Giám đốc FBI: cứ sau 10 giờ đồng hồ lại có một cuộc điều tra mới liên quan đến Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 7/7/2020, Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết, để đẩy lùi chiến dịch sâu rộng do Bắc Kinh tổ chức nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ và gây ảnh hưởng tới các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ, cứ sau 10 giờ đồng hồ, Cục Điều tra Liên bang (FBI) lại mở một cuộc điều tra phản gián mới liên quan đến Trung Quốc.

Ông Wray cảnh báo rằng các hoạt động gián điệp và đánh cắp bí mật kinh tế của Bắc Kinh là mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Việc Trung Quốc tổ chức đánh cắp bí mật công nghệ và thương mại của Hoa Kỳ đang ồ ạt đến mức có thể so sánh với vụ chuyển giao [cưỡng ép] tài sản lớn nhất trong lịch sử loài người”, ông Wray phát biểu tại Viện nghiên cứu chính sách Hudson tại Washington.

Ông Wray đưa ra nhận xét này khi chính quyền Tổng thống Trump đang tăng cường chiến dịch phản công bằng hành động và ngôn từ chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong một loạt các vấn đề, từ việc che giấu sự bùng phát dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, siết chặt tự do của Hong Kong, đến sự đe dọa đối với nền an ninh quốc gia Hoa Kỳ từ các công ty viễn thông của Trung Quốc.

Gần đây, ông Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng cảnh báo rằng, Hoa Kỳ sẽ đẩy lùi các hoạt động vô đạo đức của Bắc Kinh. Trong những tuần tới, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Tổng chưởng lý William Barr cũng sẽ tiếp tục có các bài phát biểu đề cập đến các vấn đề này.

Bài phát biểu của Giám đốc FBI là một trong những bài phát biểu chi tiết nhất của giới chức Hoa Kỳ về các mối đe dọa của (ĐCSTQ). Ông Wray đã nêu chi tiết về chiến dịch sâu rộng và đa dạng của ĐCSTQ nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ và gây ảnh hưởng trái phép đến giới chức Hoa Kỳ ở mọi cấp chính phủ.

Ông Wray nói: “Trung Quốc đang huy động toàn bộ nỗ lực của nhà nước và bất chấp mọi thủ đoạn để trở thành siêu cường duy nhất của thế giới”.

“ĐCSTQ triển khai chiến dịch đó một cách độc đoán để đạt được mục tiêu. Họ tính toán, kiên trì, bền bỉ và bất chấp sự ràng buộc chính đáng của xã hội dân chủ cởi mở, hay nên pháp trị”, ông cho biết thêm.

Chiến dịch trộm cắp và gây ảnh hưởng sâu rộng của ĐCSTQ

Giám đốc FBI cho biết, để thực hiện chiến dịch này, ĐCSTQ sử dụng hàng loạt kỹ thuật cần thiết, từ hack mạng, thôn tính các công ty nước ngoài và trộm cắp thông tin dữ liệu từ mạng lưới máy chủ. Họ đã lôi kéo sự tham gia đông đảo của mạng lưới tình báo, nhóm doanh nghiệp tư nhân, các nghiên cứu sinh và nhà nghiên cứu. ĐCSTQ nhắm mục tiêu vào các công ty thuộc nhiều lĩnh vực, từ hàng không đến nông nghiệp, từ các công ty Fortune 100 [top 100 công ty mạnh nhất của Hoa Kỳ] đến các công ty khởi nghiệp.

Ông Wray nhấn mạnh rằng trong thời kỳ khủng hoảng đại dịch, ĐCSTQ đã nhắm mục tiêu vào các công ty dược phẩm và viện nghiên cứu của Hoa Kỳ. Ông tiết lộ rằng FBI “thường xuyên” phát hiện được các cuộc xâm nhập mạng của Trung Quốc khi một công ty hoặc một cơ quan nghiên cứu nào đó của Hoa Kỳ thông báo về triển vọng tìm ra vaccine và thuốc chữa bệnh viêm phổi Vũ Hán. Sự xâm nhập này xuất hiện ngay sau đó, thậm chí chỉ sau 1 ngày.

Ông Wray cho biết, gần một nửa trong số 5.000 vụ án phản gián trên toàn đất nước Hoa Kỳ có liên đới với Trung Quốc; và trong thập kỷ qua, các vụ án gián điệp kinh tế liên quan đến ĐCSTQ tăng 1.300%.

Trong những tháng gần đây, chính quyền liên bang đã truy tố các học giả được cho là có liên kết với Kế hoạch tuyển dụng Nghìn nhân tài của nhà nước Trung Quốc. Kế hoạch này là chính sách mà theo ông Wray, nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ nhạy cảm của Hoa Kỳ sang Trung Quốc.

