Hoa Kỳ mạnh mẽ lên án Bắc Kinh và WHO trong buổi họp thường niên của LHQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoa Kỳ lên án mạnh mẽ Bắc Kinh vì đã che đậy thông tin về virus Corona Vũ Hán, và đồng thời cũng chỉ trích sự yếu kém của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong cuộc họp thường niên của Liên Hợp Quốc.

Vào ngày 18/5, trong buổi họp trực tuyến của Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA - cơ quan đưa ra quyết định tối cao của WHO), Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Dân sinh Hoa Kỳ Alex Azar đã [đưa ra lời] chỉ trích về “một nỗ lực quá rõ ràng nhằm che đậy sự bùng phát dịch bệnh bởi ít nhất một quốc gia thành viên”, mặc dù ông đã không trực tiếp nhắc đến cái tên Trung Quốc.

Ông cũng nêu rõ rằng WHO, bằng cách lặp lại các thông tin mà Trung Quốc đưa ra, đã góp phần khiến cho dịch bệnh sau đó trở nên không thể kiểm soát.

Ông cho biết: “Chúng ta nhất định phải thẳng thắn về một trong những nguyên nhân chính đã khiến cho dịch bệnh này vượt khỏi tầm kiểm soát. Tổ chức này đã thất bại trong việc thu thập các thông tin quan trọng, và cái giá của sự thất bại này là vô số mạng người”.

Sau cuộc họp, Tổng thống Trump trả lời với các phóng viên rằng ông đã quyết định không phát biểu trong buổi họp. Ông cũng nói thêm rằng WHO đã xử lý sự khủng hoảng dịch bệnh này một cách “vô cùng tồi tệ”, và WHO là “một con rối của Trung Quốc”.

Trước buổi họp, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố sẽ bắt đầu một cuộc đánh giá độc lập về cách mà tổ chức này đã phản ứng với dịch bệnh “tại thời điểm thích hợp sớm nhất”.

Trong bài phát biểu tại buổi khai mạc cuộc họp, Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho biết chính quyền Trung Quốc sẽ hỗ trợ một “cuộc khảo sát toàn diện” về năng lực của các quốc gia thành viên trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), với điều kiện là quy trình phải được WHO kiểm soát.

Ông Azar trả lời rằng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ “một cuộc đánh giá độc lập nhằm khảo sát tất cả các yếu tố của WHO khi đối mặt trước đại dịch toàn cầu”, và các hành vi của Trung Quốc cũng cần phải xem xét.

Ngoài ra trước đó, một nghị quyết đã được soạn thảo bởi Liên minh Châu Âu, nhằm kêu gọi một cuộc đánh giá độc lập về năng lực của WHO. Lời kêu gọi này [có khả năng cao] sẽ nhận được sự đồng thuận của tất cả 194 thành viên quốc gia của WHO, và dự kiến sẽ được thảo luận và thông qua vào ngày 19/5. Theo ABC, kênh truyền thông của Úc, nội dung nghị quyết này không đề cập cụ thể đến Trung Quốc hay Vũ Hán, nhưng kêu gọi WHO làm việc với Tổ chức Thú y Thế giới để điều tra về nguồn gốc của virus Corona Vũ Hán.

Trong buổi họp, ông Tập đã tìm cách nhấn mạnh các nỗ lực chống dịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và cam kết sẽ đóng góp 2 tỷ đô-la Mỹ cho Liên Hợp Quốc nhằm hỗ trợ [công tác] phòng chống dịch bệnh. Ông cũng lên tiếng bảo vệ cho chính quyền Trung Quốc: “Ngay từ ban đầu, chúng tôi đã hành động với sự cởi mở, tính minh bạch và tinh thần trách nhiệm”.

Ông Azar, phát biểu vài giờ sau ông Tập, cho biết Hoa Kỳ đã đóng góp 9 tỷ đô-la Mỹ cho các nỗ lực ngăn chặn virus trên toàn thế giới. Hoa Kỳ, nhà tài trợ lớn nhất của WHO, tháng trước đã tạm đóng băng khoản hỗ trợ tài chính dành cho WHO và cân nhắc [thật sự chấm dứt các khoản hỗ trợ này] trong tương lai, lý do là vì WHO đã quá hậu thuẫn Bắc Kinh.

Bà I-wei Jennifer Chang, nghiên cứu sinh của viện nghiên cứu chính sách Global Taiwan Institute tại Washington, trả lời với The Epoch Times qua email: “Các cam kết đóng góp của Bắc Kinh là một phần trong chiến dịch của chính quyền Trung Quốc nhằm ‘chuyển hướng dư luận từ việc Trung Quốc là nơi khởi nguồn của chủng virus Corona mới, trở thành Trung Quốc là quốc gia hàng đầu hỗ trợ thế giới’ [chống dịch]”.

Bà Chang cho biết: “Trung Quốc đang tìm cách để đóng một vai trò chủ chốt trong việc đơn giản hóa [vấn đề], và phối hợp toàn cầu trong việc phòng chống đại dịch, nhằm vượt qua vị thế của Washington đối với thế giới tại thời điểm hiện tại”.

