Giới chức Hoa Kỳ cảnh báo mối đe dọa của ĐCSTQ trong cuộc đua 5G

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cảnh báo về mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong cuộc đua mạng 5G mới, nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ đang thực hiện chiến lược rộng lớn hơn để cung cấp các lựa chọn đáng tin cậy, thay thế cho các công ty viễn thông Trung Quốc.

Trong cuộc thảo luận thông qua mạng ngày 9/7 với tiêu đề: “5G: The Future of ​Digital Connectivity and Commerce” (Mạng 5G: Tương lai của kết nối và thương mại kỹ thuật số), các cảnh báo được đưa ra khi Ủy ban truyền thông liên bang (FCC) của Hoa Kỳ chính thức xác định các công ty Trung Quốc Huawei và ZTE là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Một quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: “An ninh chắc chắn là vấn đề dễ bị bị xâm phạm nhất” khi đề cập đến công nghệ từ các công ty do Trung Quốc sở hữu.

Các chỉ định gần đây của FCC đã cấm các nhà cung cấp dịch vụ cho khách hàng ở vùng nông thôn Hoa Kỳ sử dụng quỹ chính phủ trị giá 8.5 tỷ đô-la Mỹ (khoảng 197.076,75 tỷ VNĐ) để mua thiết bị từ 2 công ty nêu trên. Huawei phủ nhận việc công ty này có liên quan đến các hoạt động gián điệp của Trung Quốc hoặc bị ĐCSTQ kiểm soát.

Quan chức này cũng cho biết, Hoa Kỳ đang tổ chức các cuộc thảo luận để cảnh báo về sự nguy hiểm của việc sử dụng công nghệ, “đặc biệt là ở các quốc gia mới bắt đầu hiểu bản chất rất nghiêm trọng của các mối đe dọa trên mạng”.

Khi hợp tác kinh doanh với các nhà cung cấp đáng tin cậy, cả các tổ chức chính phủ và tư nhân đều cần phải đảm bảo một độ chắc chắn nhất định về sự an toàn thông tin của họ, quan chức này cho biết.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến ​​sẽ bắt đầu loại bỏ công nghệ Huawei trong hệ thống mạng 5G của Anh ngay trong năm nay, theo một bài báo gần đây của The Daily Telegraph.

Vị quan chức nhấn mạnh rằng, chính phủ Hoa Kỳ cũng cần tìm ra những cách thức phù hợp để “khuyến khích và thúc đẩy sự đổi mới của Mỹ về công nghệ 5G, đồng thời bảo vệ chúng ta trước những bên sẽ sử dụng công nghệ này như một thế lực chống lại chúng ta”. Ông cũng nói thêm rằng chính quyền đã triển khai phương án tiếp cận toàn diện.

Trên mặt trận công nghệ này, Hoa Kỳ đang thực hiện tập trung vào một khu vực cụ thể. Quan chức này cho biết, trong năm 2019, chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra một quan hệ đối tác kết nối kỹ thuật số và an ninh mạng để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng không gian mạng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Quan chức này khẳng định: “Chúng tôi đã nói rõ rằng chính sách 'Một vành đai, Một con đường' của [Trung Quốc] không phải là phương án duy nhất cho các quốc gia ở đó” khi cho biết thêm rằng chính quyền Hoa Kỳ đã cung cấp “hơn 50 triệu đô-la Mỹ (khoảng 1.159,28 tỷ VNĐ) cho nỗ lực này”.

Thông qua sáng kiến ​​”Một vành đai, Một con đường” (BRI), ĐCSTQ đã bơm hàng tỷ đô-la Mỹ vào các nước có thu nhập thấp để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Kể từ năm 2013, sáng kiến này ​​đã đưa ra hơn 2.900 dự án trị giá tổng cộng 3,87 nghìn tỷ đô-la Mỹ (khoảng 89,73 triệu tỷ VNĐ). BRI được gọi là “bẫy nợ” vì các hoạt động cho vay tiền tệ của Bắc Kinh, khiến các quốc gia này dễ bị tác động trước các chiến dịch gây ảnh hưởng hung hăng của Trung Quốc.

Một quan chức khác của Bộ Ngoại giao cho biết, cuộc đua mạng 5G với Trung Quốc mang ý nghĩa rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Ông cho biết thêm rằng bất cứ ai dẫn đầu thế giới về công nghệ này sẽ có lợi thế vượt bậc về kinh tế và an ninh quốc gia so với các quốc gia khác.

Quan chức này cáo buộc ĐCSTQ sử dụng “các chiến lược kinh tế săn mồi”, đã cho phép Bắc Kinh chiếm 40% thị phần tại Hoa Kỳ trong những lĩnh vực công nghệ này. Vào năm 2017, chính phủ Hoa Kỳ lần đầu tiên bắt đầu “đối đầu với những rủi ro do Trung Quốc đặt ra là các hoạt động kinh tế bị bóp méo”, quan chức này cho biết.

Một quan chức thứ ba nhấn mạnh sự cần thiết phải tham gia vào khu vực tư nhân. Ông nhấn mạnh rằng sự tham gia này là điều cần thiết để Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu về đổi mới sáng tạo. Theo Bộ Ngoại giao, cuộc thảo luận qua mạng được Hội đồng Tư vấn Công nghệ và Công nghiệp Hoa Kỳ tổ chức.

Vài ngày trước đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã được hỏi liệu Hoa Kỳ có nên cấm ứng dụng TikTok do Trung Quốc sở hữu, vì lo ngại ĐCSTQ có thể truy cập dữ liệu của công dân Hoa Kỳ.

Trao đổi cùng Fox News ngày 6/7, Ngoại trưởng Pompeo nói: “Chắc chắn chúng tôi đang xem xét nó. Chúng tôi đã làm việc về vấn đề này trong một thời gian dài, về việc liệu áp dụng công nghệ Huawei trong cơ sở hạ tầng của bạn có gây ra vấn đề gì không”.

Ông cho biết: “Chúng tôi đã đi khắp nơi trên thế giới và chúng tôi đã đạt được những tiến bộ thực sự. Chúng tôi tuyên bố ZTE là mối nguy hiểm đối với an ninh quốc gia Mỹ. Chúng tôi đã làm tất cả những điều này”.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Giới chức Hoa Kỳ cảnh báo mối đe dọa của ĐCSTQ trong cuộc đua 5G