Hoạt động của Nga tại Bắc Cực khiến phương Tây lo ngay ngáy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thế giới đang bị phân tâm bởi cuộc chiến tại Ukraine, vốn chỉ là một phần trong chiến lược chính trị và quân sự tổng thể của Nga. Moscow đang tích cực xây dựng thế trận ở Bắc cực, cố gắng giành ưu thế so với phương Tây.

Khoảng 25 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, mục tiêu của Nga là loại bỏ ảnh hưởng dân chủ của phương Tây trên một số khía cạnh, bao gồm an ninh toàn cầu, pháp quyền và thương mại toàn cầu. Chiến lược An ninh Quốc gia Nga năm 2020 đã xác định “đưa Liên bang Nga trở thành một cường quốc thế giới”. Để đạt được mục tiêu này, Moscow đang áp dụng một loạt chính sách và năng lực trong các lĩnh vực quân sự, chính trị và kinh tế. Việc mở rộng sang Bắc Cực là một thành phần quan trọng trong chiến lược cấp nhà nước của Nga, có khả năng mang lại lợi ích to lớn cho nước này cả về quân sự và kinh tế.

“Trong những năm gần đây, Nga đã thay đổi động lực hợp tác về các vấn đề Bắc Cực và hiện đe dọa đến hòa bình và ổn định ở đó, cũng như ở châu Âu”, ông Gregory Pollock, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc chịu trách nhiệm về các vấn đề Bắc Cực, nói với tổ chức Wilson Center vào ngày 25/10.

Bắc Cực rất hấp dẫn đối với Nga

Ở Bắc Cực, Nga đã trực tiếp kiểm soát Cộng hòa Sakha, Arkhangelsk và Murmansk; cũng như gián tiếp kiểm soát các khu vực tự trị gồm Krasnoyarsk Krai, Nenets, Yamal-Nenets và Chukchi. Bắc Cực rất giàu khoáng sản và các nguồn tài nguyên khác, bao gồm 70% lượng khí đốt tự nhiên chưa được khai thác của thế giới.

Ngoài các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, việc kiểm soát Bắc Cực cũng sẽ mang đến cho Nga các cảng biển trọng yếu. Bằng cách khôi phục Tuyến đường Biển Phương Bắc (NSR) từ châu Âu đến châu Á, Nga hy vọng có thể vận chuyển hàng hóa Trung Quốc đến châu Âu và vận chuyển năng lượng đến châu Á. Về mặt chiến lược, việc có được Bắc Cực sẽ cung cấp cho Nga một điểm tựa vững chắc trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Mỹ và các đồng minh NATO của Mỹ. Bắc Cực sẽ giúp Nga có được một căn cứ an toàn cho hạm đội tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN) trên Bán đảo Kola và đảm bảo khả năng tiếp cận Bắc Đại Tây Dương và khu vực Bắc Cực thuộc châu Âu.

Tức thời hơn, NSR sẽ giúp Nga né được các biện pháp trừng phạt của phương Tây bằng cách xuất khẩu dầu khí trong khi nhập khẩu hàng hóa từ châu Á. Khu vực này cũng được đánh giá là một hành lang chiến lược tiềm năng giữa Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, châu Âu và Nga.

Tất cả những điều kể trên khiến Bắc Cực trở nên rất hấp dẫn trong con mắt người Nga. Sự bành trướng của Nga tại khu vực này sẽ đe dọa lợi ích của Mỹ và NATO. Yêu sách của Nga về tài nguyên ở Bắc Cực mâu thuẫn với yêu sách của Canada và Đan Mạch. Hoạt động quân sự hóa của Nga ở Bắc Cực đe dọa NATO; các cuộc tập trận quân sự của Nga đã khiến Hải quân và Không quân Mỹ gần Alaska phải lo lắng. Việc giám sát và liên lạc thông tin bằng radar lưỡng dụng, cũng như máy bay không người lái, đang được thiết lập trong khu vực; chúng có thể được sử dụng để tấn công Mỹ hoặc châu Âu. Có khả năng Nga sẽ không cho phép các lực lượng của Mỹ/NATO tiếp cận vùng biển xung quanh Bán đảo Kola; và Nga có thể triển khai các SSBN của họ ở khu vực khoảng trống Greenland - Iceland - UK [ở Bắc Đại Tây Dương], qua đó làm gián đoạn tuyến liên lạc trên biển của NATO đến các nhóm tác chiến tàu sân bay của họ.