Tháng 6/2020, cựu chủ tịch khoa Hóa Đại học Harvard Charles Leiber bị truy tố về các cáo buộc gian dối trong báo cáo về khoản tài trợ ông nhận được từ Trung Quốc, cũng như về việc ông tham gia vào Kế hoạch Nghìn nhân tài trong thời gian đang tiến hành một nghiên cứu nhạy cảm của Hoa Kỳ.

Chỉ riêng trong tháng 5/2020, một cựu nghiên cứu viên gốc Hoa tại Phòng khám Cleveland bị buộc tội nói dối về khoản tài trợ từ Trung Quốc liên quan đến Kế hoạch Nghìn nhân tài, một giáo sư gốc Malaysia của Đại học Arkansas được nhận tài trợ từ NASA, bị buộc tội không tiết lộ về mối quan hệ với Trung Quốc. Tương tự, một cựu giáo sư gốc Hoa tại Đại học Emory bị kết án vì không báo cáo khoản tài trợ ít nhất 500.000 đô la mà ông nhận được từ Kế hoạch Nghìn nhân tài.

Ông Wray cho biết, ĐCSTQ cũng không ngừng nỗ lực đánh cắp dữ liệu cá nhân của người dân Hoa Kỳ. Ví dụ, vào tháng Hai, bốn sỹ quan quân đội Trung Quốc bị truy tố với cáo trạng xâm nhập vào hệ thống mạng của công ty Equachus chuyên báo cáo về tín dụng Hoa Kỳ. Vụ hack này là một trong những vụ án lớn nhất và đã làm lộ thông tin cá nhân nhạy cảm của 145 triệu người Mỹ, [hơn 40% dân số của Hoa Kỳ]. Giám đốc Wray nói rằng các cuộc tấn công mạng nhắm vào thông tin cá nhân như thế này sẽ giúp chính quyền Trung Quốc phát triển các công cụ trí tuệ nhân tạo và thúc đẩy hoạt động tình báo.

Tác động nguy hiểm của ĐCSTQ

Ông Wray cho biết ĐCSTQ cũng tổ chức một chiến dịch rất tinh vi để gây ảnh hưởng đến các quan chức Hoa Kỳ ở mọi cấp chính quyền, thuyết phục họ chấp nhận các quan điểm về chính sách đường lối của ĐCSTQ, như về vấn đề Đài Loan, Hong Kong, cũng như việc Bắc Kinh xử lý sự bùng phát của đại dịch.

Theo ông Wray, ĐCSTQ sử dụng các phương pháp như: sử dụng đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Trung Quốc để gây áp lực trực tiếp lên các nước sở tại, đe dọa kinh tế, gián tiếp và bí mật tống tiền và thuê trung gian để thuyết phục các mục tiêu.

Đầu năm 2020, một quan chức lãnh sự quán Trung Quốc đã cố gắng thuyết phục thượng nghị sĩ tiểu bang Wisconsin đưa ra nghị quyết hoan nghênh các nỗ lực của ĐCSTQ trong việc ngăn chặn đại dịch. Điều này khiến nhà lập pháp Hoa Kỳ tức giận và ông đã đưa ra nghị quyết lên án hành vi che giấu sự bùng phát của đại dịch, cũng như chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch của ĐCSTQ.

Giám đốc FBI cảnh báo rằng khi những nỗ lực gây ảnh hưởng trực tiếp không có tác dụng, ĐCSTQ sẽ cố gắng mua chuộc những nhân vật thân cận với giới chức, như các nhà tài trợ chính trị hoặc doanh nhân để gây áp lực lên nhà hoạch định chính sách đang trong tầm ngắm của họ.

Ông Wray cho biết, “Trung Quốc sẽ làm việc không ngừng nghỉ để xác định những nhân vật thân cận nhất với vị quan chức đó, xem ai là người được ông tin cậy nhất”.

Ông Wray nói: “Sau đó, những người trung gian bị mua chuộc có thể thì thầm vào tai vị chính khách để cố gắng thay đổi kế hoạch công tác và quan điểm của ông về đường lối chính sách của Trung Quốc. Dĩ nhiên, những người trung gian này không nói với vị quan chức Hoa Kỳ rằng họ là tay chân của ĐCSTQ. Tệ hơn nữa, một vài trong số những người này thậm chí không ý thức được họ đang bị sử dụng như những con bài, bởi vì họ cũng bị ĐCSTQ lừa dối”.

Nguyên Hương
Theo The Epoch Times

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Giám đốc FBI: cứ sau 10 giờ đồng hồ lại có một cuộc điều tra mới liên quan đến Trung Quốc