nhau trong khoảng từ 500 tỷ euro đến 2 nghìn tỷ euro, tùy vào các giả định về độ lâu dài của cuộc xung đột và phạm vi tàn phá.

Với những khoản tiền lớn như vậy, EU không chỉ xem xét một dự án vay vốn chung mới, dựa trên quỹ phục hồi đại dịch, mà còn thu giữ các tài sản của Nga hiện đang bị đóng băng ở EU, làm nguồn tài chính.

Tuy nhiên, một số quốc gia như Đức nói rằng ý tưởng này, dù có lý về mặt chính trị, nhưng không có cơ sở pháp lý vững chắc. Thông cáo dự thảo của G7 không đề cập đến vấn đề này.

Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Janet Yellen phát biểu với báo giới sau ngày họp đầu tiên của G7 từ chối xác nhận con số 18,4 tỷ đô la được cam kết trong dự thảo thông cáo chung mà Reuters nhìn thấy.

Cuộc họp sẽ kết thúc vào ngày 20/5.

Bà Yellen nói rằng các cam kết tài trợ cho Ukraine trong cuộc họp đã vượt quá 15 tỷ đô la mà Kyiv ước tính sẽ cần trong 3 tháng tới để bù đắp cho khoản thu bị mất do chiến tranh tàn phá kinh tế.

Bà Yellen cho biết thông điệp của G7 là “Chúng tôi đứng sau Ukraine. Chúng tôi sẽ tập hợp các nguồn lực mà họ cần để vượt qua cuộc chiến này".

Vẫn theo lời bà, thảo luận về các cơ chế để giảm doanh thu của Nga từ xuất khẩu dầu sang châu Âu trong ngày họp 19/5 có phần hạn chế nhưng nhiều người quan tâm đến khái niệm này.

Các quan chức Mỹ gợi ý áp thuế quan lên dầu của Nga để hạn chế lợi tức mà Moscow có thể thu được trong khi vẫn giữ nguồn cung dầu thô của Nga trên thị trường giữa bối cảnh EU đang áp dụng lệnh cấm vận theo từng giai đoạn trước cuối năm nay.

Huyền Anh

Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

G7 đồng ý hỗ trợ Ukraine trên 18 tỷ USD, sẵn sàng cung cấp thêm