Hàn Quốc cân nhắc dỡ bỏ hạn chế thị thực đối với du khách Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hàn Quốc đang cân nhắc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế cấp thị thực ngắn hạn đối với du khách Trung Quốc sớm hơn dự kiến, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc đang giảm dần, theo một quan chức nước này. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng số ca tử vong ở Trung Quốc vẫn đang tăng cao.

Ban đầu, chính phủ Hàn Quốc dự kiến nối lại cấp thị thực ngắn hạn cho du khách Trung Quốc vào tháng 1/2023, nhưng sau đó Seoul quyết định lùi cho đến cuối tháng 2/2023, sau Tết Nguyên Đán.

Hôm 7/2, Giám đốc Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (KDCA) của Hàn Quốc, bà Jee Young-mee, cho biết, Seoul đang cân nhắc nối lại cấp thị thực ngắn hạn cho du khách Trung Quốc sớm hơn dự kiến, sau khi hình dịch Covid-19 tại quốc gia láng giềng đang cải thiện.

"Theo nhiều nguồn tin, chúng tôi nhận thấy rằng số ca mắc Covid-19 ở Trung Quốc đang giảm dần, và cho đến nay chưa ghi nhận biến thể mới nào của virus tại đó", hãng thông tấn Yonhap News Agency dẫn lời bà Jee trong một cuộc họp báo.

Tuy nhiên, bà Jee nhấn mạnh rằng chính phủ Hàn Quốc vẫn duy trì quy định yêu cầu du khách Trung Quốc xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính trước khi khởi hành và sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc cho đến cuối tháng 2.

Đáp lại, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hoan nghênh động thái này của Hàn Quốc. Theo đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh gọi đây là “một bước đi đúng đắn” của chính phủ nước này.

Bà Mao cho biết, Bắc Kinh sẽ "tích cực xem xét việc nối lại cấp thị thực ngắn hạn cho công dân Hàn Quốc trên cơ sở có đi có lại".

“Chúng tôi hy vọng Hàn Quốc sẽ hợp tác với Trung Quốc để tạo thuận lợi hơn cho dòng người di chuyển bình thường giữa hai bên”, bà nói với các phóng viên vào ngày 10/2.

Hàn Quốc đã siết chặt các biện pháp hạn chế đối với du khách Trung Quốc và tạm thời giảm các chuyến bay từ Trung Quốc sau khi ĐCSTQ đột ngột dỡ bỏ chính sách Zero Covid, dẫn đến bùng phát làn sóng lây nhiễm ở nước này.

Seoul cho biết đó là động thái cần thiết để nước này ngăn chặn sự lây lan của các biến thể mới, tiềm ẩn của virus. Đáp lại, Bắc Kinh đã trả đũa Seoul bằng cách ngừng cấp thị thực ngắn hạn cho du khách Hàn Quốc và lên án "các hạn chế nhập cảnh mang tính phân biệt đối xử" của nước này.

Không chỉ riêng Hàn Quốc, nhiều quốc gia trên thế giới như: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Úc, Canada, Pháp, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Malaysia và Qatar cũng yêu cầu du khách Trung Quốc phải cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi nhập cảnh vì lo ngại về việc gia tăng các ca lây nhiễm Covid-19 tại đất nước họ.

ĐCSTQ trước đó đã đe dọa sẽ “tiến hành các biện pháp trả đũa dựa trên nguyên tắc có đi có lại” đối với các quốc gia áp đặt các hạn chế nhập cảnh đối với du khách Trung Quốc.

Tình hình Covid ở Trung Quốc

Theo dữ liệu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào tháng trước, số ca tử vong hàng tuần vì Covid-19 trên khắp thế giới đã giảm 70% kể từ tháng 2. Tuy nhiên, đã có thông tin cho rằng số ca tử vong ở Trung Quốc đang tăng lên.

Hôm 30/1, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ hy vọng thế giới sẽ thoát khỏi tình trạng khẩn cấp trong năm 2023. Tuy nhiên, WHO chỉ ra rằng, vẫn chưa đến thời điểm đó.

"Chúng tôi vẫn hy vọng rằng, trong năm tới, thế giới sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, trong đó chúng ta có thể giảm số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 xuống mức thấp nhất có thể, và các hệ thống y tế có thể ứng phó với Covid-19 một cách bền vững và trọn vẹn nhất", ông Tedros nói.

Bệnh nhân và thân nhân trong phòng cấp cứu tại một bệnh viện ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 14/1/2023. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Mặc dù WHO không đề cập đến dữ liệu Covid-19 của Trung Quốc, nhưng có thể nguyên nhân cơ quan này đưa ra tuyên bố hôm 30/1 là do số ca tử vong vì Covid-19 ở Trung Quốc đang gia tăng trong thời gian gần đây. Hơn nữa, một số chuyên gia và học giả nhận định rằng chính quyền Trung Quốc đã che giấu số ca tử vong trên thực tế.

Hôm 05/01/2023, nhà Hán học kiêm chiến lược gia quân sự Ben Lowsen đã đăng một bài báo trên tạp chí The Diplomat. Ông cảnh báo rằng, người dân Trung Quốc có khả năng phải đối mặt với một thảm họa với quy mô tử vong lớn nhất kể từ sau Đại nhảy vọt”.

Ông nói, trong Nạn đói lớn (1959 đến 1961), các chính sách của Mao Trạch Đông đã khiến hơn 20 triệu người tử vong vì nạn đói, và chính quyền Trung Quốc đã quyết định không cung cấp số liệu thống kê về số người thiệt mạng này.

“Một điều tương tự là, chính quyền ông Tập Cận Bình ngày nay về căn bản cũng đã ngừng cung cấp số liệu thống kê về Covid-19”, ông Lowsen nói.

Các nhà sử học đã đổ lỗi nạn đói cho các chính sách kinh tế cực đoan của Mao - những chính sách nhằm cố gắng lấp đầy hạn ngạch trong khi tập thể hóa nông nghiệp

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hàn Quốc cân nhắc dỡ bỏ hạn chế thị thực đối với du khách Trung Quốc