Goldman Sachs: ⅔ công việc ở Mỹ có thể được tự động hóa bằng trí tuệ nhân tạo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà kinh tế của ngân hàng đa quốc gia Goldman Sachs cảnh báo rằng ⅔ công việc trên khắp nước Mỹ có thể được tự động hóa một phần bằng trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong một báo cáo được công bố vào ngày 05/04, nhà kinh tế Joseph Briggs và nhà kinh tế Devesh Kodnani của Goldman Sachs cho biết làn sóng AI mới, chẳng hạn như ChatGPT, có thể có “tác động lớn” đến thị trường việc làm toàn cầu, tạo ra nhiều thay đổi trong các quy trình làm việc, khiến “300 triệu công việc toàn thời gian” có thể được tự động hóa.

Trong báo cáo, hai nhà kinh tế đã phân tích cơ sở dữ liệu về các loại tác vụ trong hơn 900 nghề nghiệp khác nhau. Họ ước tính rằng khoảng ⅔ công việc trên khắp Hoa Kỳ có thể được tự động hóa ở một mức độ nào đó bằng AI.

Ngoài ra, họ dự đoán rằng khoảng ¼ đến ½ khối lượng công việc trong các ngành nghề có thể được thay thế bằng AI.

Các nhà kinh tế viết: “Dù còn nhiều vấn đề chưa chắc chắn về tiềm năng của AI tạo sinh (generative AI), nhưng năng lực viết nội dung mà không thể phân biệt được với sản phẩm do con người làm ra, cùng với khả năng phá vỡ các rào cản giao tiếp giữa con người và máy móc, đã cho thấy một bước tiến lớn với những tác động đáng kể lên kinh tế vĩ mô”.

Mặc dù thừa nhận rằng các hệ thống AI tiên tiến có thể làm con người mất việc làm, ông Briggs và ông Kodnani cho rằng không phải tất cả công việc được tự động hóa đều chắc chắn dẫn đến hoạt động sa thải.

Các nhà kinh tế viết: “Dù tác động của AI lên thị trường lao động có thể ở mức độ lớn, nhưng hầu hết các công việc và ngành công nghiệp chỉ có thể được tự động hóa một phần và do đó AI nhiều khả năng đóng vai trò bổ khuyết hơn là thay thế”.

“Ngoài ra, các công việc từng bị thay thế bởi tự động hóa trước đây đã được bù đắp bằng các công việc mới ra đời; và sự xuất hiện của các công việc mới sau những đổi mới công nghệ đã đóng góp phần lớn vào mức độ tăng trưởng việc làm trong dài hạn”.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs chỉ ra những lợi ích của các hệ thống AI tiên tiến trong kinh doanh và xã hội, chẳng hạn như nâng cao năng suất, cải thiện năng lực sản xuất của các công ty, cũng như chẩn đoán tốt hơn cho bệnh nhân.

Họ ước tính rằng điều này có thể khiến GDP toàn cầu tăng gần 7 nghìn tỷ USD.

Các nhà kinh tế kết luận: “Dù còn nhiều điều chưa biết về cách mà AI tạo sinh sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và xã hội thế giới và sẽ cần thời gian để hiểu về điều đó, nhưng có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy những tác động này là rất sâu sắc”.

Trước cuộc chạy đua AI đang diễn ra ngày càng khốc liệt, nhiều chuyên gia trong ngành đã lên tiếng kêu gọi thế giới tăng cường thận trọng.

Ông Elon Musk - giám đốc điều hành của Twitter và Tesla - vào cuối tháng 3 vừa qua đã ký tên vào một lá thư ngỏ do tổ chức phi lợi nhuận Future of Life Institute đưa ra. Lá thư cảnh báo rằng các phòng thí nghiệm AI đang bị cuốn vào “cuộc chạy đua ngoài tầm kiểm soát”; việc họ phát triển “những bộ óc kỹ thuật số mạnh mẽ hơn bao giờ hết” - những thứ mà con người không thể hiểu đầy đủ và không thể kiểm soát hoàn toàn - sẽ gây ra hậu quả thảm khốc.

Lá thư nhận được hơn 1.000 chữ ký trong vài ngày đầu tiên; hiện tại, con số này đã tăng lên hơn 27.000. Trong những người ký tên có ông Steve Wozniak - đồng sáng lập Apple, ông Emad Mostaque - người sáng lập và giám đốc điều hành của Stability AI, các kỹ sư của Meta và Google, cùng nhiều chuyên gia khác. Họ kêu gọi tất cả các phòng thí nghiệm AI “ngay lập tức tạm dừng” việc đào tạo các hệ thống mạnh hơn Chat GPT-4 trong ít nhất 6 tháng.

Xuân Hoa tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Goldman Sachs: ⅔ công việc ở Mỹ có thể được tự động hóa bằng trí tuệ nhân tạo