Giẫm đạp chết người kinh hoàng tại sân bay Kabul bởi tờ thị thực ai cũng có thể sở hữu... kể cả Taliban

Giúp NTDVN sửa lỗi

​​Chỉ 24 giờ sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố "bất kỳ người Mỹ nào muốn trở về nhà, chúng tôi sẽ đưa quý vị về nhà", thì đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan lại ra thông báo cho công dân Mỹ không nên đến sân bay Kabul.

Cũng trong bài phát biểu hôm 20/8, ông Biden nói rằng 'không có dấu hiệu' cho thấy Taliban đang ngăn cản người Mỹ rời Afghanistan, nhưng phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ là John Kirby tuyên bố, đã có báo cáo về việc người Mỹ bị tấn công.

Những gì mà truyền thông thế giới đưa tin vài ngày qua cho thấy một sự hỗn loạn đẫm máu chưa từng thấy xung quanh sân bay Kabul.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó phải chăng có liên quan tới tờ thị thực có 1-0-2 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cấp?

Ngày tồi tệ kinh hoàng tại sân bay Kabul

Khi cuộc rút quân của Mỹ đang dần tới hạn chót 31/8, thế giới phải chứng kiến một thảm họa nhân đạo vượt quá sức tưởng tượng đang diễn ra tại Afghanistan.

Phóng viên trưởng Stuart Ramsay của hãng Sky News đưa tin rằng "đây là ngày tồi tệ nhất cho đến nay", và những gì đang diễn ra tại sân bay Kabul là “hoàn toàn kinh khủng”. Ngay cả lực lượng lính Mỹ dày dạn kinh nghiệm chiến đấu cũng thú nhận đó là điều tồi tệ nhất mà họ từng chứng kiến.

Kể từ khi Taliban tiến vào Kabul, hàng nghìn người Mỹ và Afghanistan đã đổ dồn tới sân bay Kabul mỗi ngày với hy vọng được phép lên các chuyến bay quân sự. Những người từng làm việc cho Mỹ, đồng minh của Mỹ, và các tổ chức phi chính phủ lo ngại có thể đối mặt với việc Taliban trả thù nếu họ không thể rời đi.

Taliban đã bắt đầu lùng sục khắp các ngõ ngách tại Kabul, gõ cửa từng nhà để truy lùng kẻ thù, và sân bay quốc tế là một trong những “cửa ngõ” mà phiến quân này đã lập nhiều chốt kiểm soát.

Phiến quân Taliban đã bắt đầu nã đạn vào đám đông tuyệt vọng đang cố vượt qua bức tường có hàng rào dây thép gai để vào được sân bay Kabul.

Sky News tường thuật: “Các binh sĩ Mỹ bắt đầu la hét để tìm kiếm nhân viên y tế và khiêng những người bất tỉnh ra phía sau. Các bác sĩ đã kiểm tra các dấu hiệu sự sống và sau đó phủ khăn trắng lên các thi thể”.

Đó là tình huống khủng khiếp mà bất cứ ai cũng sẽ khó có thể quên, bởi sự tàn bạo của Taliban ngay giữa thanh thiên bạch nhật, trước các ống kính truyền thông và sự hiện diện của lính Mỹ.

Taliban hiện đang nỗ lực ngăn cản người dân Afghanistan rời khỏi đất nước, bằng cách bắt họ phải trả giá cho việc bỏ trốn của mình. Trong sự hoảng loạn đó, đám đông đã giẫm đạp lên nhau, và báo cáo ghi nhận đã có người chết.

Trong khi ​​Lầu Năm Góc tuyên bố sân bay Kabul đang được kiểm soát, thì Bộ Ngoại giao Mỹ lại yêu cầu người Mỹ tránh tới sân bay Kabul do lo ngại mất an ninh gần khu vực cổng vào:

“Do các mối đe dọa an ninh tiềm tàng bên ngoài các cổng sân bay Kabul, chúng tôi khuyến cáo công dân Hoa Kỳ tránh đến sân bay và tránh các cổng ra vào tại thời điểm này, trừ khi nhận được hướng dẫn riêng từ đại diện chính phủ Mỹ…”.

Chính quyền Joe Biden hiện đang cho thấy sự bất nhất trong các tuyên bố. Những hình ảnh thực địa của phóng viên cho thấy phải chăng Lầu Năm Góc chưa nhận được các báo cáo về thương vong ở sân bay Kabul? Điều này phù hợp với những gì mà một người Mỹ bị mắc kẹt ở Afghanistan cho biết, đám đông đang giẫm đạp lên nhau để kiếm một suất lên máy bay.

