Giám đốc mới của Twitter làm tăng mối quan ngại về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Hoa Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một bản kiến ​​nghị gần đây đã được đệ trình tới Nhà Trắng, kêu gọi điều tra về việc Twitter giấu giếm những chỉ trích về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), sau khi công ty truyền thông xã hội Hoa Kỳ này vừa bổ nhiệm một giám đốc mới có “mối quan hệ thân cận với các lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ”.

Bản kiến ​​nghị có tiêu đề “Kêu gọi một cuộc điều tra kỹ lưỡng về việc vi phạm quyền tự do ngôn luận của Twitter”, đã được đệ trình vào ngày 20/5. Bản kiến nghị nêu rõ, “Twitter đã đàn áp các chỉ trích đối với ĐCSTQ và đình chỉ các tài khoản bất đồng chính kiến [với Trung Quốc] trong khi các tài khoản ủng hộ Bắc Kinh vẫn hoạt động tốt".

Cho đến nay, bản kiến ​​nghị trực tuyến này đã nhận được hơn 27.000 chữ ký ủng hộ.

Trang mạng xã hội nổi tiếng có trụ sở tại San Francisco đã thông báo vào ngày 11/5 về việc bổ nhiệm Tiến sĩ Li Fei-Fei vào Hội đồng quản trị của Công ty làm giám đốc độc lập mới. Tiến sĩ Li là cựu Phó chủ tịch và Giám đốc khoa học AI tại Google Cloud, bà đã lãnh đạo nền tảng tìm kiếm hàng đầu này khi Google nỗ lực xây dựng các hoạt động AI của mình tại Trung Quốc.

Các nhà phê bình bị khóa tài khoản, trong khi tuyên truyền của ĐCSTQ vẫn tiếp diễn

Theo đơn khởi kiện, “ngày 18/5/2020, không có gì đáng ngạc nhiên, rất nhiều người dùng Twitter chống ĐCSTQ thấy [tài khoản của] mình bị khóa, một số [bị khóa] vĩnh viễn”.

Một tuần sau khi tiến sĩ Li gia nhập ban giám đốc Twitter, một tài khoản Twitter Trung Quốc tên là Caijinglenyan đã bị gỡ xuống vì vi phạm quy tắc chống đăng nội dung giống hệt nhau trên các tài khoản trùng lặp. Người dùng tài khoản nhận thấy 4 tài khoản của mình đã bị xóa.

Người này tin rằng các tài khoản của anh ấy đã bị xóa vì anh đã vạch trần “nền tảng đỏ” (ý nói có mối liên hệ với ĐCSTQ) của tiến sĩ Li và cáo buộc vị giám đốc mới của Twitter là một thành viên của hiệp hội sinh viên có liên kết với Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ.

Người viết nói rằng anh chỉ đăng nội dung trên một trong các tài khoản và đăng lại bài đăng gốc trên các tài khoản khác của mình. Anh lập luận rằng Twitter không có chính sách ngăn người dùng có nhiều tài khoản.

Anh này cũng nói rằng một trong những người theo dõi Twitter của anh ấy đã tuyên bố rằng tài khoản của người theo dõi này đã bị hủy chỉ vì anh ấy đã tweet: “Li Fei-Fei đang đến, tôi phải chạy”.

Twitter đã bị cấm sử dụng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, lệnh cấm không ngăn cản tất cả các cấp quan chức và phương tiện truyền thông của ĐCSTQ có tài khoản Twitter bên ngoài Trung Quốc. Sử dụng trang mạng xã hội của Hoa Kỳ làm nền tảng, chính quyền Bắc Kinh đã và đang truyền bá hiệu quả những tuyên truyền của mình đến thế giới phương Tây.

Chẳng hạn, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã tweet ra nhiều tuyên bố tuyên truyền thông qua tài khoản của mình là @SpokespersonCHN.

Hoa Xuân Oánh - Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Vào ngày 5/5, bà Hoa đã tweet một bài báo được xuất bản bởi Tân Hoa Xã phủ nhận rằng Vũ Hán là nơi khởi phát của COVID-19. Tân Hoa Xã là cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ, đây cũng là tờ báo bị người dân Trung Quốc chỉ trích là không công bố gì ngoài những lời nói dối, ngoại trừ ngày phát hành [là đúng].

