Hải quân Mỹ-Hàn tập trận chung quy mô lớn sau 5 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau 5 năm, hải quân Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận chung quy mô lớn ở vùng biển phía đông của Bán đảo Triều Tiên vào thứ Hai (26/9), một ngày sau khi Triều Tiên được cho là phóng thử tên lửa đạn đạo.

Cuộc tập trận chung kéo dài 4 ngày trên vùng biển phía đông Hàn Quốc, bắt đầu từ ngày 26/9 đến ngày 29/9, với sự tham gia của tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan.

Theo Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, cuộc tập trận chung quy mô lớn này nhằm thể hiện ý chí kiên định của liên minh Mỹ - Hàn trong việc đối phó với hành động khiêu khích của Triều Tiên và trau dồi năng lực tác chiến chung của hải quân hai nước.

'Cuộc tập trận chung thể hiện ý chí mạnh mẽ của hải quân Mỹ-Hàn'

Sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-wyeh nhậm chức vào tháng 5 năm nay, ông đã tăng cường hợp tác an ninh giữa Mỹ và Hàn Quốc. Quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên trong hơn 4 năm vào tháng 8. Đây là cuộc tập trận chung hải quân lần đầu tiên kể từ năm 2017.

Ông Mark Schafer, Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Hàn Quốc, nhấn mạnh trong cuộc họp báo trên tàu trước thềm cuộc tập trận rằng, hoạt động này là minh chứng cho mối quan hệ chặt chẽ giữa hải quân hai nước và đảm bảo sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Ngoài hơn 20 tàu chiến, Mỹ và Hàn Quốc còn triển khai nhiều máy bay như chiến đấu cơ F/A-18E Super Hornet, F-15K của Không quân Hàn Quốc, KF-16, máy bay tuần thám P-3, P-8, trực thăng AH-64E Apache của Quân đội Mỹ.

Hải quân Hoa Kỳ và Hàn Quốc sẽ thực hiện các hoạt động tác chiến chống tàu ngầm, tác chiến phòng không và các bài diễn tập chiến thuật trong cuộc tập trận chung, đồng thời tăng cường khả năng thực hiện tác chiến chung để đối phó với hành động khiêu khích của Triều Tiên thông qua diễn tập chiến đấu thực tế.

Ông Guo Guangxie, người đứng đầu Trung đoàn tác chiến thủy quân lục chiến số 1 của Hàn Quốc và cũng là người chỉ đạo cuộc tập trận, cho biết cuộc tập trận sẽ nâng cao hơn nữa khả năng thực hiện các chiến dịch chung của hải quân hai nước và củng cố thế trận phòng thủ chung trên biển dựa trên mối quan hệ vững chắc giữa liên minh Mỹ - Hàn.

Ông Buzz Donnelly, chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay số 5 của Mỹ, nhấn mạnh rằng hải quân Mỹ và Hàn Quốc sẽ thể hiện khả năng và ý chí chiến đấu của hai nước thông qua cuộc tập trận, "Liên minh Mỹ - Hàn là liên minh mạnh nhất trên thế giới, và chúng tôi sẽ tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên và hợp tác chặt chẽ hơn nữa".

Nhóm tác chiến tàu sân bay Hoa Kỳ đã tiến vào căn cứ hoạt động Busan ở Hàn Quốc vào thứ Sáu (23/9). Đây là tàu sân bay Mỹ cập cảng Busan sau 5 năm kể từ khi tàu Ronald Reagan cập cảng vào tháng 10/2017. Vào thời điểm đó, để đối phó với các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, Mỹ đã cử 3 nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm, bao gồm cả tàu sân bay USS Ronald Reagan, tổ chức các cuộc tập trận chung với quân đội Hàn Quốc.

Bức ảnh chụp tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan (CVN 76) cập cảng Busan, Hàn Quốc vào ngày 23/9/2022. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, hiện tại, vụ thử hạt nhân lần thứ 7 của Triều Tiên đã sẵn sàng. Hàn Quốc và Mỹ đã tổ chức cuộc họp “Tham vấn chiến lược răn đe mở rộng” (EDSCG) vào ngày 16/9 và nhất trí triển khai vũ khí chiến lược của quân đội Mỹ trên bán đảo trong thời gian tới.

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn

Một ngày trước cuộc tập trận (25/9), Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ khu vực nội địa tới vùng biển phía đông của bán đảo và tiến hành một vụ thử tên lửa khác sau hơn 3 tháng.

Phía Hàn Quốc cho biết tên lửa được phóng từ gần khu vực Taechon của tỉnh Bắc Phyongan ở phía Tây Bắc của Bắc Triều Tiên. Tên lửa đã bay khoảng 600 km, đạt độ cao khoảng 60 km, với tốc độ tối đa khoảng Mach 5. Các cơ quan liên quan của Hàn Quốc và Mỹ đang phân tích các thông số cụ thể của tên lửa trong vụ phóng này.

Theo Bộ trưởng Phòng vệ Nhật Bản Hamada Yasukazu, có thể nhận định tên lửa đã rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Ông Hamada cũng cho biết tên lửa có thể là loại có quỹ đạo bay bất thường. Theo ông, cho đến nay chưa ghi nhận thiệt hại nào về tàu hoặc máy bay của Nhật Bản.

Ông Hamada nói: "Chúng tôi lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa lần này. Việc này đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an".

Chỉ riêng trong tháng 6, Triều Tiên đã phóng tổng cộng 8 tên lửa đạn đạo. Lần phóng hôm Chủ Nhật là lần phóng thứ 19 trong năm 2022.

Về những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị phóng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), ông Lee Suk-koo, người đứng đầu thông cáo của Bộ Tham mưu Liên quân Hàn Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Hai (26/9) rằng, quân đội Hàn Quốc đang theo dõi và giám sát chặt chẽ các cơ sở phóng và chuyển động liên quan trong khu vực Sinpo của Triều Tiên. Sinpo là một thành phố ven bờ Biển Nhật Bản ở trung bộ tỉnh Nam Hamgyong, Bắc Triều Tiên với dân số khoảng 158.000 người

Đồng thời, quân đội Hàn Quốc cũng chú ý theo dõi khả năng xảy ra các hành động khiêu khích khác của Triều Tiên và duy trì tư thế cảnh giác nghiêm ngặt.

Ông Lee Suk-koo nói rằng hành động của Triều Tiên có thể nhằm kiểm tra khả năng tình báo của Hàn Quốc và Hàn Quốc cần phải phân tích các ý định khác nhau của Triều Tiên.

Triều Tiên đã lên án các cuộc tập trận quân sự trước đây của Mỹ và các cuộc tập trận chung, gọi đó là diễn tập cho chiến tranh và là bằng chứng về các chính sách thù địch của Washington và Seoul.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hải quân Mỹ-Hàn tập trận chung quy mô lớn sau 5 năm