Khủng bố Taliban cũng có thể dễ dàng nhập cư vào Mỹ

Phóng viên Phil Lipof của ABC News đã phỏng vấn David Fox, một công dân Mỹ đang mắc kẹt ở Kabul cùng với vợ và cậu con trai 21 tháng tuổi. Gia đình nhỏ này đã nhiều lần cố gắng vượt qua đám đông để vào sân bay nhưng đều bất thành.

Việc các chuyến bay thương mại bị hủy đã khiến nhiều người Afghanistan bám víu rằng, họ có thể được nhập cảnh vào Mỹ nếu họ tìm cách lên được chuyến bay di tản của quân đội Mỹ.

David Fox đã cho phóng viên của ABC News thấy một tờ thị thực mà Đại sứ quán Mỹ đã gửi cho anh, để kê khai Thị thực Nhập cư Đặc biệt (SIV) trong nỗ lực hỗ trợ người Mỹ và những người Afghanistan đủ điều kiện di tản.

David Fox đã cho phóng viên của ABC News thấy một tờ thị thực mà Đại sứ quán Mỹ đã gửi cho anh, để kê khai Thị thực Nhập cư Đặc biệt (SIV) trong nỗ lực hỗ trợ người Mỹ và những người Afghanistan đủ điều kiện di tản. (Ảnh chụp qua video)
David Fox đã cho phóng viên của ABC News thấy một tờ thị thực mà Đại sứ quán Mỹ đã gửi cho anh, để kê khai Thị thực Nhập cư Đặc biệt (SIV) trong nỗ lực hỗ trợ người Mỹ và những người Afghanistan đủ điều kiện di tản. (Ảnh chụp qua video)

Tờ kê khai này trông có vẻ rất giống với tờ khai VISA. Tuy nhiên, nó lại không hề có có tên hoặc số sê-ri nên có thể dễ dàng làm giả.

Điều nguy hiểm là trong tình huống ứng phó khẩn cấp, Đại sứ quán Mỹ đã không lường trước được rằng, hàng nghìn thị thực này có thể được làm giả, sao chép số lượng lên gấp hàng trăm lần. David Fox cũng cho biết, ngay cả các thành viên Taliban cũng có thể có tờ Thị thực này và dễ dàng trở thành công dân Mỹ.

Ngoài việc hoảng loạn vì Taliban nổ súng bắn giết, vụ giẫm đạp gây chết người tại sân bay Kabul có thể liên quan tới hàng nghìn tờ thị thực này, trong tình cảnh nhiều người Afghanistan đang tìm cách sở hữu nó.

Josep Borrell, người đứng đầu cơ quan chính sách đối ngoại của EU, nói với hãng tin AFP rằng, các phép tính toán cho thấy việc Mỹ sơ tán tất cả người Afghanistan có giấy phép ra đi trước ngày 31/8 là điều "không thể".

Mỹ di tản hỗn loạn, Anh và Pháp thắng thế

Theo Daily Mail, khi cuộc sơ tán tại Kabul ngày càng trở thành thảm họa, Tổng thống Joe Biden đang xem xét kích hoạt Hạm đội Không quân Dự bị Dân sự.

Lầu Năm Góc cho biết hôm 21/8, Mỹ mới chỉ sơ tán được 17.000 người, trong đó có 2.500 người Mỹ rời khỏi Afghanistan trong tuần qua, riêng ngày 20/8 có 3.800 người.

Điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ phải tiếp tục tăng cường thêm nhiều lính Mỹ vào sân bay Kabul, hơn số công dân mà nước này đã đưa ra khỏi Afghanistan kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào ngày 14/8.

Trong khi chính quyền Biden tự tin rằng Mỹ là quốc gia duy nhất có khả năng không vận di tản thành công, thì Anh và Pháp đã cho thấy họ nói ít làm nhiều và đưa công dân ra khỏi Afghanistan an toàn nhanh chóng.

France 24 đưa tin quân đội Pháp đã tiến hành các hoạt động an ninh ở Kabul kể từ ngày 15/8, chỉ một ngày sau khi Taliban chiếm được thủ đô Afghanistan. Việc Pháp di tản công dân nước này khỏi Kabul một cách nghiêm túc, khiến các hành động của chính quyền Biden càng đáng hổ thẹn hơn.

Tờ Daily Mail đưa tin, Anh đã cử 300 binh sĩ Lực lượng Đặc biệt (SAS) tới Kabul để giải cứu 6.000 công dân nước này và những người Afghanistan đủ điều kiện. Các binh sĩ SAS đã gia nhập cùng lực lượng 600 lính dù Anh đã có mặt tại Kabul.

