Hoa Kỳ cắt nguồn cung ứng toàn cầu của Huawei, Trung Quốc “trả đũa”

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 15/5, chính quyền Tổng thống Trump đã ra quyết định chặn nguồn cung ứng chip toàn cầu cho “gã khổng lồ” trong danh sách đen - Huawei Technologies.

Theo Reuters, Bộ Thương mại vừa công bố một quy tắc mới cho phép Hoa Kỳ mở rộng quyền hạn để yêu cầu các nhà sản xuất chip theo công nghệ Hoa Kỳ ở các quốc gia khác phải có giấy phép mới được bán chip cho Huawei. Động thái này nhằm tác động đến việc xuất khẩu chip trên diện rộng cho nhà sản xuất điện thoại thông minh số 2 trên thế giới.

“Hành động này thể hiện sự ưu tiên đối với Hoa Kỳ, đối với các công ty của Hoa Kỳ và đối với nền an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”, một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại cho Reuters biết vào ngày 15/5.

Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới, đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Tin tức về động thái trừng phạt công ty Huawei đã tấn công thị trường chứng khoán châu Âu khi các nhà giao dịch bán ra vào ngày tăng giá, và cổ phiếu của các nhà sản xuất thiết bị chip như Lam Research và KLA Corp của Hoa Kỳ lần lượt giảm 6,4% và 4,8% vào cuối ngày.

Trung Quốc đã rất nhanh chóng “trả đũa”. Ngày 15/5, Thời báo Hoàn cầu nói rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng đưa các công ty của Hoa Kỳ vào danh sách “công ty không đáng tin cậy” và tuyên bố đó là một phần của các biện pháp đối phó với lệnh trừng phạt Huawei.

Thời báo Hoàn cầu trích dẫn một nguồn tin rằng các biện pháp đối phó bao gồm mở các cuộc điều tra và áp đặt hạn chế đối với các công ty của Hoa Kỳ như Apple Inc, Cisco Systems Inc và Qualcomm Inc, cũng như đình chỉ mua máy bay của hãng Boeing Co.

Quy tắc của Bộ thương mại có hiệu lực từ ngày 15/5 với thời gian ân hạn 120 ngày. Đây cũng là cú giáng vào Công ty Sản xuất Bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà thầu sản xuất chip lớn nhất và là nhà cung cấp chính của Huawei. TSMC vừa công bố kế hoạch xây dựng nhà máy tại Hoa Kỳ vào ngày 14/5.

Ngày 15/5, TSMC cho biết công ty này sẽ “theo sát sự thay đổi trong quy tắc xuất khẩu của Hoa Kỳ và sẽ thuê dịch vụ tư vấn để tiến hành phân tích pháp lý cũng như đảm bảo sẽ kiểm tra toàn diện và diễn giải đối với các quy tắc này”.

Bộ Thương mại cho biết các quy tắc mới này nhằm ngăn chặn Huawei tiếp tục phá vỡ tình trạng “danh sách đen” của mình, nghĩa là để được bán thiết bị cho Huawei, các nhà cung cấp sản phẩm theo công nghệ tinh vi của Hoa Kỳ phải có giấy phép của chính phủ Hoa Kỳ.

Ngày 15/5, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nói với Fox Business Network rằng: “Hiện tại đang tồn tại một lỗ hổng kỹ thuật rất tinh vi khiến Huawei vẫn có thể sử dụng các thiết bị được sản xuất với công nghệ của Hoa Kỳ”. Ông Ross cho biết nguyên tắc xuất khẩu mới này là “để khắc phục lỗ hổng đó”.

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tư SelectUSA 2018 22/6/2018 tại National Harbor, Maryland. (Ảnh của Win McNamee / Getty Images)
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tư SelectUSA 2018 22/6/2018 tại National Harbor, Maryland. (Ảnh của Win McNamee / Getty Images)

Năm 2019, xuất phát từ những quan ngại về nền an ninh quốc gia, Bộ Thương mại đã đưa Huawei vào ‘danh sách đen’ khi Washington đưa ra cáo buộc rằng “gã khổng lồ” này đã vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran và đồng thời theo dõi thông tin của khách hàng. Huawei đã bác bỏ các cáo buộc này.

Những chính khách không “ưa” Trung Quốc trong chính quyền Tổng thống Trump đã phải thất vọng vì tuy thuộc danh sách đen, Huawei vẫn tiếp cận được nguồn cung ứng thiết bị. Vì thế, họ đã thúc đẩy một biện pháp quyết liệt hơn để làm suy yếu Huawei, dẫn đến việc ban hành quy tắc mới vào ngày 15/5 này.