Tân Hoa Xã đã có tài khoản Twitter chính thức là @XHNews kể từ tháng 2/2012. Vào ngày 8/6, Tân Hoa Xã đã tweet lại bài báo của mình: “Các nhà quan sát ở nước ngoài nói rất nhiều về sách trắng của Trung Quốc trên #COVID19, nói rằng nó mang lại nguồn cảm hứng lớn cho cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch xhnew.ws/YcWnh”.

Bài báo trích dẫn những tuyên bố của giới truyền thông hoặc các quan chức từ Namibia, Ai Cập, Kazakhstan và Ecuador ca ngợi cách thức ĐCSTQ đối phó với đại dịch.

Một người phát ngôn khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là ông Triệu Lập Kiến, đã đăng 1 bài tweet vào đầu tháng 3 nói rằng “có thể là quân đội Hoa Kỳ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán”.

Các tài khoản twitter của bà Hoa, ông Triệu và báo Tân Hoa Xã hiện đang hoạt động bình thường.

Mối liên hệ của Li Fei-Fei với ĐCSTQ

Tiến sĩ Li, giám đốc mới được bổ nhiệm của Twitter, vốn được biết đến vì mối quan hệ sâu sắc của bà với ĐCSTQ. Bà Li đã lãnh đạo Google Cloud để thiết lập hoạt động hợp tác AI của Google với viện AI hàng đầu của Trung Quốc tại Đại học Thanh Hoa.

Theo báo cáo, hoạt động nghiên cứu AI của Đại học Thanh Hoa đã nhận được hơn 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 328,5 tỷ VNĐ) từ Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc, một cơ quan của ĐCSTQ có nhiệm vụ giám sát quân đội, để làm việc trong một dự án phát triển AI cho quân đội.

Tại sự kiện ra mắt Trung tâm AI của Google tại Trung Quốc vào tháng 12/2017, cổng thông tin truyền thông Trung Quốc Sina cho biết bà Li nói với khán giả rằng bà bắt đầu thúc đẩy ý tưởng thành lập một trung tâm AI ở Trung Quốc với các CEO của Google và Google Cloud ngay sau khi bà tham gia công ty vào tháng 1/2017.

Bà Li Fei Fei tham dự Hội nghị thượng đỉnh WIRED25: WIRED kỷ niệm 25 năm thành lập với các biểu tượng công nghệ của quá khứ và tương lai vào ngày 15/10/2018 tại San Francisco, California. (Ảnh của Phillip Faraone / Getty Images cho WIRED25).
Bà Li Fei Fei tham dự Hội nghị thượng đỉnh WIRED25: WIRED kỷ niệm 25 năm thành lập với các biểu tượng công nghệ của quá khứ và tương lai vào ngày 15/10/2018 tại San Francisco, California. (Ảnh của Phillip Faraone / Getty Images cho WIRED25).

Lời của bà Li cũng được trích dẫn trong một báo cáo hồi tháng 12/2017 bởi cổng thông tin Trung Quốc sohu.com: “Trung Quốc giống như một người khổng lồ đang ngủ. Khi ‘cô ấy’ thức dậy, ‘cô ấy’ sẽ làm rung chuyển cả thế giới”.

Bà còn nói thêm rằng Trung Quốc đã “thức tỉnh” trong thế giới AI.

Theo báo cáo của CNN, bà Li là một công dân Hoa Kỳ, vốn là người nhập cư từ Trung Quốc cùng cha mẹ vào năm 1992 khi bà 16 tuổi.

Tiến sĩ Li tốt nghiệp Đại học Princeton năm 1999 với bằng cử nhân vật lý, và hoàn thành bằng tiến sĩ tại Viện Công nghệ California năm 2005. Bà từng là giám đốc phòng thí nghiệm nghiên cứu AI của Stanford từ năm 2013 đến 2018.

Nhiều cơ quan truyền thông và các quan chức của ĐCSTQ đã dành nhiều lời khen ngợi cho tiến sĩ Li, ca tụng bà như là một tài năng xuất chúng trong lĩnh vực AI.

Bà là một trong những người chiến thắng Giải thưởng “Bạn mang sự quyến rũ đến thế giới” năm 2017-2018, một giải thưởng được tài trợ bởi một số hãng truyền thông Trung Quốc và trao cho các cá nhân Trung Quốc gây ảnh hưởng đến quan điểm của thế giới về đất nước này.

Vào tháng 12/2017, Trung tâm Ý tưởng Trung Quốc và toàn cầu hóa đã đưa tên của giám đốc Li vào danh sách 50 người Trung Quốc thành công nhất đã đi du học. Sự công nhận này đã được thông báo tại một hội nghị được triệu tập bởi một số cơ quan chính phủ.

