Hàn Quốc cân nhắc chấm dứt thỏa thuận quân sự với Triều Tiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hàn Quốc đang cân nhắc chấm dứt thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018 nếu quân đội Triều Tiên còn tiếp tục xâm phạm không phận nước này, theo một quan chức Hàn Quốc. Động thái trên diễn ra sau khi quân đội Hàn Quốc phát hiện 5 thiết bị bay không người lái (UAV) của Triều Tiên vượt qua biên giới liên Triều và xâm phạm không phận Hàn Quốc trong ngày 26/12/2022. 

Hàn Quốc đã phát đi thông điệp cảnh báo và điều các máy bay chiến đấu để ngăn các UAV của Triều Tiên.

Vào ngày 26/12, Triều Tiên đã điều động 5 máy bay không người lái bay qua Đường Phân chia ranh giới Quân sự (MDL) giữa hai miền Triều Tiên và vi phạm không phận của nước này. Một trong số đó đã nhanh chóng tiến vào vùng cấm bay có bán kính 3,7 km (2,2 dặm) bao quanh văn phòng Tổng thống Hàn Quốc.

Đường phân giới quân sự này đóng vai trò biên giới biển trên thực tế giữa hai miền Triều Tiên

Đây là lần đầu tiên sau hơn 5 năm, một máy bay không người lái của Triều Tiên đã vượt qua ranh giới phân chia giữa hai nước. Trong một động thái "ăn miếng trả miếng", Hàn Quốc đã bắn cảnh cáo và lần đầu tiên điều máy bay không người lái của mình về phía Triều Tiên.

Một quan chức quân sự Hàn Quốc giấu tên nói với hãng thông tấn Yonhap rằng: “Chiếc máy bay này đã bay nhanh vào rìa phía bắc của khu vực, nhưng không đến gần các cơ sở an ninh quan trọng” .

Vụ xâm nhập đã buộc Hàn Quốc phải điều động máy bay chiến đấu và bắn khoảng 100 phát đạn vào máy bay không người lái Triều Tiên khi chúng bay qua các thành phố của Hàn Quốc trong nhiều giờ.

Hôm 27/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã kêu gọi lực lượng quân sự nước này tăng cường chuẩn bị và huấn luyện quân sự. Đồng thời, ông cũng lên tiếng trích phản ứng của Seoul sau khi không bắn hạ được chiếc máy bay nào trong số 5 máy bay không người lái của Triều Tiên xâm nhập vào không phận nước này.

“Vụ việc cho thấy sự thiếu sót đáng kể trong việc chuẩn bị và huấn luyện của quân đội chúng ta trong vài năm qua, đồng thời khẳng định rõ ràng [quân đội Hàn Quốc] cần phải [duy trì vị thế] sẵn sàng và [tăng cường] huấn luyện hơn nữa", ông Yoon nói trong một cuộc họp.

Thư ký báo chí Kim Eun-hye nói rằng, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã yêu cầu quân đội nước này phát triển “khả năng phản ứng áp đảo vượt xa phản ứng tương xứng trước các hành động khiêu khích của Triều Tiên”.

Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong-sup thành lập một đơn vị máy bay không người lái hỗn hợp có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ, bao gồm các hoạt động giám sát và trinh sát, xây dựng một hệ thống cho phép sản xuất hàng loạt máy bay không người lái nhỏ và thúc đẩy phát triển máy bay không người lái tàng hình trước cuối năm nay.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng kêu gọi các lực lượng vũ trang nước này xây dựng "khả năng phản ứng áp đảo” trước các hành vi khiêu khích từ Triều Tiên.

Bà Kim cho biết, Tổng thống Hàn Quốc cũng kêu gọi các trợ lý của ông xem xét việc chấm dứt thỏa thuận quân sự liên Triều nếu Triều Tiên còn tiếp tục xâm chiếm lãnh thổ của Hàn Quốc.

“Tổng thống Yoon Suk-yeol đã chỉ đạo cho Văn phòng An ninh Quốc gia xem xét đình chỉ thỏa thuận quân sự đạt được vào ngày 19/9/2018, trong trường hợp Triều Tiên tiếp tục có hành vi khiêu khích, vi phạm chủ quyền của Hàn Quốc”, ông Kim nói với các phóng viên hôm thứ Tư (4/1).

