Hacker của ĐCS Trung Quốc tìm cách truy cập vào các nghiên cứu vaccine của Hoa Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thứ tư (13/5), Cục Điều tra Liên bang và Bộ An ninh Nội địa của Hoa Kỳ đã cảnh báo về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tìm mọi cách đánh cắp các kết quả nghiên cứu của Hoa Kỳ liên quan đến việc phát triển vaccine và phương pháp điều trị virus Corona Vũ Hán.

Một số quan chức Hoa Kỳ tin rằng, chính quyền Trump có thể xem hành động này như một cuộc công kích nhắm trực tiếp vào sức khoẻ cộng đồng của người dân Hoa Kỳ, hay như một động thái nhằm khơi mào chiến tranh.

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết, các hacker của ĐCSTQ và Iran đang nhắm vào cơ sở dữ liệu của các trường đại học lớn, các hãng dược và các tổ chức y tế khác của Hoa Kỳ. Thực tế cho thấy họ có thể đang cản trở các nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm vaccine chống lại chủng virus Corona Vũ Hán.

Các quan chức chính phủ nói rằng, ít nhất là từ ngày 3/1, hai quốc gia này đã tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào một loạt các công ty lớn và các tổ chức của Hoa Kỳ đang nỗ lực tìm kiếm vaccine để điều trị virus Corona Vũ Hán.

Các cuộc tấn công như vậy có thể cản trở việc nghiên cứu vaccine vốn đang rất cấp thiết hiện nay. Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ cho rằng thông qua sự việc trên, Hoa Kỳ cần phải nâng cấp hệ thống bảo mật mạng để các cuộc tấn công tương tự không thể tái diễn.

Dấu vết của hacker Iran đã bị phát hiện khi đang cố gắng xâm nhập vào máy tính chủ của Gilead Science, nhà sản xuất thuốc Reme Sivir (một loại thuốc kháng virus). Mười ngày trước đó, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã phê duyệt thử nghiệm lâm sàng đối với loại thuốc này. Reuters cho biết, đây là cuộc tấn công đầu tiên; tuy nhiên, các quan chức chính phủ Hoa Kỳ và Gilead đều từ chối tiết lộ thông tin về việc liệu cuộc tấn công mạng này có thành công hay không.

Ông Justin Fier - từng là nhà phân tích tình báo an ninh quốc gia và Giám đốc Tình báo An ninh Mạng nói rằng: “Đây là một đại dịch mang tính toàn cầu, nhưng rất tiếc, các nước lại không xử lý điều này như là một vấn đề toàn cầu, mà tất cả các quốc gia lại đang tiến hành thu thập thông tin tình báo chuyên sâu trên diện rộng đối với các nghiên cứu mẫu thuốc, [tìm kiếm] đơn đặt hàng thiết bị bảo vệ cá nhân, [chờ đợi] phản hồi, và [cạnh tranh] xem [quốc gia nào] là người dẫn đầu”. Hiện ông Justin Fier đang làm việc tại Darktrace, một công ty có trụ sở tại Mỹ.

Ông Fier nói rằng, hiện tại, phạm vi mục tiêu của các cuộc tấn công mạng này là những nhân vật ưu tú trong ngành y dược và công nghệ sinh học.

Các quan chức Israel cũng cáo buộc rằng Iran đang cố gắng phá hủy nguồn cung cấp nước của Israel trong khi người dân nước này bị cấm ra khỏi nhà từ hồi cuối tháng 4/2020. Tuy nhiên, hành động này đã sớm được phát hiện và không gây thiệt hại đáng kể nào cho Israel.

Chính quyền Trump cáo buộc Trung Quốc là nơi khởi nguồn gây ra các bệnh dịch, và hiện tại ĐCSTQ đang sử dụng các hậu quả của dịch bệnh này để thu lợi.

Trong một cảnh báo được chính thức đưa ra vào ngày 13/5, FBI nói rằng ĐCSTQ đang "sử dụng những thủ đoạn bất hợp pháp để chiếm quyền sở hữu trí tuệ đối với các dữ liệu y tế công cộng có giá trị cao, liên quan đến [vấn đề về] vaccine, điều trị và xét nghiệm" của virus Corona Vũ Hán. Các quan chức bày tỏ mối lo ngại về các hành vi trộm cắp [dữ liệu] trên mạng, và xem đó như là "hành vi phi truyền thống".

Cụm từ “hành vi phi truyền thống" là cách “nói giảm nói tránh” dùng cho các nhà nghiên cứu và sinh viên Trung Quốc liên quan đến hành vi đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ. Chính quyền Trump tin rằng những người này đã được ĐCSTQ huy động và lợi dụng để đánh cắp dữ liệu từ các phòng nghiên cứu thí nghiệm và phòng thí nghiệm tư nhân ở Hoa Kỳ.

