Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Niue, kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Niue - quốc đảo duy nhất ở Thái Bình Dương mà Hàn Quốc chưa có quan hệ ngoại giao.

Ngày 29/05, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin và Thủ tướng Niue Dalton Tagelagi đã ký một tuyên bố chung để chính thức hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, bên lề hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Hàn Quốc - Thái Bình Dương tại Seoul.

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, nước này đặt mục tiêu thúc đẩy quan hệ ngoại giao với quốc đảo Niue như một phương tiện để mở rộng ảnh hưởng ngoại giao của họ ở khu vực Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường hợp tác song phương với đảo quốc này.

Niue, một hòn đảo tự trị, đã trở thành quốc gia thứ 192 thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc. Niue là một phần của vương quốc New Zealand, có nghĩa là họ có chung một vị vua.

New Zealand có nghĩa vụ cung cấp cho Niue viện trợ kinh tế và hỗ trợ trong các lĩnh vực đối ngoại, quốc phòng và an ninh nếu chính phủ Niue yêu cầu, theo thông tin trên trang web của chính phủ.

Niue cũng có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Vào tháng 05/2022, chính phủ Niue đã đồng ý tăng cường hợp tác với Trung Quốc thông qua chương trình cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc - Thái Bình Dương

Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Hàn Quốc - Thái Bình Dương lần đầu tiên được tổ chức bởi Hàn Quốc. Seoul đang tìm cách tăng cường giao lưu với các quốc gia Thái Bình Dương, vốn là tâm điểm của sự cạnh tranh địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tổ chức các cuộc hội đàm song phương với các nhà lãnh đạo của 5 quốc đảo ở Thái Bình Dương - bao gồm: Kiribati, Tonga, Tuvalu, Vanuatu và Papua New Guinea - nhằm tăng cường hợp tác giữa các quốc gia.

Ông Yoon nói với các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương về ý định “mở rộng hợp tác cùng có lợi” trong các lĩnh vực mà các quốc đảo Thái Bình Dương cùng quan tâm, theo một tuyên bố do văn phòng của ông đưa ra.

“Đặc biệt, tổng thống nói rằng là một quốc gia coi trọng tự do và pháp quyền, Hàn Quốc tìm cách thiết lập mối quan hệ công bằng và dựa trên lòng tin với các quốc đảo Thái Bình Dương”, văn phòng Tổng thống cho biết.

Ông Yoon đã đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền ông vào năm ngoái, cam kết thúc đẩy một khu vực “tự do, hòa bình và thịnh vượng” được xây dựng trên luật lệ. Chiến lược này được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc ngày một lo ngại về tham vọng quân sự của Trung Quốc đối với các vùng biển chiến lược và về việc Trung Quốc sử dụng đòn bẩy kinh tế tại các quốc đảo nhỏ.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc – Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta nói rằng: “Hàn Quốc là một đối tác quan trọng của (Aotearoa) New Zealand và khu vực Thái Bình Dương. (Aotearoa) New Zealand mong muốn được kết nối nhiều hơn với Hàn Quốc”.

Úc và New Zealand là những thành viên lớn nhất của diễn đàn - một khối gồm hầu hết các quốc đảo nhỏ đang gặp rủi ro do mực nước biển dâng cao và phụ thuộc vào viện trợ từ các đối tác phát triển.

Khu vực Thái Bình Dương trở thành tâm điểm chú ý sau khi Bắc Kinh ký một thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon vào năm ngoái; khiến các nước trong khu vực lo ngại rằng hiệp định này có thể cho phép Bắc Kinh đóng quân, vũ khí và tàu hải quân trên đảo.

Hoa Kỳ và Papua New Guinea đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng vào tuần trước để củng cố mối quan hệ song phương giữa họ trong bối cảnh Hoa Kỳ cố gắng đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương.

Washington cũng đã ký các thỏa thuận với Palau và Liên bang Micronesia như một phần của Hiệp ước Liên kết Tự do, và đang chờ gia hạn thỏa thuận với Quần đảo Marshall.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Niue, kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc