Hậu phong tỏa vì COVID-19, bệnh tình của người dân Mỹ, Úc và Thụy Điển càng trầm trọng hơn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dù dịch bệnh COVID-19 đang tạm lắng, nhưng lượng ca cấp cứu nhập viện tại Mỹ, Úc và Thụy Điển vì các loại bệnh nghiêm trọng không do virus lại đang gia tăng liên tục, tiếp tục gây sức ép cho ngành y tế các nước này. 

Từ ngày 26/10, báo NPR cho biết, các bệnh viện trên khắp nước Mỹ đang lúng túng khi phải tiếp nhận một lượng lớn các bệnh nhân mãn tính với tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn. Tại một số bệnh viện, khu vực cấp cứu đã quá tải khiến nhiều bệnh nhân phải nằm tạm ngay khu vực lối đi. Hãng tin nêu rõ, ngay cả ở những khu vực mà hệ thống y tế không bị COVID-19 tác động nặng nề cũng phải đối diện với nhiều khó khăn hơn. Bệnh nhân được đưa vào các phòng cấp cứu với bệnh tình càng trầm trọng hơn, và họ cần bệnh viện cung cấp các dịch vụ chăm sóc càng phức tạp hơn.

Đến ngày 5/11, báo ABC News tiếp tục đưa tin về tình trạng tương tự tại Úc. Trích dẫn Bảng Báo cáo Bệnh viện công của Hiệp hội Y khoa Úc (Australian Medical Association - AMA) năm 2021 mới được công bố, báo này cho biết, tỷ lệ bệnh nhân Úc có thể rời khỏi khoa cấp cứu trong vòng 4 tiếng đã giảm xuống còn 69%. Đây là con số thấp nhất kể từ năm 2012-2013 tại Úc.

Một bản khảo sát khác do Vox trích dẫn cho thấy, gần như 99% số bệnh viện tham gia khảo sát cho biết họ đang trong tình trạng thiếu nhân lực, 96% cho biết họ gặp khó khăn nhiều nhất trong việc tìm thêm y tá. Bản khảo sát do tổ chức Chartis Group thực hiện đối với các bệnh viện ở nông thôn của Úc và gửi cho Vox trước khi phát hành chính thức.

Lãnh đạo cấp quốc gia Michael Topchik của Trung tâm Chartis vì Y tế Nông thôn (Chartis Center for Rural Health) nhận định: "Đại dịch đã làm cho các bệnh viện này hoạt động tối đa, có nghĩa là họ không thể cung cấp các dịch vụ quan trọng cho cộng đồng".

Đây là tình trạng chung của các bệnh viện tại Úc và Mỹ. Theo NPR, trong những ngày đầu đại dịch COVID-19 bùng phát, khoa cấp cứu tại các bệnh viện này hoàn toàn trống trải, khi hầu hết người dân quá sợ hãi vì nguy cơ lây nhiễm virus mà quyết định tránh xa các bệnh viện. Trong số này có cả những bệnh nhân với nhiều dạng tình trạng bệnh lý mãn tính.

Tuy nhiên, vì trì hoãn quá trình điều trị trong nhiều tháng mà bệnh tình của họ trở nặng với những triệu chứng trầm trọng hơn. Theo các nhân viên y tế, các dạng bệnh lý bị ảnh hưởng không giới hạn trong một nhóm cụ thể, mà dao động từ đau bụng, hô hấp, đông máu, tim mạch, cho đến cả tình trạng tâm lý muốn tự tử, cùng nhiều vấn đề khác.

Theo số liệu mới từ tổ chức Members Health của Úc, các đợt phong tỏa giãn cách xã hội đã dẫn đến sự sụt giảm nặng nề về số lượng các cuộc kiểm tra cho các bệnh nhân với bệnh lý nghiêm trọng, Insurance Business Australia cho biết. Hãng tin cho biết, "vào cuối tháng 10/2021, việc thăm khám đủ điều kiện tại Úc cho các dạng bệnh liên quan đến da đã giảm 21%, các bệnh về thận và bàng quang giảm 25%, phụ khoa giảm 34%, nội soi tiêu hóa giảm 25% và các thủ thuật liên quan đến tim và mạch máu giảm 11%". Trong số tất cả các dạng bệnh, chịu ảnh hưởng lớn nhất khi bị giảm mạnh 52% so với mức bình thường là bệnh đục thủy tinh thể.

Thành viên Matthew Koce của tổ chức Health CEO đánh giá: “Dữ liệu mà chúng ta đang thấy là chưa từng có ở Úc và báo hiệu một trận tuyết lở của các tình trạng sức khỏe phức tạp và rất nghiêm trọng đang diễn ra. Sống trong đau đớn và dùng thuốc mạnh, cộng thêm sự không chắc chắn là không biết khi nào phẫu thuật sẽ tiếp tục, đang có tác động nặng nề đến sức khỏe tinh thần của người dân và chất lượng cuộc sống của họ”.

Không chỉ dừng lại ở Mỹ và Úc, cuộc khủng hoảng y tế hậu COVID-19 này cũng đang dần lộ diện tại châu Âu, theo tin tức từ P4 Jönköping.

Du Miên



BÀI CHỌN LỌC

Hậu phong tỏa vì COVID-19, bệnh tình của người dân Mỹ, Úc và Thụy Điển càng trầm trọng hơn