Các quan chức đương thời và tiền nhiệm của Hoa Kỳ nói rằng, các cáo buộc cụ thể đối với nhóm hacker trực thuộc ĐCSTQ là một phần của chiến lược răn đe toàn diện. Bộ Tư lệnh Không Quân và Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cũng được mời tham gia. Cách đây 2 năm, Tổng thống Trump đã cấp quyền hợp pháp cho các cơ quan này, cho phép họ có thể xâm nhập vào mạng lưới Internet của Trung Quốc và các quốc gia khác, và tiến hành các cuộc phản công tương thích. Một hoạt động tương tự cũng đã diễn ra cách đây 18 tháng, khi các cơ quan này đã xâm nhập vào các tổ chức tình báo của Nga, trong bối cảnh phía Nga đang nỗ lực truy cập vào thông tin cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ hồi năm 2016. Các cơ quan này đã cài phần mềm đe doạ vào mạng lưới điện của Nga như một lời cảnh báo đối với các cuộc tấn công của Moscow nhắm vào các lợi ích của Hoa Kỳ.

Vào thứ Sáu tuần trước (08/5), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhắc tới một hoạt động triển khai mạng bot do ĐCSTQ khởi xướng trên Twitter. Mục đích của ĐCSTQ là để thúc đẩy những tuyên truyền sai lệch về virus Corona Vũ Hán ra toàn thế giới.

Trong một hội nghị, Lea Gabrielle - đặc phái viên đồng thời là điều phối viên của Trung tâm Tham gia Toàn cầu trực thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, từ khi ĐCSTQ và Bộ Ngoại giao nước này có thêm lượng người theo dõi (từ khi tạo những tài khoản chính thức trên Twitter) kể từ tháng 3 năm nay. Trung bình mỗi ngày các tài khoản này có thêm từ 30 đến 720 lượt theo dõi mới, và trong số [chỉ toàn là những] “người hâm mộ mới" này, có rất nhiều những tài khoản mới lập gần đây, kèm theo rất nhiều tài khoản khác bị trùng lặp.

Bà Gabrielle dẫn ví dụ, phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên có tài khoản chính thức trên trang Twitter là “@zlj517” và phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh có tài khoản là “@spokespersonchn”. Hai tài khoản này đã có thêm 10.000 người hâm mộ, trong đó có 3.423 là các tài khoản trùng nhau; trong khi đó, có đến 40% [trong số này] là các tài khoản mới được tạo ra từ ngày 01/4 đến ngày 15/4.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. (Ảnh: Chinanews.com)
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. (Ảnh: Chinanews.com)

Theo nghiên cứu của Tổ chức Marshall (Đức) tại Hoa Kỳ, kế hoạch thiết lập các tài khoản chính thức trên Twitter của Đại sứ quán, Lãnh sự quán và các quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã được triển khai quyết liệt kể từ năm ngoái, khi các cuộc biểu tình chống đối liên tiếp nổ ra tại Hong Kong nhằm chống lại đạo luật dẫn độ vào hồi tháng 8/2019. Bản báo cáo cũng cho biết, mục đích của việc ĐCSTQ hỗ trợ thiết lập 200.000 tài khoản trên Twitter là để tạo sức ảnh hưởng đến dư luận [về vấn đề các cuộc biểu tình chống lại chính quyền thân đại lục] tại Hong Kong.

Christopher Krebs, giám đốc Cơ quan An ninh Cơ sở Hạ tầng và An ninh mạng Hoa Kỳ, cho biết: "Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể bị điều tra, vì [chính quyền này vốn] có một lịch sử về những hành vi xấu trên các không gian mạng. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi họ sẽ theo dõi các tổ chức quan trọng của Hoa Kỳ liên quan đến công tác ứng phó với đại dịch viêm phổi Vũ Hán này”. Ông cũng nói thêm rằng Cục An ninh sẽ "tích cực bảo vệ lợi ích của chúng ta (Hoa Kỳ)".

Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã đưa ra một cảnh báo chung rằng "các tổ chức y tế, công ty dược phẩm, học viện, tổ chức nghiên cứu y tế và các chính quyền địa phương" đã trở thành mục tiêu của các chiến dịch “tấn công” thông tin trên mạng. Mặc dù cảnh báo này không nêu ra một quốc gia hoặc mục tiêu cụ thể nào có thể là chủ mưu của các cuộc tấn công, tuy nhiên nhiều suy đoán cho rằng đó có thể là Nga, ĐCSTQ, Iran hay Bắc Triều Tiên, vì đây là những quốc gia có chính sách thao túng không gian mạng hung hăng nhất.

Chính quyền Hoa Kỳ đã tăng cường thêm các điệp viên có nhiệm vụ theo dõi và đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Trong nhiều tháng trở lại đây, các quan chức FBI đã đến thăm các trường đại học lớn ở Hoa Kỳ cũng như các ban ngành, và đưa ra kết luận rằng hầu hết những trường đại học đều có nhiều lỗ hổng trong hệ thống bảo mật, các văn kiện, thông tin đều không có tính bảo mật cao.

Lý Tịnh

Theo Sound Of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Hacker của ĐCS Trung Quốc tìm cách truy cập vào các nghiên cứu vaccine của Hoa Kỳ