Hoa Kỳ nên triển khai quân để bảo vệ Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, chính quyền Trung Quốc liên tục gây hấn với Đài Loan, dưới góc độ phân tích của mình, chúng ta hãy tìm hiểu quan điểm của chuyên gia Anders Corr về việc Hoa Kỳ nên triển khai quân đến Đài Loan.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đang có chuyến công du để gặp gỡ các đồng minh của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á và điều quan trọng nhất sẽ là làm thế nào để thực hiện mục tiêu trọng tâm của Tổng thống Biden đối với các đối tác trong việc kiềm chế sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như tránh những mối đe dọa gây chiến ngông cuồng của Bắc Kinh đối với Nhật Bản, Philippines, Úc và thậm chí cả Hoa Kỳ. Nếu Tổng thống Biden nghiêm túc trong việc bảo vệ mục tiêu có khả năng xảy ra nhất là Đài Loan thì ông sẽ cho triển khai quân đội Hoa Kỳ tại đó làm lực lượng phòng thủ và hợp tác chặt chẽ với nước này thông qua trao đổi quân sự và cung cấp nhiều vũ khí quân sự hơn.

Hoạt động tự do hàng hải trước đây của Hoa Kỳ tại eo biển Đài Loan đã không ngăn được hành động xây dựng quân sự của Trung Quốc chống lại quốc đảo Đài Loan dân chủ. Trong một bản tin ngày 26/7 về chuyến viếng thăm của ông Bộ trưởng quốc phòng Austin đến khu vực này, Reuters tường thuật: “Mặc dù hải quân Hoa Kỳ đã duy trì một mô hình ổn định về tự do hàng hải trên Biển Đông và khu vực gần Đài Loan nhưng những hành động này dường như không ngăn cản được Bắc Kinh".

Một số người cho rằng, đối với Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống Biden chỉ nói mà không hành động. Ông Abraham Denmark, cựu Phó trợ lý bộ trưởng Bộ quốc phòng phụ trách khu vực Đông Á, đã phát biểu rằng Washington nói về “mọi thứ đều đúng khi cạnh tranh” với Trung Quốc nhưng có những nghi vấn về cách làm thế nào có thể “biến lời nói thành hành động". Sự tê liệt của Hoa Kỳ khi nói về mối đe dọa của Trung Quốc có thể là tai hại.

Cấp bách nhất là làm thế nào để phối hợp với các đồng minh, bao gồm Nhật Bản, để đối đầu với cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc. Các chuyên gia như Ian Easton, tác giả của cuốn sách “Mối đe dọa xâm lược của Trung Quốc: Sự phòng thủ của Đài Loan và chiến lược của Hoa Kỳ tại Châu Á", viết rằng cuộc xâm lược này có thể có lên tới 2,25 triệu quân Trung Quốc được điều ra những chiếc tàu quân sự và cả tàu dân sự trá hình. Và, điều này có thể xảy ra trong vòng không đầy 5 năm nữa.

Giáo sư James Kraska, người được bổ nhiệm kép tại trường Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ và trường Luật Harvard, nhấn mạnh việc hợp tác với các nước đồng minh và cung cấp khí tài cho Đài Loan. Ông viết trong một email rằng, “Được điều hành bởi nền thể chế pháp trị, Hoa Kỳ và Đài Loan chia sẻ mối quan hệ tự nhiên vì trật tự quốc tế ổn định. Để tăng cường mối quan hệ này, Hoa Kỳ có quyền toàn diện trong việc thực hiện Đạo luật Quan hệ Đài Loan là cung cấp ‘thiết bị và dịch vụ quốc phòng’ cho mục đích tự vệ của Đài Loan.

Ông Kraska nhấn mạnh rằng “với những tuyên bố gần đây của các quan chức Nhật Bản, đã xuất hiện một bộ ba phòng thủ thực thụ nhằm ngăn chặn sự việc thay đổi bằng vũ lực trong hiện trạng.”

