Hãng vũ khí lớn nhất thế giới bị chính quyền Mỹ chặn vụ mua Aerojet vì lo ngại độc quyền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm qua, ngày 13/2/2022, nhà sản xuất vũ khí của Mỹ Lockheed Martin Corp (hãng có doanh thu vũ khí lớn nhất thế giới) đã phải hủy bỏ kế hoạch mua lại nhà sản xuất động cơ tên lửa Aerojet Rocketdyne Holdings Inc với giá 4,4 tỷ USD trong bối cảnh các cơ quan thực thi chống độc quyền của Mỹ phản đối.

Nhà sản xuất vũ khí lớn nhất toàn cầu, Lockheed Martin Corp, đã buộc phải dừng lại vụ mua bán, sáp nhập (M&A) với hãng sản xuất động cơ tên lửa Aerojet Rocketdyne Holdings Inc, trị giá 4,4 tỷ USD sau khi bị chính quyền Mỹ tuýt còi.

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đã đệ đơn lên toà án để ngăn chặn thỏa thuận này vào cuối tháng 01/2022 với lý do nếu Lockheed sử dụng quyền kiểm soát Aerojet của mình, họ có thể tạo ra quyền lực độc quyền để làm tổn thương các nhà thầu quốc phòng khác. Nhà sản xuất tên lửa Raytheon Technologies là một đối thủ thẳng thắn của đề xuất mua lại. Vụ kiện tụng giữa chính quyền Mỹ với hãng sản xuất vũ khí được cho là vụ đầu tiên, hiếm hoi sau nhiều thập kỷ.

Việc sáp nhập, được công bố vào cuối năm 2020, đã thu hút nhiều chỉ trích vì nó sẽ mang lại cho Lockheed một vị trí thống trị đối với động cơ tên lửa nhiên liệu rắn - một phần quan trọng của ngành công nghiệp tên lửa Hoa Kỳ.

Giám đốc điều hành của Lockheed, ông James Taiclet cho biết việc mua lại sẽ giúp cải thiện hiệu quả, tốc độ và cắt giảm chi phí cho chính phủ Hoa Kỳ, nhưng việc chấm dứt thỏa thuận là vì lợi ích tốt nhất của các bên liên quan.

Danh sách 25 hãng sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới năm 2020. (Nguồn: SIPRI)

Aerojet, công ty sẽ báo cáo thu nhập quý 4 vào cuối tuần này, cho biết trong một tuyên bố riêng rằng họ vẫn mong đợi một "hiệu suất trong tương lai" mạnh mẽ, bất chấp việc sáp nhập đã bị hủy bỏ.

Lockheed trước đó cho biết họ sẽ không trả phí chấm dứt hợp đồng nếu thỏa thuận không thành công vì lý do thương vụ đổ bể không phải do chủ quan từ phía Lockheed; bị các cơ quan thực thi chống độc quyền phản đối.

Động cơ tên lửa như động cơ do Aerojet chế tạo được sử dụng trong mọi thứ, từ hệ thống tên lửa phòng thủ nội địa cho đến tên lửa Stinger.

Aerojet phát triển và sản xuất động cơ đẩy tên lửa lỏng và rắn, động cơ siêu thanh, năng lượng điện và động cơ đẩy cho các ứng dụng vũ trụ, quốc phòng, dân dụng và thương mại. Khách hàng của Aerjet bao gồm Lầu Năm Góc, NASA, Boeing (BA.N), Lockheed Martin, Raytheon và United Launch Alliance.

Lockheed Martin luôn vững ngôi vị số 1 về doanh thu bán vũ khí trên toàn cầu trong nhiều năm, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế tại Stockholm (SIPRI). Trong khi đó Aerojet không có trong danh sách 25 nhà sản xuất vũ khí có doanh số đứng đầu thế giới.

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Hãng vũ khí lớn nhất thế giới bị chính quyền Mỹ chặn vụ mua Aerojet vì lo ngại độc quyền