H&M lên tiếng sau làn sóng tẩy chay, tuyên bố 20 cửa hàng ở Trung Quốc đã bị đóng cửa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bà Helena Helmersson, Giám đốc điều hành (CEO) của thương hiệu thời trang Thụy Điển H&M cho biết hôm 31/3 rằng, hiện tại ở Trung Quốc đã bị đóng cửa khoảng 20 cửa hàng. Các chuyên gia dự đoán rằng, làn sóng tẩy chay của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ không kéo dài được lâu.

H&M đưa ra tuyên bố mới nhất hôm 31/3 rằng: “Chúng tôi đang cùng với các đồng nghiệp Trung Quốc làm mọi cách có thể để đối phó những thách thức hiện tại… Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng đối với chúng tôi… Ở Trung Quốc và các nơi khác, chúng tôi muốn trở thành một người mua có trách nhiệm, hiện đang xây dựng các chiến lược hướng tới tương lai và tích cực làm việc trên các bước tiếp theo liên quan đến tìm nguồn cung ứng nguyên liệu. Chúng tôi hy vọng sẽ hợp tác với tất cả các bên liên quan để cùng tìm kiếm giải pháp và cùng nhau xây dựng một ngành công nghiệp thời trang bền vững hơn”.

Tuyên bố cho biết: “Là một công ty toàn cầu, chúng tôi tuân thủ luật pháp địa phương và khuôn khổ quy định ở tất cả các thị trường nơi chúng tôi hoạt động. Các giá trị của công ty chúng tôi được xây dựng dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng, chính trực và đối thoại. Chúng tôi muốn tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình và những gì chúng tôi làm tốt nhất – mang thời trang và thiết kế đến với khách hàng trên toàn thế giới”.

Tuyên bố kết luận: “Chúng tôi nỗ lực hết mình để lấy lại niềm tin và sự tin cậy của khách hàng, đồng nghiệp và đối tác kinh doanh tại Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng thông qua nỗ lực chung với các bên liên quan và đối tác, chúng tôi có thể thực hiện các biện pháp để cùng nhau phát triển ngành thời trang cũng như phục vụ khách hàng và và cư xử một cách tôn trọng”.

Tuần trước, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản, một tổ chức thuộc ĐCSTQ, đã công khai chỉ trích tuyên bố ngừng sử dụng bông Tân Cương của H&M vào năm ngoái (2020). Sau đó, một làn sóng tẩy chay đã nổ ra trên Internet ở Trung Quốc: các cửa hàng điện tử, các công ty Taxi và nhiều ứng dụng bản đồ đã xóa mọi thông tin liên quan đến H&M, ngoài ra một số cửa hàng thực tế của H&M còn bị hủy niêm yết hoặc bị đóng cửa.

Về doanh số bán hàng, Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của H&M, chiếm 6% tổng doanh thu.

Theo dữ liệu mà H&M công bố trên trang web chính thức vào tháng 2, tính đến năm 2020, Tập đoàn này đã mở tổng cộng 5.018 cửa hàng tại 74 thị trường trên thế giới, trong đó bao gồm 52 cửa hàng trực tuyến. Tính đến cuối năm 2020, H&M có tổng cộng 445 cửa hàng tại 146 thành phố ở Trung Quốc đại lục.

Khi được hỏi liệu chủ sở hữu Trung Quốc có buộc H&M đóng cửa hay không, bà Helmersson xác nhận rằng, 20 cửa hàng H&M ở Trung Quốc đã bị đóng cửa; nhưng bà từ chối cung cấp lý do chi tiết hoặc thời gian bị đóng cửa cũng như từ chối trả lời vấn đề liệu chuỗi cung ứng của H&M tại Trung Quốc có bị ảnh hưởng hay không.

Mai Hạ

(t/h)



BÀI CHỌN LỌC

H&M lên tiếng sau làn sóng tẩy chay, tuyên bố 20 cửa hàng ở Trung Quốc đã bị đóng cửa