Mỹ là một trong tám quốc gia thuộc Hội đồng Bắc Cực (Arctic Council); những nước khác gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga và Thụy Điển. Ngoại trừ Nga, mọi thành viên còn lại đều thuộc/sắp sửa thuộc NATO (Thụy Điển và Na Uy đã đăng ký làm thành viên NATO vào tháng trước) và tất cả họ đều có quyền lợi nhất định nếu hạn chế được sự bành trướng của Nga trong khu vực. Kể từ cuộc xâm lược Ukraine, các thành viên khác trong Hội đồng Bắc Cực đã nhận ra mối đe dọa ngày càng lớn mạnh mà Nga tạo ra ở Bắc Cực. Họ đang chia sẻ thông tin tình báo về hoạt động của Moscow trong khu vực.

Nếu chiến tranh xảy ra

Nga đang tập trung nhiều hơn vào kịch bản nội chiến và chiến tranh láng giềng trên bộ, vì nước này có nhiều đường biên giới trên bộ hơn Mỹ. Nga giáp với 14 quốc gia, bao gồm cả các thành viên NATO. Ngược lại, Mỹ chỉ có 2 biên giới đất liền, cả hai đều có thể không cần phải bảo vệ. Do đó, Washington có thể tập trung phần lớn chi tiêu, lập kế hoạch và huấn luyện vào các kịch bản liên quan đến chiến tranh ở nước ngoài. Các lực lượng của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản được bố trí gần vùng Viễn Đông của Nga. NATO và Mỹ ở Bắc Đại Tây Dương và Alaska đang trực tiếp chú tâm đến khu vực Bắc Cực thuộc Nga.

Mỹ dẫn đầu trong hầu hết mọi chỉ số về hỏa lực hải quân, chẳng hạn như tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu ngầm tấn công/tên lửa dẫn đường, tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu khu trục nhỏ. Nga đang dẫn đầu về số lượng tàu đổ bộ với 49 chiếc - nhiều hơn so với 31 chiếc của Mỹ. Một điểm yếu lớn của Mỹ tại Bắc Cực là Nga có 40 tàu phá băng quân sự, trong khi Mỹ chỉ có 2 chiếc, cả hai đều do Lực lượng Bảo vệ Biển vận hành và đang gần hết tuổi thọ sử dụng.

Liên bang Nga có diện tích đất đai rộng lớn, khiến mạng lưới giao thông trở nên cực kỳ quan trọng; điều này tạo ra một điểm yếu khác cho người Nga. Các mạng lưới này được phân bổ không đồng đều, chỉ ưu tiên vận chuyển đến và đi từ Moscow, St. Petersburg và châu Âu, trong khi không chú trọng vùng Viễn Đông, châu Á và Bắc Cực thuộc Nga. Các hệ thống cảng của đất nước đang quá tải. Ngoài ra, có quá ít cây cầu được thiết kế đủ tốt để có thể chịu tải trọng hàng hóa lớn hơn.

Xuất khẩu năng lượng là một yếu tố quan trọng trong GDP của Nga; do vậy, các đường ống dẫn khí đốt là một trong những thành phần quan trọng nhất của cơ sở hạ tầng tại Nga. Các đường ống dẫn khí đốt tới châu Âu là công cụ thiết yếu trong việc gia tăng ảnh hưởng của Nga tại khu vực, như chúng ta đã thấy kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra. Cơ sở hạ tầng ở Bắc Cực là một phần không thể thiếu đối với tham vọng trở thành siêu cường năng lượng toàn cầu của Nga. Trong khi đó, vụ phá hoại các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream đã cho thấy một nền kinh tế có thể mong manh như thế nào. Cắt các đường ống khác của Nga sẽ nhấn chìm nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể được thực hiện nếu châu Âu tìm ra giải pháp thay thế năng lượng mà họ đang mua từ Nga.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Xuân Hoa

Theo Antonio Graceffo - The Epoch Times

Tiến sĩ Antonio Graceffo là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện đang theo học ngành quốc phòng tại Đại học Quân đội Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc).



BÀI CHỌN LỌC

Hoạt động của Nga tại Bắc Cực khiến phương Tây lo ngay ngáy