Hoa Kỳ mạnh tay phê chuẩn lệnh cấm tài trợ cho phòng thí nghiệm Vũ Hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ủy ban Phân bổ ngân sách Hạ viện đã thông qua một lệnh cấm gửi tiền tài trợ cho Viện Virus học Vũ Hán, phòng thí nghiệm của Trung Quốc là tâm điểm của tranh cãi về nguồn gốc loại virus gây ra đại dịch COVID-19.

Trong một cuộc bỏ phiếu bằng miệng (voice vote) hôm 30/06, các thành viên của Ủy ban đã thông qua một sửa đổi ngân sách tài khóa 2023 (pdf)) loại trừ dứt khoát bất kỳ khoản tài trợ nào cho phòng thí nghiệm Vũ Hán. Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ lập luận, đây chính là khởi nguồn gây ra đại dịch virus Vũ Hán, mầm bệnh gây ra bệnh COVID-19.

“Không có quỹ nào trong Đạo luật này sẽ tài trợ cho Viện Virus học Vũ Hán, hoặc bất kỳ phòng thí nghiệm nào khác đặt tại một quốc gia được Ngoại trưởng Hoa Kỳ xác định là một đối thủ ngoại quốc, trong đó có Trung Quốc, Nga, Bắc Hàn, và Iran", bản sửa đổi do Chủ tịch Ủy ban Phân bổ ngân sách Rosa DeLauro (Dân Chủ-Connecticut) đề nghị cho hay.

Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện đã thông qua dự luật về Lao động, Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Giáo dục, và Các Cơ quan Liên quan trong tài khóa 2023, với nội dung sửa đổi, theo một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 32-24. Dự luật này hiện phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu ở lưỡng viện trước khi đến bàn làm việc của tổng thống để ký thông qua.

Trong khi ủy ban này cho biết trong một tuyên bố rằng sửa đổi của bà DeLauro đã tạo ra những thay đổi về mặt “kỹ thuật và không gây tranh cãi” đối với dự luật, thì việc đưa cơ sở Vũ Hán vào là đáng chú ý. Bởi vì điều này gửi một tín hiệu cho thấy rằng các nhà lập pháp đang hòa vào cuộc tranh cãi xung quanh việc tiền nộp thuế của người Mỹ được chuyển đến phòng thí nghiệm này.

Hành động này được tổ chức bất vụ lợi của Dự án White Coat Waste Project (WCW) ca ngợi, trong một tuyên bố cho biết “đạo luật lịch sử” này một phần là nhờ có những nỗ lực vận động hành lang và điều tra của WCW về những gì tổ chức này mô tả là “các thí nghiệm tàn nhẫn và lãng phí trên động vật ở các quốc gia được coi là ‘đối thủ ngoại quốc’”.

Tổ chức bất vụ lợi này cũng nói rằng “phần lớn người Mỹ muốn dừng tài trợ cho các phòng thí nghiệm động vật do các đối thủ của chúng ta điều hành,” viện dẫn một cuộc thăm dò cho thấy 64% người Mỹ ủng hộ quan điểm này.

Theo WCW, hiện có 32 phòng thí nghiệm động vật ở Nga và Trung Quốc đủ điều kiện để nhận tiền nộp thuế của người Mỹ.

Hình ảnh chụp từ trên không cho thấy phòng thí nghiệm P4 tại Viện Virus học Vũ Hán ở Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc vào ngày 17/04/2020. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Tranh cãi về tài trợ của phòng thí nghiệm Vũ Hán

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã trao tổng cộng 1.1 triệu USD cho Viện Virus học Vũ Hán (WIV) từ tháng 10/2009 đến tháng 05/2019, cơ quan này thừa nhận trong một bức thư hồi tháng 05/2021 (pdf) gửi Dân biểu Guy Reschenthaler (Cộng Hòa-Pennsylvania).

Ông Reschenthaler cáo buộc rằng số tiền tài trợ được sử dụng cho một nghiên cứu sử dụng nghiên cứu tăng cường chức năng để tạo ra “một loại virus lai tạo, nhân tạo bằng cách chèn một protein có gai từ một loại virus corona hoang dã vào khung của virus SARS-CoV thích nghi với chuột, có thể lây nhiễm qua đường hô hấp của con người”.

Cơ quan này cho biết các khoản tiền được chuyển thông qua tổ chức EcoHealth Alliance và nhằm mục đích thúc đẩy nghiên cứu về các loại virus trọng yếu có thể gây ra mối đe dọa cho con người. Cơ quan cũng phủ nhận tuyên bố rằng số tiền được sử dụng cho nghiên cứu tăng cường chức năng, nhằm tìm cách tăng khả năng sát thương của virus.

Cơ quan này cho biết trong bức thư, “USAID chưa bao giờ ủy quyền hoặc tài trợ cho bất kỳ công việc nào nhằm mục đích tăng khả năng của các tác nhân lây nhiễm gây bệnh bằng cách nâng cao khả năng gây bệnh hoặc bằng cách tăng khả năng lây truyền của nó (nghiên cứu được gọi là nghiên cứu “Tăng cường Chức năng”) tại WIV”.

Hồi tháng 02/2021, ông Reschenthaler đã giới thiệu một dự luật nhằm cấm tài trợ cho EcoHealth Alliance, được chuyển đến Ủy ban Giám sát và Cải cách Hạ viện và bị trì hoãn ở đó.

Nhà virus học Trung Quốc Thạch Chính Lệ bên trong phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán, Trung Quốc, hôm 23/02/2017. (Ảnh: Johannes Eisele/AFP qua Getty Images)

‘Ưu thế về bằng chứng’ đối với vụ rò rỉ phòng thí nghiệm

Hồi tháng 08/2021, một báo cáo của các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa đã ghi nhận một “ưu thế về bằng chứng” cho giả thuyết lập luận rằng virus gây ra đại dịch COVID-19 bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Các quan chức Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc rò rỉ phòng thí nghiệm nói trên, khẳng định virus này đã có một sự thay đổi đột ngột tự nhiên từ động vật sang người.

Dân biểu Mike McCaul (Cộng Hòa-Texas), cho biết trong lời khai trước Tiểu ban đặc biệt của Đảng Cộng Hòa về Virus Corona rằng bằng chứng chỉ ra một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm có khả năng là nguồn gốc gây ra virus này, khi nói rằng “đã đến lúc loại bỏ hoàn toàn [giả thuyết] chợ thực phẩm tươi sống là nguồn gốc của đợt bùng phát” và “ưu thế về bằng chứng cho rằng nó đến từ phòng thí nghiệm là rất thuyết phục”.

Sau đó các cơ quan tình báo Hoa Kỳ cho biết trong một báo cáo rằng nguồn gốc tự nhiên và vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm đều là giả thuyết hợp lý về nguồn gốc của đại dịch, nhưng việc thiếu bằng chứng nên không thể đưa ra một kết luận chính xác.

Ông McCaul đã lặp lại ý kiến đó trong lời khai của mình.

Ông nói: “Thật không may, chúng ta có thể không bao giờ biết chắc chắn vì ĐCSTQ đã nỗ lực rất nhiều để che đậy sự bùng phát này. Họ giam giữ các bác sĩ để bịt miệng họ. Họ đã khiến các ký giả biến mất. Họ đã tiêu hủy các mẫu thí nghiệm. Họ giấu giếm việc có bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người. Và họ đã từ chối cho phép một cuộc điều tra thực sự về nguồn gốc virus”.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hoa Kỳ mạnh tay phê chuẩn lệnh cấm tài trợ cho phòng thí nghiệm Vũ Hán