Hoa Kỳ coi binh biến ở Myanmar là 'đảo chính', quyết định cắt giảm viện trợ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Biden khẳng định, sự tiếm quyền của quân đội ở Myanmar "là một cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi của đất nước sang nền dân chủ và pháp quyền".

Ngày 2/2, Hoa Kỳ xác định cuộc tiếp quản quân sự ở Myanmar là một "cuộc đảo chính", dẫn đến việc Hoa Kỳ sẽ cắt viện trợ cho nước này.

Trả lời phóng viên qua điện thoại, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: “Sau khi xem xét cẩn thận các sự kiện và hoàn cảnh, chúng tôi nhận định rằng bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng cầm quyền của Myanmar và ông Win Myint, người đứng đầu chính phủ được bầu hợp lệ, đã bị phế truất trong một cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1/2”.

Cố vấn Quốc gia của Myanmar là bà Suu Kyi đã bị bắt giữ cùng với ông Myint, tổng thống của nước này, vào trước bình minh ngày 1/2, theo đài truyền hình quân sự.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden tiếp tục thúc đẩy quân đội Myanmar trả tự do cho họ và những người bị giam giữ khác "ngay lập tức và vô điều kiện", quan chức Hoa Kỳ nói thêm vào hôm 2/2.

Việc xác định sự việc này là một cuộc đảo chính dẫn đến các hạn chế đối với viện trợ từ Hoa Kỳ cho Myanmar, mặc dù Hoa Kỳ đã cung cấp “rất ít” hỗ trợ vì chính phủ nước này đã bị cấm vận trong quá khứ do hồ sơ nhân quyền của họ.

Quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, nước này có thể sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar

Cố vấn Quốc gia và Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar là bà Aung San Suu Kyi rời đi sau khi viếng người cha quá cố của mình trong buổi lễ kỷ niệm 73 năm Ngày Các Thánh Tử Đạo ở Yangon vào ngày 19/7/2020 (YE AUNG THU/POOL/AFP via Getty Images)
Cố vấn Quốc gia và Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar là bà Aung San Suu Kyi rời đi sau khi viếng người cha quá cố của mình trong buổi lễ kỷ niệm 73 năm Ngày Các Thánh Tử Đạo ở Yangon vào ngày 19/7/2020 (YE AUNG THU/POOL/AFP via Getty Images)

Trong một tuyên bố vào đầu ngày 1/2, ông Biden khẳng định, sự tiếm quyền của quân đội ở Myanmar "là một cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi của đất nước sang nền dân chủ và pháp quyền".

Ông tiếp tục: “Hoa Kỳ đang ghi nhận những người sát cánh cùng người dân Myanmar trong giờ phút khó khăn này. Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác của mình trong toàn khu vực và trên thế giới để hỗ trợ khôi phục nền dân chủ và pháp quyền, cũng như quy trách nhiệm cho những người chịu trách nhiệm về việc đảo lộn quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar".

Tân Tổng thống Mỹ nói thêm: “Hoa Kỳ đã gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Myanmar trong thập kỷ qua dựa trên sự tiến bộ đối với nền dân chủ. Việc đảo ngược tiến độ đó sẽ đòi hỏi phải xem xét ngay lập tức các luật xử phạt và thẩm quyền của chúng tôi, sau đó là hành động thích hợp”.

Bà Suu Kyi đã tái đắc cử vào tháng 11/2020, nhưng hồi tuần này, quân đội Myanmar cáo buộc cuộc bầu cử đã bị vấy bẩn do gian lận, dẫn đến cuộc binh biến.

Myanmar hay còn được gọi là Miến Điện (Burma), là một quốc gia ở Đông Nam Á tiếp giáp với Thái Lan và Ấn Độ, cùng các quốc gia khác. Nước này có dân số khoảng 54 triệu người.

Trước đó vào năm 1988, bà Suu Kyi đã bị giam giữ sau khi giúp Liên đoàn Quốc gia vì nền Dân chủ giành được đa số ghế trong Quốc hội. Quân đội từ chối tuân theo kết quả này và đã quản thúc bà Suu Kyi tại gia trong khoảng 2 thập kỷ.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Hoa Kỳ coi binh biến ở Myanmar là 'đảo chính', quyết định cắt giảm viện trợ