Theo The Telegraph, quân đội Anh đã nỗ lực kiếm tìm được khoảng 200 công dân Anh ngay sau khi lực lượng này có mặt tại Kabul. Trong khi đó quan chức đối ngoại của EU là ông Josep Borrell đã "phàn nàn" rằng, lực lượng an ninh của Mỹ quá khắt khe và đang ngăn những người Afghanistan làm việc cho châu Âu vào sân bay.

Dù vậy hôm 20/8, Tổng thống Joe Biden vẫn tự tin tuyên bố vào kế hoạch di tản của ông: “Đây là một trong những cuộc không vận lớn nhất, khó khăn nhất trong lịch sử”, và quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng trình diễn sức mạnh vượt xa thế giới về mức độ chính xác này là Mỹ”.

Tuy nhiên, Joe Biden cũng mô tả các chiến dịch sơ tán của quân đội Mỹ là "nguy hiểm" và “đầy rủi ro”, và đồng thời nói rằng “không thể cam kết quá trình ấy sẽ không xảy ra thương vong”.

Ông Biden cũng tái nhắc nhiều lần rằng, quân đội Mỹ đã đàm phán với Taliban, và khẳng định nhóm phiến quân này đã đồng ý để những người mang hộ chiếu Mỹ đi qua các chốt kiểm soát của họ.

Một phóng viên đã hỏi Joe Biden liệu ông có đưa quân đội Mỹ vào Kabul để sơ tán những người Mỹ không thể đến sân bay an toàn hay không. Bất chấp những hình ảnh thực tế được đưa tin rộng rãi, Joe Biden cho biết:

"Chúng tôi không thấy có dấu hiệu nào cho thấy họ (công dân Mỹ) không thể đến sân bay Kabul". “Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận với Taliban, cho đến nay đã cho phép họ đi qua, vì vậy chúng tôi biết không có trường hợp nào mà các công dân Mỹ mang hộ chiếu Mỹ đang phải nỗ lực vượt qua (đám đông) vào sân bay”.

Tuy nhiên, nhiều phóng viên đã không đồng tình với thông tin này của Joe Biden khi diễn biến thực địa tại sân bay cho thấy điều ngược lại. Những gì ngăn cách các công dân Mỹ đang bị mắc kẹt bên ngoài sân bay Kabul là đám đông hỗn loạn và những tràng đạn chết người của quân Taliban.

Ngay cả chính phủ Đức cũng ra thông báo cho biết sân bay Kabul vẫn "cực kỳ nguy hiểm và không thể tiếp cận được", trong khi đó Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ thông báo tình hình an ninh đã "xấu đi đáng kể trong vài giờ qua" và hoãn một chuyến bay sơ tán từ Kabul.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, người đã ra quyết định đưa quân đội Anh vào Afghanistan cách đây 20 năm cũng cho biết quyết định rút khỏi Afghanistan của Joe Biden"vô nghĩa... bi thảm, nguy hiểm và không cần thiết".

Tối 21/8, tại cuộc vận động ở bang Alabama, cựu Tổng thống Donald Trump chỉ trích Joe Biden đã xử lý "vụng về" việc trong việc Mỹ rút khỏi Afghanistan, mô tả đây là "màn trình diễn đáng kinh ngạc nhất về sự kém cỏi của một nhà lãnh đạo quốc gia".

Trong khi ấy, hàng chục ngàn người Mỹ đang kẹt lại ở Afghanistan vẫn chờ đợi trong vô vọng.

The Guardian mô tả những lời cầu xin tuyệt vọng từ một công dân Mỹ tên là Sara như sau:

“Không có ai từ phía Mỹ đang giúp chúng tôi. Không ai nói cho chúng tôi biết cửa (sân bay) nào để tới, thậm chí chúng tôi không biết khi nào các chuyến bay của Mỹ sẽ rời đi. Bạo lực diễn ra ở khắp nơi, nhưng mọi cánh cổng chúng tôi đến đều bị đóng lại, và không ai cung cấp cho chúng tôi bất kỳ thông tin nào hoặc thể hiện bất kỳ sự thương xót nào”.

Trong khi chính quyền mới của Taliban còn chưa thành lập, mọi vấn đề pháp lý còn chưa được rõ ràng, thì thực trạng hỗn loạn bắt giết như hiện nay ở Afghanistan rõ ràng là một thảm họa nhân đạo kinh hoàng nhất mà thế giới đang phải chứng kiến.

Đông Bắc

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Giẫm đạp chết người kinh hoàng tại sân bay Kabul bởi tờ thị thực ai cũng có thể sở hữu... kể cả Taliban