Luật sư Kevin Wolf ở Washington, một cựu quan chức của Bộ Thương mại, cho biết quy tắc này là sự mở rộng khá phức tạp và mới mẻ để ngăn chặn các doanh nghiệp sản xuất chip bằng công nghệ Hoa Kỳ ở nước ngoài bán sản phẩm cho Huawei. Ông cũng nhấn mạnh rằng các con chip được thiết kế bởi các công ty khác không phải là Huawei và được sản xuất với công nghệ không phải của Hoa Kỳ thì không bị hạn chế bởi quy tắc này.

Theo một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tuy các quy tắc mới áp dụng cho các tất cả các con chip ở bất kể mức độ tinh vi nào, Huawei vẫn có những cơ hội linh hoạt, như việc trước đây công ty này đã được chính quyền Tổng thống Trump nới lỏng trừng phạt đối với một số vấn đề.

Vị quan chức này nói: “Đây là yêu cầu về giấy phép. Không có nghĩa là sẽ bị từ chối. Quy tắc này là để chính phủ Hoa Kỳ kiểm soát tốt hơn các lô hàng xuất khẩu cho Huawei. Hoa Kỳ sẽ xem xét việc áp dụng quy tắc này và theo đó đánh giá về ưu khuyết điểm của nó”.

Sau khi về cơ bản cấm Huawei mua sản phẩm của các nhà cung cấp của Hoa Kỳ, Bộ Thương mại đã cấp giấy phép để một số đối tác lớn nhất của Hoa Kỳ tiếp tục bán hàng cho Huawei, đồng thời cho phép các công ty viễn thông nhỏ hơn ở các miền quê tiếp tục mua thiết bị của Huawei để duy trì hoạt động của hệ thống mạng của họ.

Huawei, công ty cần mua chip bán dẫn cho điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông của mình, thấy rằng họ đang là tâm điểm của cuộc chiến giành quyền thống trị công nghệ toàn cầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, mối quan hệ Mỹ-Trung đã trở nên gay gắt trong bối cảnh đại dịch viêm phổi Vũ Hán gây họa loạn toàn cầu, tàn phá nền kinh tế thế giới và cướp đi bao sinh mệnh con người. Trung Quốc bị cáo buộc đã che đậy thông tin về sự bùng phát cũng như về mức độ nghiêm trọng và quy mô lây lan của dịch bệnh virus Corona Vũ Hán, “diệt khẩu” các bác sĩ và nhà báo đã “thổi còi” cảnh báo về sự bùng phát, lừa dối về nguồn gốc của virus chết người này đồng thời ngăn cản chuyên gia quốc tế đến lấy mẫu để chế tạo vaccine.

Sự kiện do công ty đang vướng phải nhiều bê bối, Huawei, tài trợ bị hủy bỏ
Sự kiện do công ty đang vướng phải nhiều bê bối, Huawei, tài trợ bị hủy bỏ. (Ảnh: Pixabay, Getty Images)

Trong khi thay đổi quy tắc nhằm mục đích trừng phạt Huawei và tấn công các nguồn cung cấp chip cho công ty này, các nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip của Hoa Kỳ có thể phải đối mặt với thiệt hại dài hạn nếu các nhà sản xuất chip phát triển được nguồn thiết bị mới vượt ra ngoài quy tắc của Hoa Kỳ.

Hiện tại, hầu hết các nhà sản xuất chip đều phụ thuộc vào thiết bị được sản xuất bởi các công ty của Hoa Kỳ như KLA, Lam Research và Applied Materials. Những công ty này đã từ chối yêu cầu bình luận.

Theo các nhà phân tích, mặc dù cần phải nhập một số công cụ phức tạp từ các công ty bên ngoài Hoa Kỳ như Tokyo Electron, Hitachi của Nhật và ASML của Hà Lan, dây chuyền sản xuất chip bán dẫn tiên tiến sẽ khó có thể vận hành nếu thiếu thiết bị của Hoa Kỳ.

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi quy tắc mới này là các nhà máy sản xuất chip như TSMC của Đài Loan vì công ty này phải mua công cụ, trong khi các nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ như Qualcomm Inc hay Nvidia Corp vận hành xưởng đúc chip như một phần của chuỗi cung ứng của họ.

John Neuffer, Giám đốc điều hành Hiệp hội Ngành Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ cho biết, quy tắc này có thể tạo ra tình trạng không chắc chắn và gián đoạn cho chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, so với các cách tiếp cận trên diện rộng được xem xét trước đây thì nó dường như ít gây tổn hại hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết động thái này nhằm bảo vệ “sự toàn vẹn của mạng 5G”. Ông cũng nói rằng quy tắc này “giúp ngăn chặn Huawei phá hoại các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ”.

Nguyên Hương

Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

Hoa Kỳ cắt nguồn cung ứng toàn cầu của Huawei, Trung Quốc “trả đũa”