Gazprom cảnh báo ngừng cấp khí đốt nếu châu Âu áp giá trần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga hôm Chủ nhật (16/10) cảnh báo sẽ ngừng cung khí đốt nếu châu Âu áp giá trần đối với xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga.

“Quyết định đơn phương như vậy của các nước châu Âu tất nhiên là vi phạm các điều khoản thiết yếu của hợp đồng, dẫn đến việc chấm dứt nguồn cung cấp khí đốt”, Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, Alexei Miller, cho biết trên kênh truyền hình Nga hôm 16/10, tờ Reuters đưa tin.

Bình luận của ông Miller được đưa ra trong bối cảnh nhóm bảy cường quốc công nghiệp G7 và Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng áp đặt giá trần đối với dầu và khí đốt của Nga. Đây được coi là một phần của vòng trừng phạt thứ tám của EU đối với Điện Kremlin vì cuộc xâm lược Ukraine.

EU hy vọng rằng động thái này sẽ hạn chế nguồn thu nhập của Điện Kremlin và ngăn Nga tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời giữ cho thị trường năng lượng toàn cầu ổn định thông qua nguồn cung liên tục.

Nga đã kiếm được 158 tỷ euro (154 tỷ USD) doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch trong sáu tháng đầu tiên của cuộc chiến xâm lược Ukraine, từ ngày 24/2 đến ngày 24/8, theo một báo cáo (pdf) từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (Centre for Research on Energy and Clean Air-CREA). Theo báo cáo, EU là người mua lớn nhất, nhập khẩu 54% trong số này, trị giá khoảng 85 tỷ euro (82 tỷ USD).

Vòng trừng phạt mới nhất từ ​​EU đã được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố hồi đầu tháng 10, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin sáp nhập bốn vùng lãnh thổ Ukraine và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Các quan chức EU vẫn chưa đạt được thỏa thuận về áp giá trần

Theo các lệnh trừng phạt kể trên, việc áp giá trần đối với dầu thô của Nga sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12 và áp giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế sẽ bắt đầu vào ngày 5/2/2023.

Một khi việc áp giá trần được thực thi, quyết định này sẽ cho phép các nhà khai thác châu Âu thực hiện và hỗ trợ việc vận chuyển dầu của Nga đến các quốc gia khác, với điều kiện giá năng lượng đó vẫn dưới một “mức trần”, theo một tuyên bố từ Ủy ban châu Âu.

“Quyết định này cũng sẽ giúp giải quyết lạm phát và giữ cho chi phí năng lượng ổn định vào thời điểm mà chi phí tăng vọt, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng. Đây cũng là mối quan tâm lớn đối với tất cả người dân châu Âu", tuyên bố cho biết thêm.

Tuy nhiên, các quan chức EU vẫn chưa đạt được thỏa thuận về áp giá trần đối với dầu và khí đốt Nga. Một số quốc gia như Đức, thị trường khí đốt lớn nhất châu Âu, cũng đưa ra lo ngại về động thái mà họ cho rằng có thể gây ra sự cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Moscow.

Tháng trước, Tổng thống Nga Putin đã đe dọa cắt nguồn cung cấp năng lượng nếu châu Âu áp giá trần khí đốt Nga.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) ở thành phố Vladivostok, ông Putin khẳng định việc áp giá trần khí đốt Nga đang được Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc là ý tưởng tồi, có nguy cơ dẫn đến việc tăng giá năng lượng. Mặc dù Tổng thống Nga khẳng định Moscow sẽ không thực hiện "các quyết định chính trị mâu thuẫn với hợp đồng", nhưng ông cảnh báo động thái của EU rõ ràng vi phạm các hợp đồng đã ký, đồng thời nói Nga có thể đáp trả bằng cách ngừng cung cấp nhiên liệu.

“Chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì nếu nó mâu thuẫn với lợi ích của chúng tôi", ông Putin nói tại diễn đàn kinh tế ở Vladivostok vào tháng 9.

“Chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt, dầu mỏ, than đá, dầu sưởi ấm. Chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì”, ông nói thêm.

Kế hoạch áp giá trần đối với dầu xuất khẩu của Nga có thể tiết kiệm 160 tỷ USD hàng năm cho 50 thị trường mới nổi lớn nhất, theo ước tính của Bộ Tài chính Mỹ do tờ Financial Times đưa tin.

Tuy nhiên, việc cắt giảm nguồn cung của Nga - nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, đồng thời là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai sau Ả Rập Xê Út, sẽ làm chao đảo thị trường năng lượng toàn cầu, đẩy giá năng lượng lên cao hơn nữa.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Gazprom cảnh báo ngừng cấp khí đốt nếu châu Âu áp giá trần