G7 kêu gọi Trung Quốc ngừng 'các hành vi gây hấn' xung quanh Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các bộ trưởng G7 đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 03/8 để đáp lại quan điểm quân sự và ngoại giao của ĐCSTQ đối với Đài Loan, kêu gọi Bắc Kinh ngừng các hành vi gây hấn trong khu vực và "Không sử dụng chuyến thăm làm lý do cho hoạt động quân sự gây hấn ở eo biển Đài Loan".

"Chúng tôi lo ngại về các hành động đe dọa gần đây của Trung Quốc, đặc biệt là các cuộc tập trận bắn đạn thật và cưỡng bức kinh tế, có nguy cơ leo thang không cần thiết", tuyên bố viết. “Không sử dụng chuyến thăm làm lý do cho hoạt động quân sự gây hấn ở eo biển Đài Loan".

“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc không đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực trong khu vực và giải quyết những khác biệt xuyên eo biển bằng các biện pháp hòa bình”.

ĐCSTQ phản đối chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) bằng nhiều cách: cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng, phát động các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật xung quanh hòn đảo và điều máy bay chiến đấu vào Vùng Nhận dạng Phòng không của Đài Loan.

Trong vụ việc mới nhất, quân đội Đài Loan đã đáp trả cuộc tấn công của 22 máy bay chiến đấu Trung Quốc bay qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan vào ngày 03/8, ngăn cách hòn đảo và đất liền. Đài Loan tuyên bố rằng họ đã điều động máy bay và triển khai các hệ thống tên lửa để "giám sát" các hoạt động của Trung Quốc.

Bà Pelosi và Nhà Trắng khẳng định, chuyến đi phù hợp với các chính sách lâu đời điều chỉnh mối quan hệ Trung - Mỹ và không có cách nào báo hiệu sự rời bỏ vai trò truyền thống của Mỹ trong khu vực. G7 đồng ý với quan điểm của Hoa Kỳ và tuyên bố rằng chuyến thăm không nhằm mục đích thay đổi tiền lệ hoặc chính sách đã được kiến lập trước đó.

“Việc các nhà lập pháp từ các quốc gia của chúng tôi đi du lịch quốc tế là điều bình thường và thường xuyên", tuyên bố của G7 viết. “Phản ứng leo thang của Trung Quốc có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng và gây mất ổn định trong khu vực".

“Chúng tôi lặp lại cam kết chung và kiên định trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, đồng thời khuyến khích tất cả các bên giữ bình tĩnh, kiềm chế, hành động minh bạch và duy trì đường dây liên lạc cởi mở để ngăn chặn hiểu lầm".

G7 là một diễn đàn chính trị liên chính phủ bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Hoa Kỳ.

ĐCSTQ chống lại chính sách không thay đổi của Hoa Kỳ

ĐCSTQ duy trì cái gọi là nguyên tắc 'Một Trung Quốc', trong đó tuyên bố rằng Đài Loan là một tỉnh ly khai phải được thống nhất với đại lục và không loại trừ việc sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu này.

Tuy nhiên, Đài Loan đã tự quản từ năm 1949 và chưa bao giờ bị kiểm soát bởi ĐCSTQ. Hơn nữa, chính phủ dân chủ và nền kinh tế thị trường đang phát triển mạnh mẽ của hòn đảo đảm bảo rằng, Đài Loan sẽ duy trì mối quan hệ thương mại lành mạnh với nhiều cường quốc trên toàn cầu.

Mối quan hệ của Hoa Kỳ với Đài Loan được điều chỉnh bởi một loạt các hiệp ước và điện tín ngoại giao trong những năm qua. Đáng chú ý, Hoa Kỳ tuân thủ chính sách Một Trung Quốc, mang lại sự công nhận về mặt ngoại giao, nhưng không phải là sự chứng thực, đối với nguyên tắc Một Trung Quốc của ĐCSTQ. Chính sách này cũng quy định các mối quan hệ không chính thức rộng rãi với Đài Loan. Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp vũ khí cần thiết cho Đài Loan để tự vệ.

Trọng tâm của những căng thẳng đang diễn ra giữa ĐCSTQ và Hoa Kỳ nằm ở thỏa thuận lâu đời của hai bên cho rằng, không bên nào đơn phương thay đổi hiện trạng thông qua vũ lực hoặc cưỡng bức.

