G7 họp thượng đỉnh tại Hiroshima, đối phó với Nga & Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà lãnh đạo của nhóm G7 sẽ gặp nhau vào tuần này tại Hiroshima, Nhật Bản, nhằm thể hiện sự đồng lòng và sức mạnh, đồng thời thúc đẩy “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” trước sự hung hăng leo thang của Nga và Trung Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra từ ngày 19/5/2023 đến ngày 21/5/2023. Đây là hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 49 của các nền dân chủ lớn nhất thế giới, gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Ý và Canada.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có nhiều cuộc đàm phán gay gắt về việc trần nợ với các nhà lãnh đạo quốc hội Hoa Kỳ, ông vẫn sẽ dành thời gian để tham dự hội nghị thượng đỉnh này. Nhà Trắng cho biết, chuyến công du của ông Biden đã được rút ngắn, để ông có thể trở lại Washington sớm hơn dự định và tiếp tục đàm phán. Sau hội nghị thượng đỉnh, ông Biden dự định tới thăm Australia và Papua New Guinea, tuy nhiên các chuyến thăm này đã bị hoãn.

Mặc dù các hội nghị thượng đỉnh G7 thường không tạo ra nhiều chú ý, hội nghị năm nay được coi là có ý nghĩa quan trọng trong việc “cảnh cáo" Nga và Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng muốn nhân cơ hội này kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân và hạn chế phổ biến hạt nhân, vì vậy ông đã chọn Hiroshima, một vùng đất mang tính biểu tượng, làm địa điểm tổ chức hội nghị G7.

Hội nghị lần này được kỳ vọng là giúp thế giới nhớ lại Hiroshima từng là nơi diễn ra thảm họa quân sự thảm khốc, qua đó gửi đến toàn thế giới, đặc biệt là Nga, một thông điệp “đanh thép” về sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân.

Nội dung của hội nghị

Theo ông Matthew Goodman, phó chủ tịch cấp cao về kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chiến sự Nga - Ukraine và cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của cuộc họp năm nay.

Trong cuộc họp báo của CSIS về hội nghị thượng đỉnh G7 này, ông Goodman cho biết: “Hiện nay, có hai vấn đề đang được chính phủ các nước quan tâm đặc biệt, một là vấn đề an ninh lương thực và an ninh năng lượng, và hai là vấn đề liên quan đến nợ của các nước đang phát triển”.

Hội nghị này cũng có thể là một phép thử lớn đối với mức độ ảnh hưởng toàn cầu của Nhật Bản.

“Nhật Bản đang đặc biệt chú trọng đến việc kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Có thể thấy thủ tướng Fumio Kishida đã chọn chính quê nhà của mình là Hiroshima làm địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Nhật Bản đang muốn gửi một thông điệp tới Nga, sau khi Nga có động thái ám chỉ rằng họ có thể sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine”, ông Goodman giải thích.

Theo CSIS, sau khi chứng kiến Nga xâm lược Ukraine, thái độ hung hăng ngày một gia tăng của Trung Quốc, và những nỗ lực của Nga và Trung Quốc nhằm phá hoại “trật tự dựa trên luật lệ” của thế giới, G7 đã tìm thấy một mục tiêu chung mới. Năm nay, Nhật Bản hy vọng các nền dân chủ hàng đầu sẽ đoàn kết hơn nữa để chống lại sự bành trướng của Nga và Trung Quốc, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng của họ ở Châu Mỹ Latinh, Châu Phi và Châu Á.

Trong một tuyên bố tóm tắt chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh G7, chính phủ Nhật Bản cho biết: “G7 sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và ủng hộ Ukraine”. Thêm vào đó, các nhà lãnh đạo “cũng sẽ tái khẳng định và tăng cường hợp tác để hiện thực hóa viễn cảnh ‘Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở’”.

Một trọng tâm khác của hội nghị thượng đỉnh năm nay chính là “Vươn tới Nam bán cầu”. Đây là một nỗ lực nhằm tăng cường sự tiếp cận của G7 tới các khu vực Châu Mỹ Latinh, Châu Phi, phần còn lại của Châu Á, và Thái Bình Dương; với mục đích chống lại sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga ở những khu vực này.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, một số lượng kỷ lục các nhà lãnh đạo đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Hiroshima năm nay, trong đó bao gồm các nhà lãnh đạo của Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Việt Nam, Comoros (đại diện cho Liên minh châu Phi) và Quần đảo Cook (đại diện cho đảo Thái Bình Dương).

Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Ý Mario Draghi, Chủ tịch Hội đồng Châu u Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban Châu u Ursula von der Leyen, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc họp Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức vào ngày 28/6/2022. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP/Getty Images)

Vấn đề khí hậu cũng là trọng điểm của cuộc họp lần này, song các nhà lãnh đạo G7 cũng đang đau đầu vì phải giải quyết nhu cầu năng lượng sau các quyết định trừng phạt Nga vì cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Tuyên bố của G7 có nói như sau: “Trong bối cảnh Nga gây hấn với Ukraine, việc đảm bảo an ninh năng lượng là tối quan trọng. Tuy nhiên, mục tiêu net-zero (trung tính carbon) dựa theo ‘Hiệp định Paris’ sẽ không thay đổi”.

Net Zero còn được gọi là Carbon neutrality (Trung tính carbon) là trạng thái không phát thải khí carbon dioxide, hoặc không thêm vào tổng lượng khí nhà kính thải ra khí quyển.

Vào năm 2022, khi Đức tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7, giải quyết khủng hoảng khí hậu là một ưu tiên rất lớn. Theo ông Goodman, trong năm nay, Nhật Bản đã dành ít ưu tiên hơn cho vấn đề này.

Sự tiến bộ đáng kinh ngạc và những rủi ro tiềm ẩn của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng sẽ dành được nhiều sự chú ý của các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay.

Ngoài ra, một số chủ đề quan trọng khác như phát triển chuỗi cung ứng bền vững, và lên án các chính sách phi thị trường và cưỡng chế kinh tế cũng sẽ được bàn luận trong hội nghị. Các dự án tài chính phát triển không minh bạch ở các nước nghèo, chẳng hạn như Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng làm các nhà lãnh đạo lo lắng.

Năm nay, G7 có hai vị lãnh đạo mới. Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên có sự tham dự của Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni; cả hai đều nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái.

Theo The Epoch Times

Ngọc Hạ biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

G7 họp thượng đỉnh tại Hiroshima, đối phó với Nga & Trung Quốc