Hạ viện Mỹ thông qua luật cấm hàng hoá từ Tân Cương, lên án tội ác chống lại loài người ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lo ngại tình trạng lao động cưỡng bức, vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Tân Cương, Trung Quốc, Hạ viện Mỹ hôm qua đã bỏ phiếu thông qua luật cấm tất cả hàng hoá từ Tân Cương vào nước Mỹ. Hạ Viện Mỹ cũng đồng thời đạt được đồng thuận cao nhất trong việc lên án tội ác chống lại loài người của ĐCSTQ với các nhóm dân tộc thiểu số, nhóm có đức tin; đề nghị Liên Hợp Quốc điều tra nghiêm túc về vấn đề này.

Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, đã được Hạ Viện, dẫn đầu bởi đảng Dân chủ, thông qua với tỷ lệ phiếu áp đảo 428-1. Đạo luật này đang được trình lên Thượng viện trước khi được Tổng thống Joe Biden ký thành luật.

Hạ nghị sĩ Thomas Massie (R-Ky.) là nhà lập pháp duy nhất đã bỏ phiếu chống lại biện pháp này.

Biện pháp này sẽ tạo ra một "giả định có thể bác bỏ" rằng tất cả hàng hóa từ Tân Cương, nơi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền, đều được sản xuất bởi lao động cưỡng bức. Thực tế, ĐCSTQ đã thiết lập một mạng lưới rộng lớn các trại giam giữ và cải tạo dành cho người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở nơi này.

"Một giả định có thể bác bỏ" là một thuật ngữ trong ngành luật; được hiểu là một giả định được đưa ra bởi một tòa án được coi là đúng trừ khi ai đó đưa ra tranh luận và chứng minh khác. Ví dụ, một bị cáo trong một vụ án hình sự được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội - Theo Wikipedia

Nếu dự luật này được thông qua, hàng hoá từ Trung Quốc nếu muốn vào Mỹ họ phải chứng minh bằng "bằng chứng rõ ràng và thuyết phục" rằng hàng hoá của họ không có nguồn gốc từ khu vực Tân Cương hoặc từ Tân Cương nhưng không được sản xuất bởi lao động cưỡng bức.

Dự luật cũng yêu cầu tổng thống áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức nước ngoài mà ông xác định là đã “cố ý” tham gia hoặc tạo điều kiện cho ĐCSTQ sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Điều này có nghĩa, hàng loạt các quan chức của ĐCSTQ sẽ nằm trong danh sách đen của Mỹ.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (D-Calif.) phát biểu trong cuộc họp báo hàng tuần của bà tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Washington vào ngày 8 tháng 12 năm 2021. (Anna Moneymaker / Getty Images)

Dự luật đồng thời yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ, trong 90 ngày kể từ ngày ban hành luật, xác định xem liệu lao động cưỡng bức và các hành vi vi phạm nhân quyền khác đối với người Duy Ngô Nhĩ và dân tộc thiểu số ở Tân Cương “có thể được coi là có hệ thống và phổ biến hay không; do đó cấu thành tội ác chống lại loài người hoặc cấu thành tội diệt chủng.”

Ông Jim McGovern (D-Mass.), nhà tài trợ của dự luật, cho biết tại Hạ viện, “Đây không phải là vấn đề đảng phái. Đó là một vấn đề nhân quyền. Đó là một vấn đề đạo đức”.

Một phiên bản tương tự của dự luật trước đó đã được Thượng viện thông qua trong một cuộc bỏ phiếu đồng thuận cao vào tháng Bảy. Các nhà lập pháp sẽ cần đến hội nghị để chỉ ra một số khác biệt chính giữa hai dự luật này và đạo luật đã ký.

Trước cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Hạ viện bà Nancy Pelosi (D-Calif.) nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo; "Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang tiến hành một chiến dịch đàn áp tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác bằng việc giam giữ hàng loạt, tra tấn và cưỡng bức lao động . ”

“Hôm nay, Quốc hội gửi một thông điệp rõ ràng: chế độ diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ của chính phủ Trung Quốc phải chấm dứt ngay bây giờ. Nếu Hoa Kỳ không lên tiếng bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc chỉ vì lợi ích thương mại, chúng tôi sẽ mất mọi thẩm quyền đạo đức để lên tiếng bảo vệ nhân quyền ở bất kỳ nơi nào trên thế giới”, bà lên tiếng trong một tuyên bố riêng.

