Hàn Quốc, Nhật Bản nối lại quan hệ trước mối đe dọa từ Triều Tiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí tiến tới bình thường hóa quan hệ song phương, đánh dấu bằng việc khôi phục "hoàn toàn" Thỏa thuận Chia sẻ Thông tin Tình báo Quân sự (GSOMIA) giữa hai nước. Đây là một thỏa thuận quân sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh Tokyo và Seoul đang phải đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vừa họp thượng đỉnh tại Tokyo hôm thứ Năm (16/03). Cuộc gặp này đã mở ra một chương mới trong mối bang giao song phương sau nhiều năm bất đồng về quá khứ lịch sử đầy đau thương liên quan đến lao động cưỡng bức trong giai đoạn Nhật Bản đô hộ Triều Tiên 1910 - 1945.

Chuyến thăm Nhật Bản hôm 16/3 của ông Yoon là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Hàn Quốc sau 12 năm.

Sự thiếu hợp tác giữa hai nước từ lâu đã làm suy yếu những nỗ lực hàn gắn do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm xây dựng một mặt trận thống nhất để đối phó với Trung Quốc và Triều Tiên.

Chỉ vài giờ trước chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Hàn Quốc hôm 16/3, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ra biển Nhật Bản. Tên lửa này sau đó đã hạ cánh xuống vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Động thái này càng nhấn mạnh tính cấp bách của tình hình an ninh khu vực và mối đe dọa của Bình Nhưỡng.

Tại hội nghị thượng đỉnh, ông Yoon tuyên bố rằng hai nước đã “bình thường hóa hoàn toàn” Thỏa thuận Chia sẻ Thông tin Tình báo Quân sự (GSOMIA).

Trao đổi với hãng thông tấn Yonhap News Agency, Tổng thống Hàn Quốc cho hay: "Tôi tin rằng hai nước sẽ chia sẻ thông tin về các vụ phóng và quỹ đạo tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, cũng như cách ứng phó trước những sự việc này".

Năm 2016, cả hai nước đã ký kết Thỏa thuận GSOMIA. Tuy nhiên vào năm 2019, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ do ông Moon Jae In lãnh đạo đã cân nhắc hủy bỏ thỏa thuận này sau khi Nhật Bản thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với Hàn Quốc do tranh chấp lao động cưỡng bức thời chiến.

Tại hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Kishida tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ dỡ bỏ kiểm soát xuất khẩu sang Hàn Quốc đối với các vật liệu công nghiệp chính được sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn và màn hình.

"Chúng tôi đã quyết định nối lại các cuộc tham vấn về an ninh kinh tế giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Cũng đã có tiến bộ trong lĩnh vực kiểm soát xuất khẩu giữa hai nước", ông Kishida cho biết.

Ngoài ra, ông Kishida cho hay ông hy vọng sẽ "mở ra một chương mới" trong mối quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản bằng cách nối lại các chuyến thăm song phương của cả hai bên "mà không bị ràng buộc bởi hình thức”.

Các cuộc tranh chấp trong lịch sử Nhật - Hàn

Các tranh chấp lịch sử đã cản trở quan hệ giữa hai nước, bao gồm cả việc các công ty Nhật Bản cưỡng bức lao động người Hàn Quốc trong thời kỳ Nhật Bản cai trị Hàn Quốc từ năm 1910 - 1945 và việc các nhà thổ do quân đội Nhật Bản điều hành bóc lột phụ nữ Hàn Quốc.

Năm 2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã ra phán quyết ủng hộ việc các công ty Nhật Bản bồi thường. Đó là những công ty hưởng lợi từ việc cưỡng bức lao động. Tuy nhiên, Nhật Bản lập luận rằng tất cả các vấn đề bồi thường đã được giải quyết theo hiệp ước năm 1965 giữa hai quốc gia.

Tuần trước, chính phủ Hàn Quốc cho biết họ sẽ sử dụng quỹ địa phương để bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thay vì buộc các công ty Nhật Bản phải bồi thường.

Triều Tiên tiếp tục phóng ICBM

Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa, cụ thể là tên lửa Hwasong-17, rơi chính xác xuống vị trí định trước ở vùng biển ngoài khơi phía Đông Triều Tiên chỉ vài giờ trước khi ông Yoon đến Nhật Bản để tham dự hội nghị thượng đỉnh này.

Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, vụ phóng tên lửa trên diễn ra hôm 16/3, từ sân bay quốc tế Bình Nhưỡng. Tên lửa bay lên tới độ cao tối đa 6.045 km và di chuyển quãng đường hơn 1.000 km trước khi rơi chính xác xuống vị trí định trước ở vùng biển ngoài khơi phía Đông Triều Tiên.

Tên lửa Hwasong-17 được biết đến là ICBM lớn nhất của Triều Tiên, ước tính có tầm bắn hơn 13.000 km. Với tầm bắn này, nó có khả năng tấn công bất kỳ địa điểm nào trên lục địa Hoa Kỳ.

Hãng tin KCNA cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đích thân giám sát cuộc diễn tập phóng tên lửa nêu trên. Điều này nhằm khẳng định độ tin cậy của quân đội Triều Tiên và “khả năng sẵn sàng chiến đấu” của lực lượng ICBM của nước này.

Ông Kim nhấn mạnh rằng nhất thiết phải "đánh vào tâm lý sợ hãi của kẻ thù, thực sự ngăn chặn chiến tranh và đảm bảo một cách đáng tin cậy cuộc sống hòa bình của nhân dân Triều Tiên và cuộc đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước này bằng cách tăng cường năng lực ngăn chặn chiến tranh hạt nhân".

Vụ phóng tên lửa ICBM mới nhất của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc và Mỹ đang tiến hành cuộc tập trận Lá chắn Tự do dự kiến kéo dài 11 ngày. Đây là cuộc tập trận lớn nhất giữa hai nước đồng minh trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Triều Tiên coi các cuộc tập trận Mỹ - Hàn là “hành động thù địch”.

Ông Kim Jong Un cảnh báo rằng "các động thái quân sự mở rộng liên tục chống Triều Tiên như vậy sẽ mang lại mối đe dọa nghiêm trọng, không thể đảo ngược đối với họ".

Triều Tiên cũng đã phóng hai tên lửa hành trình chiến lược vào ngày 12/3 và hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào hôm 14/3 để đáp trả cuộc tập trận Lá chắn Tự do của Mỹ và Hàn Quốc. Tất cả các vụ phóng này đều bị cấm theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Theo The Epoch Times

Thanh Hải biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hàn Quốc, Nhật Bản nối lại quan hệ trước mối đe dọa từ Triều Tiên