Các nhà chức trách ĐCSTQ khẳng định rằng, chuyến thăm của bà Pelosi là nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng đó, trong khi các quan chức Hoa Kỳ nói điều tương tự về sự gia tăng xâm lược kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã mô tả chuyến thăm của bà Pelosi là một cuộc tấn công ác ý vào chủ quyền của Trung Quốc, sẽ làm gián đoạn toàn bộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ông cho biết những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ nền dân chủ là một phần của mạng lưới “những việc làm tồi tệ” và đi xa hơn khi mô tả tổng thống được bầu một cách dân chủ của Đài Loan là một “người theo chủ nghĩa ly khai”, người đã “phản bội lẽ phải của sự nghiệp quốc gia vĩ đại”.

Về phần mình, Hoa Kỳ đã nhắc lại cam kết lâu dài của mình đối với các mối quan hệ không chính thức với Đài Loan như được điều chỉnh bởi tất cả các tiền lệ hiện có.

“Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ hoàn toàn phù hợp với chính sách Một Trung Quốc lâu đời của chúng tôi”, Điều phối viên Truyền thông Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết trong cuộc họp báo ngày 02/8. “Chúng tôi đã rất rõ ràng rằng không có gì thay đổi về chính sách Một Trung Quốc, được hướng dẫn theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan, ba Thông cáo chung Hoa Kỳ-Trung Quốc và Sáu đảm bảo.

“Chúng tôi phản đối bất kỳ thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng từ cả hai phía. Chúng tôi cũng không ủng hộ Đài Loan độc lập".

Sự hung hăng của ĐCSTQ trở nên thất thường

Trước phản ứng cứng rắn từ các quan chức Hoa Kỳ, ban lãnh đạo ĐCSTQ, bao gồm cả ông Vương, dường như ngày càng trở nên thất thường trong các lời đe dọa và hùng biện của họ.

Những lời bình luận của ông Vương rằng Hoa Kỳ đang đùa với lửa lặp lại lời đe dọa của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Hoa Kỳ sẽ bị "bỏng" vì mối quan hệ với Đài Loan. Trong một trường hợp khác, ông Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập của truyền thông của Thời báo Hoàn cầu (Global Times) do ĐCSTQ kiểm soát, đã đe dọa rằng nên bắn hạ máy bay chở bà Pelosi. Ngoài ra, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh nói rằng “Trung Quốc là nạn nhân” trong chuyến đi của bà Pelosi và bất kỳ hành động quân sự nào sau đó của ĐCSTQ đều là chính đáng.

Nhiều quan chức hiện tại và cựu quan chức của Hoa Kỳ đã bác bỏ luận điệu của ĐCSTQ là đáng khinh bỉ.

Tướng David Stilwell, cựu trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đã mô tả việc ĐCSTQ đưa ra là “những lời đe dọa vu vơ và rỗng tuếch, với mục đích khiến Hoa Kỳ tự động lùi bước".

Để đạt được mục tiêu đó, ông cho biết các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ là sức mạnh lớn nhất của Washington và các diễn đàn quốc tế cần phải đoàn kết để cử các phái đoàn mới đến Đài Loan.

“Vương quốc Anh đã công bố chuyến thăm cấp cao của nước này tới Đài Loan", ông Stilwell nói. “Chúng tôi cần Quad, AUKUS và phần còn lại làm theo".

Trong bối cảnh tương tự, một nhóm 26 thành viên Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã ký kết một tuyên bố chung khẳng định sự ủng hộ của họ đối với chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan và việc Hoa Kỳ duy trì hiện trạng lâu dài.

“Chúng tôi ủng hộ chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan", tuyên bố cho biết.

“Trong nhiều thập kỷ, các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ, bao gồm các Chủ tịch Hạ viện trước đây, đã đến Đài Loan. Chuyến đi này phù hợp với chính sách Một Trung Quốc của Hoa Kỳ mà chúng tôi đã cam kết. Chúng tôi cũng cam kết với tất cả các yếu tố của Đạo luật Quan hệ Đài Loan".

Về phần mình, chính quyền Đài Loan tuyên bố sẽ bảo vệ nền dân chủ của họ trước sự xâm lược của ĐCSTQ.

Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố trong một video được phát hành trên mạng xã hội: “Chúng tôi không mong đợi song cũng không né tránh một cuộc chiến”. “Chúng tôi có năng lực và ý chí để duy trì quyền tự do và dân chủ có giá trị của chúng tôi, đồng thời duy trì sự ổn định của khu vực".

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

G7 kêu gọi Trung Quốc ngừng 'các hành vi gây hấn' xung quanh Đài Loan