Hiệp ước mới ở Thái Bình Dương hứa hẹn sẽ đối đầu với cuộc chiến không giới hạn của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các quốc gia Dân chủ đang đề xuất một hiệp ước mới trên toàn khu vực Thái Bình Dương nhằm tăng cường hợp tác và phát triển trong khu vực để chống lại sức ảnh hưởng của Bắc Kinh và các hoạt động chiến tranh hỗn hợp.

Hiệp ước "Partners in the Blue Pacific" (Đối tác ở Thái Bình Dương Xanh) gồm có các thành viên: Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Nhật Bản, New Zealand và Vương quốc Anh, nhằm cung cấp “sự hợp tác chặt chẽ hơn, có mục đích hơn và tham vọng hơn”.

“Thông thường, các nỗ lực của chúng tôi không được phối hợp chặt chẽ, trong một số trường hợp thì có sự trùng lặp, còn một số trường hợp khác thì lại có khoảng trống", theo một ghi chú của hiệp ước. Điều phối viên Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ Kurt Campbell đã đánh dấu sự hợp tác tại một cuộc họp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế vào ngày 23/6.

Hiệp ước sẽ xem xét việc củng cố Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia và đối thoại thường xuyên giữa các đối tác, đồng thời vạch ra các dự án hiện có và điều phối các dự án trong tương lai để tránh “mất cơ hội”.

Sự phát triển của hiệp ước Đối tác ở Thái Bình Dương Xanh sẽ có sự tham vấn chặt chẽ của các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương và hướng tới các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải (đối phó với đội tàu đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc), y tế, giáo dục và cung cấp khả năng tiếp cận tốt hơn với cơ sở hạ tầng.

Cùng nhau phối hợp để đối phó với 'Vùng xám'

Bà Cleo Paskal, thành viên cấp cao về Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ, đã kêu gọi sự phối hợp giữa quốc gia dân chủ trong việc tận dụng thế mạnh của nhau để đối phó với cuộc chiến không hạn chế hoặc vùng xám của Bắc Kinh trong khu vực.

“Mỗi thành viên của Bộ Tứ QUAD [Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ] đều có hồ sơ theo dõi và khả năng đóng góp độc đáo của riêng họ”, bà viết trên tờ The Australian cùng với ông Anthony Bergin của Viện Chính sách Chiến lược Úc.

“Pháp [cũng] là một quốc gia chủ chốt ở Thái Bình Dương với gần 3.000 nhân viên quốc phòng trong khu vực. Chúng ta cần đưa mối quan hệ của mình đi đúng hướng vì lý do đó".

Nam Thái Bình Dương đã trở thành một điểm nóng của cạnh tranh địa chính trị khi ĐCSTQ đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao để tranh giành ảnh hưởng đối với các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương trong khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tổ chức cuộc gặp với Thủ tướng Samoa Fiame Naomi Mataafa (không có trong hình) sau lễ ký kết thỏa thuận giữa Trung Quốc và Samao tại Apia, Samao, hôm 28/5/2022. (Ảnh: Vaitogi Matafeo/Samoa Ovserver/AFP qua Getty Images)

Chuyến công du gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tới 8 quốc gia trong khu vực đã minh chứng cho xu hướng này, với việc Bộ trưởng ký một loạt các thỏa thuận song phương mới nhằm thắt chặt hợp tác.

Bà Paskal cảnh báo rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh cũng chứng kiến ​​sự suy yếu của các thể chế dân chủ và sự gia tăng của chủ nghĩa độc tài.

“Những vũ khí đó được sử dụng để làm suy yếu quốc gia mục tiêu từ bên trong, chia cắt và tạo ra tình trạng hỗn loạn ở quốc gia mục tiêu khiến quốc gia đó ngày càng giảm năng lực chống chọi với ảnh hưởng của Trung Quốc", bà Paskal trước đây nói với The Epoch Times.

“Quá trình tạo ra sự bất ổn và phân mảnh đó có thể được mô tả là tạo ra trạng thái hỗn loạn (entropy) - về chính trị, xã hội và kinh tế - nơi mọi thứ bắt đầu đổ vỡ. Và trong tình trạng hỗn loạn đó, Trung Quốc có thể tạo ra một trật tự mới với chính họ và các lực lượng ủy quyền ở trung tâm”.

Các thể chế dân chủ sụp đổ

Một ví dụ chính là việc ký kết thỏa thuận an ninh giữa Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare và Bắc Kinh, có thể mở đường cho Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đóng quân, vũ khí và tàu hải quân trong khu vực.

Từ năm 2019, khi Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon quyết định dịch chuyển quan điểm ngoại giao từ Đài Loan sang Bắc Kinh, các vấn đề tham nhũng đã trở nên công khai.

Một báo cáo tiết lộ rằng, 39 trong số 50 thành viên Quốc hội ủng hộ Bắc Kinh đã nhận được các khoản thanh toán từ Quỹ Phát triển Quốc gia hoạt động cùng với Đại sứ quán Trung Quốc.

Lãnh đạo phe đối lập Matthew Wale cũng cáo buộc thủ tướng không cung cấp các dịch vụ cơ bản, tập trung quá mức quyền lực và khai thác ngành công nghiệp gỗ của đất nước này chỉ vì lợi ích của một vài công ty khai thác gỗ và vì túi tiền của mình.

Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare (phải) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đi qua đoàn vệ binh danh dự trong buổi lễ chào đón nguyên thủ quốc gia tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 09/10/2019. (Ảnh: Wang Zhao / AFP qua Getty Images)

Cuối năm ngoái, sự tức giận của người dân địa phương lên đến đỉnh điểm, khiến các cuộc biểu tình đã nổ ra ở thủ đô Honiara nhằm chống lại Thủ tướng Sogavare, dẫn đến ba người thiệt mạng và Khu Phố Tàu bị san phẳng.

“Quý vị bắt đầu nhận thấy sự méo mó này đã tạo ra cơn phẫn nộ trong xã hội. Nếu quý vị xuất thân từ một nền dân chủ, quý vị cho rằng đó là một điều tồi tệ", bà Paskal nói. “Nhưng nếu quý vị chấp nhận tiền đề chiến tranh hỗn loạn này là kết quả mong muốn từ Bắc Kinh, thì quý vị sẽ thực sự muốn tạo ra sự xáo trộn trong xã hội".

“Sau đó, các phần tử lãnh đạo độc tài ngày càng bị cô lập khỏi dân chúng và cộng đồng quốc tế, đồng thời trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh”, bà Paskal cho hay.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Hiệp ước mới ở Thái Bình Dương hứa hẹn sẽ đối đầu với cuộc chiến không giới hạn của Bắc Kinh