Tổ chức WHO bị chỉ trích gắt gao vì đã lặp lại công bố chính thức của ĐCSTQ, rằng chủng virus mới có rất ít hoặc không có khả năng lây nhiễm từ người sang người trong thời gian đầu đại dịch bùng phát ở Trung Quốc. Tuy nhiên, các bằng chứng sau đó, bao gồm từ những tài liệu nội bộ của ĐCSTQ bị rò rỉ ra ngoài, cho thấy chính quyền này biết rất rõ tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh và đã cố tình che giấu nó.

Các quan chức cấp cao của WHO đã liên tục ca ngợi những quan chức của ĐCSTQ và khẳng định rằng những xử lý ban đầu của Trung Quốc trước đại dịch là “chuẩn mực” để cho các nước khác tham khảo.

Giám đốc WHO, ông Ghebreyesus đã lên tiếng bảo vệ tổ chức: “Chúng tôi đã cảnh báo từ sớm, và chúng tôi cũng đã cảnh báo thường xuyên”.

Trước đó, vào ngày 18/5, ủy ban kiểm soát nội bộ của WHO bao gồm 7 thành viên, đã công bố một báo cáo khảo sát các phản ứng của ủy ban trong đại dịch COVID-19. Bản báo cáo cho rằng WHO đã “khẳng định được [vai trò] lãnh đạo” đối với việc phòng chống đại dịch trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2020.

Báo cáo ghi rằng: “Các thông tin ban đầu về tỷ lệ tử vong, mức độ nghiêm trọng và khả năng gây bệnh được cung cấp bởi Trung Quốc, đã phản ánh ra một bức tranh không hoàn hảo về đại dịch, dù vậy [điều này] đã được Ban thư ký WHO cập nhật sau chuyến thăm thực địa đến Vũ Hán vào ngày 20 và 21/1. Việc thông tin ban đầu bị thiếu sót và phải được cập nhật thêm không phải là điều bất thường trong giai đoạn đầu khi một chủng virus mới xuất hiện”.

Các thành viên của ủy ban cho rằng một cuộc đánh giá độc lập nhằm khảo sát năng lực của WHO “có thể mang lại kết quả hữu ích”, nhưng cũng cảnh báo rằng việc tiến hành khảo sát “tại thời điểm quan trọng này, dù chỉ thực hiện với giới hạn nhất định, cũng có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả [trong công tác] phòng chống dịch của WHO tại thời điểm hiện tại”.

Bà Chang cho biết ĐCSTQ có khả năng sẽ “không chấp thuận, hoặc tìm cách làm cho việc khảo sát nguồn gốc virus của WHO trở nên phức tạp hơn, nhằm đánh lạc hướng dư luận trong nước về những chỉ trích toàn cầu nhắm vào đại dịch”.

Đài Loan

Bộ trưởng Y tế Đài Loan Chen Shih-chung (giữa) sau cuộc họp báo vào ngày 21/5/2018 tại Geneva. Đài Loan cáo buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chịu khuất phục trước áp lực chính trị từ Bắc Kinh không để Đài Loan tham gia vào một cuộc họp quốc tế thảo luận về một loạt các vấn đề y tế toàn cầu. (Ảnh: FABRICE COFFRINI / AFP / Getty Images)

Khi cuộc họp của WHA bắt đầu, nhiều quốc gia thành viên đã nhất trí việc hoãn quyết định cấp chứng nhận “quan sát viên của WHO” cho Đài Loan cho đến cuối năm nay, nhằm tránh làm lạc hướng dư luận khi đang tập trung vào đại dịch.

Hoa Kỳ và một nhóm các nước thành viên khác đã bắt đầu một chiến dịch trước cuộc họp nhằm thúc đẩy sự công nhận quyền tự trị của Đài Loan, cho rằng việc không công nhận Đài Loan đã cản trở những nỗ lực toàn cầu trong việc phòng chống dịch bệnh. ĐCSTQ đã luôn coi Đài Loan là một phần trong lãnh thổ Trung Quốc, và đã ngăn chặn không cho Đài Loan có một vị trí trong WHA kể từ khi Tổng thống Thái Anh Văn đắc cử vào năm 2016.

Ông Azar đã nói trong buổi họp: “WHO đã không cho Đài Loan tham gia vào tổ chức này vào năm 2016, chỉ vài tháng sau cuộc bầu cử tự do và công bằng của Đài Loan. Tất cả 23 triệu người Đài Loan không thể là vật hy sinh chỉ vì một thông điệp chính trị”.

Trong một tuyên bố vào ngày 18/5, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết ông Ghebreyesus “đã có tất cả quyền lực hợp pháp và tiền lệ” để cho phép Đài Loan tham dự vào hội nghị.

Ông nói: “Thay vào đó, ông ta đã không đưa ra lời mời với Đài Loan, dưới áp lực của Công hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa. Sự phụ thuộc của vị tổng giám đốc này đã ngăn cản sự giúp đỡ của Đài Loan, vốn nổi tiếng với các chuyên gia hàng đầu về phòng chống dịch bệnh, hơn nữa [điều này] đã gây ảnh hưởng đến uy tín và hiệu quả của WHO tại thời điểm cả thế giới cần họ nhất”.

Quang Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hoa Kỳ mạnh mẽ lên án Bắc Kinh và WHO trong buổi họp thường niên của LHQ