Các đảng viên Cộng hòa đã cáo buộc chính quyền Biden và các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội chậm ban hành đạo luật. Lý do là đạo luật như vậy sẽ cản trở chương trình nghị sự về năng lượng tái tạo của tổng thống. Tân Cương cung cấp nhiều nguyên liệu cho các tấm pin mặt trời trên thế giới. Nhà Trắng và các nghị sĩ Dân chủ phủ nhận việc trì hoãn các dự luật.

Các tấm pin mặt trời lớn được nhìn thấy trong một nhà máy điện mặt trời ở Hami, khu tự trị Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc vào ngày 8 tháng 5 năm 2013. (STR / AFP qua Getty Images)

Hạ viện vào cuối ngày thứ Tư cũng đã thông qua hai chính sách khác liên quan đến ĐCSTQ.

Theo đó, Hạ viện thông qua một nghị quyết lên án "tội ác diệt chủng đang diễn ra và chống lại loài người" chống lại người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Trung Quốc. Hạ viện Mỹ cũng đồng thời yêu cầu Liên hợp quốc điều tra về vấn đề này. Nghị quyết được đệ trình bởi Hạ nghị sĩ Michael McCaul (R-Texas) và được thông qua với số phiếu 427-1.

Hạ viện cũng bỏ phiếu với sự đồng thuận tuyệt đối 428-0 cho một nghị quyết nói rằng Ủy ban Olympic Quốc tế “không tuân thủ các cam kết nhân quyền của chính mình”. Hạ viện chứng minh qua việc Uỷ ban này xử lý các cáo buộc tấn công tình dục của vận động viên quần vợt Peng Shuai chống lại nguyên Phó thủ tướng Trung Quốc, bằng cách hợp tác với chính phủ Trung Quốc.

Các động thái này diễn ra sau khi chính quyền Biden tuyên bố tẩy chay ngoại giao Hoa Kỳ đối với Thế vận hội Olympic mùa đông 2022 ở Bắc Kinh. Lý do tẩy chay là Bắc Kinh đã đàn áp nhân quyền tại Tân Cương. Theo tuyên bố, Hoa Kỳ sẽ không cử một phái đoàn ngoại giao chính thức đến sự kiện này; tuy nhiên, các vận động viên Mỹ vẫn sẽ được phép thi đấu.

Mỹ đã song hành cùng Lithuania tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, tiếp theo là Úc, Vương quốc Anh và Canada.

Chế độ Trung Quốc đã bị cáo buộc phạm tội diệt chủng và vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở vùng Tân Cương. Bắc Kinh đã bác bỏ những cáo buộc như vậy, bao gồm cả cáo buộc lao động cưỡng bức trong khu vực.

Các cựu tù nhân người Duy Ngô Nhĩ trước đây đã nói với The Epoch Times rằng họ phải chịu sự tra tấn, buộc phải từ bỏ đức tin của mình. Họ bị buộc phải tuyên thệ trung thành với ĐCSTQ trong khi bị giam giữ không rõ lý do trong những trại lao động thường xuyên quá tải.

Người Duy Ngô Nhĩ - đa số là người Hồi giáo dòng Sunni - cùng với các dân tộc thiểu số khác như người Tây Tạng - đa số theo đạo Phật - cũng như các tín đồ của các tôn giáo khác, như người theo đạo Thiên chúa và Pháp Luân Công là những đối tượng bị đàn áp dã man tại Trung Quốc; họ thậm chí bị mổ cướp tạng dưới sự chỉ đạo của quân đội và chính quyền. Việc này giúp ĐCSTQ thu bộn tiền từ ngành công nghiệp ghép tạng rùng rợn nhất thế giới. Đồng thời cũng tạo ra tội ác chống lại loài người vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại.

Thanh Đoàn

(Theo The Epoch Times)



BÀI CHỌN LỌC

Hạ viện Mỹ thông qua luật cấm hàng hoá từ Tân Cương, lên án tội ác chống lại loài người ở Trung Quốc