Hàn Quốc không thỏa hiệp đối với tài xế xe tải đình công trong bối cảnh gián đoạn nguồn cung

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Năm (8/12) chính phủ Hàn Quốc đã ban hành lệnh hành pháp yêu cầu các tài xế xe tải đang đình công thuộc các ngành hóa dầu và thép quay trở lại làm việc lần thứ hai. Động thái này nhằm củng cố lập trường của Seoul sau khi cuộc đình công của các tài xế xe tải đang diễn ra làm gián đoạn chuỗi cung ứng của đất nước.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã phê duyệt lệnh nhắm vào tài xế xe tải trong ngành hóa dầu và thép, chỉ một tuần sau khi lệnh tương tự được ban hành đối với tài xế xe tải trong ngành xi măng, Hãng thông tấn Yonhap News Agency (YNA) đưa tin.

Những người vi phạm lệnh này có thể phải đối mặt với án tù 3 năm hoặc khoản tiền phạt 30 triệu won (23.084 USD).

Đáp lại, Công đoàn Đoàn kết Tài xế Xe tải chở hàng đã bỏ phiếu vào thứ Sáu (9/12) về việc có nên tiếp tục các cuộc biểu tình trên toàn quốc hay không.

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo đã kêu gọi các tài xế xe tải chấm dứt "việc từ chối giao hàng trong thời gian dài một cách vô lý", đồng thời nhấn mạnh rằng cuộc đình công đã “gây thiệt hại nghiêm trọng” cho ngành công nghiệp và nền kinh tế địa phương.

Ông nói với nội các Hàn Quốc rằng: “Sự gián đoạn trong vận chuyển thép và các sản phẩm hóa dầu có khả năng mở rộng sang các ngành công nghiệp then chốt, chẳng hạn như ô tô, đóng tàu và chất bán dẫn, sau đó sẽ lan sang cuộc khủng hoảng chung của nền kinh tế Hàn Quốc”.

Ông Han nhắc lại lập trường cứng rắn của chính phủ đối với cuộc đình công của tài xế xe tải trên toàn quốc, nói rằng chính phủ "sẽ không nhân nhượng trước những vi phạm và buộc các tài xế phải chịu trách nhiệm".

Một quan chức từ Văn phòng Tổng thống nói với hãng thông tấn Yonhap rằng, chính phủ sẵn sàng đàm phán nếu những tài xế xe tải kết thúc cuộc đình công và trở lại làm việc, nhưng không thể có điều kiện tiên quyết.

Các tài xế xe tải Hàn Quốc đã đình công lần thứ hai trong năm nay nhằm kêu gọi chính phủ thiết lập một hệ thống giá cước vận chuyển tối thiểu vĩnh viễn khi hệ thống hiện hành sẽ hết hạn vào cuối năm 2022. Theo các tài xế xe tải, mức phí tối thiểu là rất quan trọng với tài chính và sự an toàn của họ và tuyên bố rằng giá nhiên liệu tăng đột biến đã đe dọa đến sinh kế của họ.

Gây gián đoạn đáng kể trong hoạt động sản xuất

Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc, cuộc đình công đã khiến đất nước thiệt hại ước tính 1,3 nghìn tỷ won (1 tỷ USD), với sản lượng trong lĩnh vực hóa dầu dao động ở mức 20% so với ngày trung bình và các lô hàng thép giảm tới 48%.

Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-ho cho biết, cuộc đình công kéo dài đã gây tổn hại cho nền kinh tế quốc gia khi đất nước đang phải vật lộn với lạm phát và lãi suất cao.

“Khi các nhà máy hóa dầu cũng tạm dừng hoạt động, sẽ không thể tránh khỏi việc phải chịu sự gián đoạn lớn trong sản xuất, vì phải mất ít nhất hai tuần để khởi động lại các nhà máy này", ông Choo nói với các phóng viên, tờ Yonhap đưa tin.

Lệnh được ban hành vào tuần trước đã đưa các chuyến hàng xi măng trở lại bình thường, khi các nhà chức trách tiến hành kiểm tra tại chỗ đối với 33 tài xế xe tải và 778 tài xế trong ngành xi măng.

Ông Yoon tuần trước đã kêu gọi các bộ liên quan huy động quyền hành pháp để đối phó với cuộc đình công kéo dài, và mô tả đây là một "cuộc đình công chính trị" đe dọa sinh kế của người dân và nền kinh tế quốc gia.

“Nếu điều này không được thực hiện, các cuộc đình công bất hợp pháp kinh niên và gây thiệt hại cho cộng đồng chắc chắn sẽ lặp lại trong tương lai", tổng thống nói trong một tuyên bố.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Hàn Quốc không thỏa hiệp đối với tài xế xe tải đình công trong bối cảnh gián đoạn nguồn cung