Chính quyền Trung Quốc đã tìm cách sử dụng các chuyên gia Trung Quốc được đào tạo ở nước ngoài để mở rộng tầm ảnh hưởng ra nước ngoài.

Vào năm 2015, Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ, một cơ quan được giao nhiệm vụ điều hành các hoạt động để nâng tầm ảnh hưởng của ĐCSTQ ở nước ngoài, đặc biệt chỉ định một trọng tâm mới là làm việc với các cá nhân Trung Quốc đã được giáo dục ở nước ngoài, theo China Daily đưa tin.

Lịch sử từng làm việc với các tổ chức Trung Quốc do ĐCSTQ kiểm soát trong quá khứ của bà Li rõ ràng là lý do chính khiến bản kiến ​​nghị ra đời và được đệ trình lên Nhà Trắng.

Quan ngại về tầm ảnh hưởng của ĐCSTQ

Nhân sự cao cấp của Twitter Yoel Roth và dòng tweet chống Trump.
Nhân sự cao cấp của Twitter Yoel Roth và dòng tweet chống Tổng thống Trump.

Hai nhà lập pháp Hoa Kỳ là Thượng nghị sĩ Ben Sasse và Dân biểu Mike Gallagher đã gửi thư tới ông Jack Dorsey - CEO của Twitter vào ngày 20/3, kêu gọi công ty mạng xã hội này chặn quyền truy cập Twitter đối với bất kỳ quan chức nước ngoài nào cấm sử dụng Twitter ở nước họ, đặc biệt là các quan chức Trung Quốc.

Trong thư, các nhà lập pháp lập luận rằng, ĐCSTQ “chặn quyền truy cập công khai vào Twitter [tại Trung Quốc] nhưng vẫn sử dụng dịch vụ của các bạn để quảng bá tuyên truyền của mình... Bằng cách cấm Twitter ở Trung Quốc, ĐCSTQ đang giam hãm các công dân của mình trong bóng tối. Bằng cách đưa tuyên truyền lên Twitter, ĐCSTQ đang nói dối với phần còn lại của thế giới”.

“Trong khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán gây ảnh hưởng đến các gia đình, chính phủ và thị trường toàn cầu, ĐCSTQ đang tiến hành một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ để viết lại lịch sử của COVID-19 và minh oan cho lời nói dối của Đảng này với người dân Trung Quốc và toàn thế giới”, trích nội dung lá thư.

ĐCSTQ từ lâu đã tìm cách gây ảnh hưởng đến các phương tiện truyền thông toàn cầu, và để đàn áp mọi báo cáo quan trọng về chế độ độc tài này. Trong một báo cáo hồi tháng 3/2019, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RWB) tuyên bố rằng ĐCSTQ đã tiến hành một cuộc chiến chống lại các phương tiện truyền thông toàn cầu dưới vỏ bọc “chiến đấu chống lại các lực lượng ‘thù địch’ của phương Tây”. Tại Trung Quốc, các kênh truyền hình nhà nước đã phát sóng ít nhất 29 lời thú tội cưỡng chế liên quan đến các nhà báo hoặc blogger kể từ năm 2013.

Vào tháng 11/2018, Viện Hoover trực thuộc Đại học Stanford đã phát hành một bản báo cáo ghi lại mức độ hoạt động của Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Bản báo cáo dài 200 trang, có tiêu đề “Ảnh hưởng của Trung Quốc & Lợi ích của Hoa Kỳ”, tóm tắt lại sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Quốc hội Hoa Kỳ, chính quyền tiểu bang và địa phương ở Hoa Kỳ, các trường đại học Hoa Kỳ, các viện ý tưởng, công ty, công nghệ và nghiên cứu.

Bản kiến ​​nghị hiện tại của Nhà Trắng kêu gọi “một cuộc điều tra kỹ lưỡng về vi phạm quyền tự do ngôn luận của Twitter, và về sự hợp tác của Tiến sĩ Li Fei Fei với ĐCSTQ, như một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”.

The Epoch Times đã liên lạc với Twitter để lắng nghe ý kiến của họ về bản kiến ​​nghị đang được thực hiện, nhưng không nhận được phản hồi nào khi bài báo này được đăng.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Giám đốc mới của Twitter làm tăng mối quan ngại về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Hoa Kỳ