Hoa Kỳ đưa ra đề xuất lịch sử tại LHQ về cuộc đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Hai (26/9), Hoa Kỳ, Anh và một số đồng minh phương Tây đã đưa ra một đề xuất lịch sử, trong đó yêu cầu Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc thảo luận đặc biệt về cuộc đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ và nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương.

Theo tờ Reuters, động thái này sẽ khiến đa số trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (United Nations Human Rights Council - UNHRC) bị chia rẽ.

Các nhà ngoại giao cho biết, dự thảo đề xuất có sự ủng hộ của Hoa Kỳ, Anh, Canada, Thụy Điển, Đan Mạch, Iceland và Na Uy. Đề xuất kêu gọi một cuộc thảo luận về vấn đề Tân Cương tại phiên họp tiếp theo của Hội đồng Nhân quyền, bắt đầu vào tháng 2/2023.

Tờ AFP cho biết, nhiều quốc gia khác dự kiến ​​sẽ tham gia ủng hộ đề xuất này và sẽ được Hội đồng Nhân quyền biểu quyết vào tuần tới. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ đệ trình dự thảo đề xuất chống lại Trung Quốc tại Hội đồng Nhân quyền.

Hãng tin AP cho biết đây là cuộc đối đầu địa chính trị mới nhất giữa phương Tây và Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng gần đây về các vấn đề như Đài Loan. Nếu được thông qua, nó sẽ đánh dấu lần đầu tiên vấn đề nhân quyền của ĐCSTQ chính thức được đưa vào chương trình nghị sự của Hội đồng Nhân quyền.

Trung Quốc có thể tìm cách bác bỏ đề xuất này.

Hội đồng Nhân quyền bao gồm 47 quốc gia thành viên và có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ. Các quốc gia thành viên hiện đang chia rẽ về các cáo buộc vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, trong bối cảnh nước này đang sử dụng mối quan hệ kinh tế sâu sắc với nhiều quốc gia đang phát triển để kêu gọi họ ủng hộ vấn đề này.

Các cuộc thảo luận ngoại giao căng thẳng trong phiên họp của Hội đồng Nhân quyền đã tiếp tục diễn ra kể từ khi Liên Hợp quốc công bố một báo cáo vào cuối tháng trước chỉ ra những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Tân Cương có thể dẫn đến tội ác chống lại loài người.

Đại sứ Anh Simon Manley nói với Hội đồng Nhân quyền hôm thứ Hai (26/9) rằng: “Chúng ta không thể phớt lờ những hành vi vi phạm nhân quyền có hệ thống và thô bạo như vậy".

Một vố đau cho ĐCSTQ

Báo cáo về tình trạng nhân quyền ở Tân Cương được Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet công bố 13 phút trước khi rời nhiệm sở vào hôm 31/08/2022, mang lại một vố đau cho Trung Quốc.

Báo cáo nói rằng ĐCSTQ đã "vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" và "phạm tội ác chống lại loài người" đối với người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng chủ yếu là người Hồi giáo với lý do "chống khủng bố" và "chống chủ nghĩa cực đoan". Cái gọi là “chiến lược chống khủng bố” và các “chính sách” liên quan này đã dẫn đến một loạt các vấn đề nhân quyền và tạo ra phản ứng dây chuyền trên khắp thế giới.

Bản báo cáo dài 48 trang tiết lộ chi tiết rằng các “trung tâm giáo dục và đào tạo nghề” về cơ bản là nhằm giám sát quy mô lớn đối với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương.

Báo cáo cũng cho thấy các vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác về tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ, quyền riêng tư, quyền tự do đi lại, quyền sinh sản, lao động cưỡng bức, chia rẽ gia đình, bị trả thù vì phát ngôn trước công chúng. Các phương tiện bạo lực là toàn diện và có hệ thống.

Trung Quốc kiên quyết phủ nhận cáo buộc

Trung Quốc đã kiên quyết phủ nhận mọi hành vi vi phạm và đã cử một phái đoàn chính phủ tới Geneva để bác bỏ những gì họ cho là phát hiện sai trái của Liên Hợp quốc, nói rằng họ sẵn sàng đáp trả.

Phát biểu trước khi báo cáo được công bố, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc tại New York, ông Zhang Jun, cho biết Bắc Kinh đã nhiều lần lên tiếng phản đối. Ông nói rằng trưởng ban nhân quyền của Liên Hợp Quốc không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

"Cái gọi là vấn đề Tân Cương chỉ là lời dối trá được thêu dệt từ các động cơ chính trị, với mục đích phá hoại sự ổn định của Trung Quốc và cản trở Trung Quốc phát triển", ông Zhang nói.

Ông nói: “Chúng tôi không nghĩ rằng nó sẽ mang lại lợi ích cho bất kỳ ai, nó chỉ đơn giản làm suy yếu sự hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và một quốc gia thành viên".

Reuters đưa tin vào tháng Tám rằng Trung Quốc đã yêu cầu bà Bachelet "không công bố" bản báo cáo, theo một bức thư Trung Quốc được các nhà ngoại giao xác nhận.

“Bước đi khiêm tốn nhưng cần thiết này sẽ mang lại một đánh giá rất cần thiết về các hành vi ngược đãi sâu rộng của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương, mà Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp quốc gần đây đã phát hiện có thể tăng lên mức tội ác chống lại loài người", ông John Fisher Giám đốc Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) cho hay.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hoa Kỳ đưa ra đề xuất lịch sử tại LHQ về cuộc đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