Ông Easton đã viết ra ba khuyến nghị hàng đầu nếu chính phủ Hoa Kỳ “nghiêm túc về vấn đề bảo vệ Đài Loan, hoặc, tốt hơn là ngăn chặn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tấn công trước". Ông đã viết trong một email như sau:

“(1) Điều tất cả những tướng lĩnh và đô đốc hàng đầu của Hoa Kỳ chịu trách nhiệm tham mưu cho Tổng thống và đưa ra các phương án quân sự đối với Đài Loan. Họ sẽ gặp gỡ các đối tác quân sự địa phương Đài Loan và tận mắt quan sát tất cả địa hình thời chiến có liên quan. Họ sẽ thực hiện lại việc đó vào năm sau và năm sau nữa. Hoặc thậm chí mỗi 6 tháng một lần. Điều này có thể làm trong bí mật.

Tuy nhiên, việc công khai minh bạch có thể áp dụng ở một mức độ nào đó để phát đi thông điệp về sự quyết tâm và ý chí chính trị, khiến cho Bắc Kinh phải cân nhắc về hậu quả của việc tấn công.

“(2) Yêu cầu Hạm đội 7 Hoa Kỳ và các lực lượng liên hợp liên quan khác tiến hành các cuộc tập trận cao cấp thường xuyên với đối tác Đài Loan. Chúng ta đã thực hiện những cuộc tập trận song phương lớn với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Không ai trong số họ phải đối mặt với sự đe dọa nghiêm trọng như Đài Loan.

“(3) Điều hàng trăm Thuỷ quân lục chiến và Lực lượng Đặc biệt tới Đài Loan theo sự luân chuyển dài hạn để phục vụ với vai trò là lực lượng huấn luyện, cố vấn và sĩ quan liên lạc. Điều một tiểu đoàn hoặc lữ đoàn cơ giới hoặc thiết giáp tới Đài Loan để phục vụ với vai trò bộ ba chiến lược. Về mặt lịch sử, điều này đã làm nên điều kỳ diệu tại những điểm nóng khác. Điều các sĩ quan và hạ sĩ quan đến học tại trường Đại học Quốc phòng Đài Loan và các trường chỉ huy ở Đài Loan. Đào tạo họ bằng tiếng Quan thoại (đặc biệt là thuật ngữ quân sự địa phương) để họ trở thành những chuyên gia về lịch sử và văn hoá Đài Loan. Các chương trình đào tạo ngắn hiện tại Lầu Năm Góc hoàn toàn không đủ. Chúng ta phải mất một thời gian dài trên nền tảng xây dựng niềm tin, phát triển chuyên môn, tạo ảnh hưởng và tác động đến sự thay đổi thực sự.

Sự thất bại của Hoa Kỳ và các đồng minh dân chủ trong việc ngăn chặn mối đe dọa quân sự của Trung Quốc chống lại các nước dân chủ và đồng minh trong khu vực, một trò chơi thất bại mới đây đối với Đài Loan, cũng như vấn đề lớn hơn là sự trỗi dậy vững chắc của ĐCSTQ, và sự mở rộng lãnh thổ của họ kể từ khi thành lập vào năm 1921 và cai trị Trung Quốc từ năm 1949, rất tiếc là đã không khơi dậy sự tin cậy vào vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ phải bù đắp thời gian mất mát, phối hợp chặt chẽ hơn giữa lực lượng quân sự Hoa Kỳ và Đài Loan, và triển khai lực lượng phòng thủ Hoa Kỳ tại Đài Loan, cũng như tại Hàn Quốc Và Nhật Bản. Đài Loan là một nền dân chủ có chủ quyền xứng đáng được sự ủng hộ, tình hữu nghị và phòng thủ quân sự đầy đủ của chúng ta. Đây là điều tối thiểu mà các nước dân chủ nên làm cho nhau khi đối mặt với một cường quốc quân sự hung hãn như Trung Quốc.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).

Diệp Thanh

Theo The Epoch Times

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Hoa Kỳ nên triển khai quân để bảo vệ Đài Loan