Học giả Hồi giáo: 'ĐCSTQ đã thôn tính hầu hết các quốc gia Hồi giáo'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương, Trung Quốc đang bị ngược đãi và bức hại nghiêm trọng trong cuộc diệt chủng lạnh của Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tuy nhiên, các quốc gia Hồi giáo phần lớn giữ im lặng trước tội ác này, vì họ đã trở thành thuộc địa của Trung Quốc, một chuyên gia cho biết.

Bắc Kinh đã nhắm đến các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông và Trung Á vì vai trò rất quan trọng của họ đối với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI), hay Một vành đai Một con đường, một dự án nhằm hồi sinh “Con đường Tơ lụa” cổ xưa.

Kể từ năm 2013, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa BRI trở thành tiêu điểm của kế hoạch tăng cường ảnh hưởng địa chính trị của mình. Sáng kiến ​​này rót hàng tỷ đô la vào các công trình xây dựng đường bộ, đường sắt, bến cảng, nhà máy điện và cơ sở hạ tầng viễn thông trên khắp thế giới.

Theo ông Abdulhakim Idris, một học giả Hồi giáo và là Tổng thanh tra của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, mặc dù BRI của Trung Quốc đã hứa mang lại sự phát triển kinh tế cho các nước nghèo, nhưng cho đến nay nó đã thể hiện là mô hình chủ nghĩa thực dân mới.

Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến vào ngày 19/4 do Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản và Chiến dịch ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ tổ chức, ông Idris cho biết, Bắc Kinh đang tận dụng sức mạnh kinh tế của họ để tạo ra lợi thế ngoại giao và sử dụng ảnh hưởng chính trị của họ cho các mục đích an ninh và quân sự.

Ông cảnh báo: “ĐCSTQ đã thôn tính hầu hết các quốc gia Hồi giáo".

Ông ví chế độ Trung Quốc như “một con sói đội lốt cừu” và cáo buộc chế độ này dùng chính sách tuyên truyền để che giấu tội ác của mình.

Ông Idris là tác giả của cuốn sách mới: “Mối đe dọa: Công cuộc thực dân hóa thế giới Hồi giáo của Trung Quốc và cuộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ”, trong đó phơi bày mức độ quyền lực của chính quyền Trung Quốc đối với các quốc gia Hồi giáo và thế giới phương Tây.

Ông nói, hầu hết các quốc gia Hồi giáo vẫn giữ im lặng trước nạn diệt chủng ở Trung Quốc mặc dù có mối quan hệ gắn bó lịch sử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Các quốc gia này đang tuân theo mệnh lệnh của ĐCSTQ và ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh về các vấn đề liên quan đến Tân Cương và Hong Kong trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, ông nói.

Ông Abdulhakim Idris, tổng thanh tra của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới phát biểu tại một sự kiện trực tuyến do Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản và Chiến dịch ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ tổ chức vào ngày 19/4/2021. (Ảnh được phép sử dụng của Chiến dịch ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ)

Tháng 1, chính quyền Trump tuyên bố hành động ngược đãi các nhóm thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương của ĐCSTQ là “tội ác diệt chủng”. ĐCSTQ đã giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại giam và buộc họ phải triệt sản, cưỡng bức phá thai, tra tấn, cưỡng bức lao động và tách trẻ em ra khỏi gia đình.

Phát biểu tại hội thảo, các chuyên gia nhân quyền lên án nỗ lực của Bắc Kinh trong việc truyền bá thông tin sai lệch về người Duy Ngô Nhĩ và bóc lột các nước Hồi giáo.

“Trung Quốc đã quy chụp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ là mối đe dọa để đưa họ vào các trại tập trung và tước bỏ của họ những quyền cơ bản của con người, ông Nihad Awad nói. Ông Nihad Awad là người đồng sáng lập Hội đồng Quan hệ Mỹ-Hồi giáo, một tổ chức dân quyền Hồi giáo lớn nhất và là tổ chức vận động tại Hoa Kỳ.

BRI bao gồm 139 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc. Họ chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu và 63% dân số thế giới, theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR).

BRI đã góp phần làm tăng nợ nước ngoài đáng kể ở nhiều quốc gia tham gia và đưa Trung Quốc trở thành một chủ nợ lớn trên toàn cầu. Các hoạt động cho vay không công khai của Bắc Kinh đã bị chỉ trích trong những năm gần đây, vì nó đã đặt các nước nghèo vào nguy cơ nhanh chóng bị "vỡ nợ.

Các dự án xây dựng lớn của BRI được tài trợ chủ yếu thông qua chính quyền địa phương Trung Quốc và các tổ chức do Bắc Kinh kiểm soát. Sáng kiến ​​này bị coi là “bẫy nợ”, làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế của các 'con nợ'.

Ông Idris cho biết, Trung Quốc là nước hưởng lợi duy nhất trong chương trình phúc BRI vì các công ty Trung Quốc và công nhân Trung Quốc đang chiếm thị phần lớn trong các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước sở tại.

Ông Idris nói: “Bạn có thể nhìn vào Pakistan để hiểu điều gì đã xảy ra với những người chấp nhận chủ nghĩa thực dân mới này“. Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã thừa nhận rằng tương lai nền kinh tế của đất nước Pakistan đang phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc.

Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan, một tập hợp các dự án cơ sở hạ tầng ở Pakistan trị giá 62 tỷ USD, đã gây ra khủng hoảng cán cân thanh toán ở nước này, khiến họ phải cầu cứu chương trình cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Theo ông Idris, Bắc Kinh cũng đang xuất khẩu chế độ đàn áp của mình sang các chính phủ Hồi giáo ở Trung Á và Trung Đông.

Phát biểu tại hội đồng trực tuyến, ông Andrew Bremberg, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản cho biết, ĐCSTQ cũng có thể xuất khẩu các hành vi ngược đãi lao động sang các nước BRI.

Ông nói, các phương thức lao động của Trung Quốc ở nhiều nước BRI này không tuân thủ các tiêu chuẩn thông thường của luật lao động và các biện pháp bảo vệ người lao động.

Một báo cáo gần đây do Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tài trợ cho biết rằng phản ứng không đầy đủ của Hoa Kỳ đối với BRI của Trung Quốc đã góp phần thúc đẩy sự trỗi dậy của quốc gia này trong các thị trường mới nổi.

Báo cáo viết: "Phản ứng thụ động của Hoa Kỳ trước sự quyết đoán của Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn về kinh tế và chiến lược của Hoa Kỳ hiện nay". Báo cáo nêu rõ, sự rút lui của Hoa Kỳ [khỏi cuộc cạnh tranh] đã giúp tạo ra khoảng trống, được Trung Quốc lấp đầy bằng Một vành đai Một con đương BRI.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Học giả Hồi giáo: 'ĐCSTQ đã thôn tính hầu hết các quốc gia Hồi giáo'