Cuộc đụng độ gây chết người ở biên giới Trung - Ấn có thể đem đến hậu quả khôn lường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự leo thang chết người giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại vùng lãnh thổ tranh chấp Ladakh có thể là dấu hiệu của sự leo thang chiến thuật và chiến lược với những hậu quả lớn về ngoại giao, kinh tế và chính trị cho hai cường quốc châu Á này.

  • Cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại một vùng tranh chấp biên giới giữa hai nước đã dẫn tới thiệt hại về mạng người cho cả hai phía trong đó có ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ bị chết. Phía Trung Quốc thừa nhận có thương vong nhưng không báo cáo con số.
  • Sự căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc có lịch sử lâu dài, và sự leo thang này cảnh báo những hậu quả lớn cho hai cường quốc châu Á.

Ngày 16/6, tờ Hindustan Times của Ấn Độ đưa tin rằng, có ít nhất 20 binh sĩ của Lực lượng Vũ trang Ấn Độ thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) vào đêm 15/6 tại khu vực Thung lũng Galwan của Ladakh.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1975, các cuộc đụng độ với PLA khiến binh sĩ Ấn Độ bị thiệt mạng. Theo một số báo cáo, phía Trung Quốc thừa nhận có thương vong nhưng không báo cáo con số.

  • Điều gì đã châm ngòi cho cuộc đụng độ bằng đá và gậy gộc [nạm đinh] chứ không dùng súng này? Chưa có câu trả lời rõ ràng, nhưng một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 16/6 đã cáo buộc quân đội Ấn Độ hai lần vượt biên bất hợp pháp và tấn công lính biên phòng Trung Quốc.
  • Giới chức Ấn Độ và Trung Quốc thỏa thuận sẽ giải quyết các vấn đề biên giới bằng đàm phán, và Ấn Độ đã dừng cáo buộc Trung Quốc gây ra các cuộc đụng độ.

Tin tức về các cuộc đụng độ có nguy cơ làm bùng nổ trào lưu dân tộc chủ nghĩa chống Trung Quốc ở Ấn Độ, vốn đang đỉnh điểm trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Những cuộc đụng độ gây thương vong gần đây làm tăng nguy cơ đối đầu của lực lượng quân đội ngay cả khi lãnh đạo cấp cao không mong muốn.

Các bài bình luận trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh có thể chọn cách giảm bớt những lời kích động dân tộc chủ nghĩa bằng cách kiểm soát chặt chẽ truyền thông trong nước để tránh gây bất ổn và tập trung vào các ưu tiên lớn hơn về tầm chiến lược.

Tuy nhiên, truyền thông Ấn Độ đang đưa hàng loạt tin tức về các cuộc đụng độ biên giới và về cuộc chiến tranh Trung-Ấn năm 1962. Để củng cố cam kết với khu vực, Ấn Độ thông báo đã chuyển bổ sung 1.600 công nhân đến công trường để tiếp tục xây dựng tuyến đường vào ngày 16/6. Ấn Độ cũng đã ban hành tuyên bố cáo buộc chính quyền Trung Quốc đứng đằng sau các cuộc đụng độ.

Tuy không bên nào chịu từ bỏ các dự án quân sự và dân sự đang gây căng thẳng ở khu vực biên giới, mong muốn giữ gìn danh tiếng toàn cầu của Bắc Kinh sẽ khiến họ kiềm chế và xoa dịu tình hình. Còn New Delhi cũng tìm cách cân bằng các mối quan hệ an ninh và kinh tế với Trung Quốc.

Sự gia tăng nguồn lực kinh tế và quân sự của Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh tự tin hơn trong việc khẳng định quyền kiểm soát đa phần dọc biên giới Trung - Ấn, nhưng mong muốn tô vẽ lại và củng cố nhận thức toàn cầu về một Trung Quốc “hiền lành” đang trỗi dậy có thể sẽ khiến Trung Quốc lựa chọn chính sách kiềm chế.

Đối với Ấn Độ, những tính toán chiến lược sẽ khó khăn hơn, bởi vì sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc dọc đường biên giới và vị thế quân sự yếu hơn của Ấn Độ sẽ châm ngòi cho các cuộc tranh cãi trong nước về quỹ đạo của chính sách an ninh Ấn Độ và sự suy giảm an ninh biên giới, cũng như làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng Trung - Ấn và gây tác động đến các quốc gia châu Á khác.

Nguyên Hương

Theo Business Insider



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc đụng độ gây chết người ở biên giới Trung - Ấn có thể đem đến hậu quả khôn lường