Thỏa thuận được cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ký kết vào năm 2018 nhằm chấm dứt tình trạng thù địch quân sự giữa hai quốc gia. Việc chấm dứt thỏa thuận có thể dẫn đến việc nối lại các cuộc tập trận bắn đạn thật dọc theo đường phân giới giữa hai miền Triều Tiên.

Hoa Kỳ bày tỏ lo việc Triều Tiên coi thường thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018cvà viện dẫn một loạt các hành động khiêu khích bằng máy bay không người lái, cũng như tên lửa của Triều Tiên nhằm vào đồng minh Hàn Quốc.

“Chúng tôi lo ngại về việc Triều Tiên rõ ràng coi thường Thỏa thuận quân sự liên triều ngày 19/9/2018. Đồng thời, chúng tôi cũng kêu gọi nước này chấm dứt hành vi vô trách nhiệm và là leo thang [căng thẳng]”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price nói với các phóng viên.

Tuyên bố tập trận hạt nhân chung

Trong một bản tin trước đó, ông Yoon tuyên bố rằng, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đang đàm phán về các cuộc tập trận chung trong tương lai và sử dụng vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ. Theo đó, phía Hoa Kỳ tỏ ra "khá tích cực" về đề xuất này.

Nhưng Tổng thống Joe Biden đã bác bỏ những tuyên bố như vậy. Khi được hỏi về việc, liệu hai đồng minh có tiến hành đàm phán về các cuộc tập trận hạt nhân chung tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm thứ Hai (2/1) hay không, ông Biden trả lời: “Không” và không giải thích chi tiết.

Đáp lại, ông Kim nói rằng, ông Biden “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nói 'Không'” trong cuộc họp báo, vì các cuộc tập trận hạt nhân chung chỉ có thể được tiến hành giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân; và Hàn Quốc không phải là một trong số đó.

Ông Kim khẳng định rằng, Mỹ và Hàn Quốc đang thảo luận về “việc chia sẻ thông tin, lập kế hoạch chung và các kế hoạch thực hiện chung liên quan đến hoạt động của các căn cứ hạt nhân của Mỹ nhằm chống lại các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên”, theo các nguồn tin địa phương.

'Tên lửa quái vật'

Năm ngoái, Triều Tiên đã phóng một số lượng tên lửa chưa từng có, một trong số đó là Hwasong-17. Các chuyên gia gọi đây là “tên lửa quái vật”, vì nó có khả năng tấn công bất cứ khu vực nào trong lãnh thổ Hoa Kỳ, thậm chí là còn xa hơn nữa.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát vụ phóng tên lửa Hwasong-17 ngày 24/3. (Ảnh: KCNA)
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát vụ phóng tên lửa Hwasong-17 ngày 24/3. (Ảnh: KCNA)

Trong cuộc phỏng vấn với đài Chosun Ilbo của Hàn Quốc hôm 2/1, ông Yoon cho biết, chiến lược cung cấp “chiếc ô hạt nhân” hay “răn đe mở rộng” của Mỹ đối với Hàn Quốc không đủ yên tâm để đảm bảo an toàn công cộng, trong bối cảnh Triều Tiên đã phát triển được vũ khí hạt nhân của riêng mình.

“Trong quá khứ, khái niệm về 'chiếc ô hạt nhân' hay 'khả năng răn đe mở rộng' là sự chuẩn bị chống lại Liên Xô và Trung Quốc trước khi Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Đây cũng là cách Mỹ nói với chúng tôi rằng đừng lo lắng vì họ sẽ lo liệu mọi thứ", ông nói.

“Bây giờ, chỉ với điều đó cũng khó thuyết phục người dân chúng tôi. Chính phủ Hoa Kỳ hiểu điều này ở một mức độ nào đó”, ông Yoon nói thêm.

Khi được hỏi về khả năng chia sẻ hạt nhân giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ, ông Yoon tuyên bố rằng “từ chia sẻ hạt nhân thực sự mang lại cảm giác nặng nề cho Hoa Kỳ”.

Ông nói: “Thay vào đó, nếu Hàn Quốc và Mỹ xây dựng kế hoạch hoạt động của lực lượng hạt nhân dựa trên thông tin được chia sẻ, cũng như khái niệm về các cuộc tập trận, huấn luyện và hoạt động chung, thì kế hoạch đó sẽ hiệu quả như chia sẻ hạt nhân”.

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hàn Quốc cân nhắc chấm dứt thỏa thuận quân sự với Triều Tiên