Sau 3 năm Trump rút ra khỏi Hội đồng nhân quyền LHQ, Mỹ chính thức tái gia nhập

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoa Kỳ sẽ quay trở lại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, hơn 3 năm sau khi chính quyền ông Trump rời bỏ tổ chức quốc tế gồm 47 thành viên mà họ đã gắn mác là “người bảo vệ những kẻ vi phạm nhân quyền”.

Hôm 14/10, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã bầu Hoa Kỳ là một trong 18 thành viên mới của hội đồng có trụ sở tại Geneva, trong một cuộc bỏ phiếu không có kiểm chứng. Hoa Kỳ nhận được 168 phiếu cho nhiệm kỳ 3 năm, bắt đầu từ ngày 1/1 năm sau. Mỹ là quốc gia có số phiếu thấp thứ hai sau Eritrea, được 144 phiếu.

Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ tại New York là bà Linda Thomas-Greenfield cho biết, Washington ban đầu sẽ tập trung vào “những gì chúng tôi có thể đạt được trong những tình huống cần thiết, chẳng hạn như ở Afghanistan, Miến Điện, Trung Quốc, Ethiopia, Syria và Yemen”.

Trong một tuyên bố, bà nêu rõ: “Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng: sát cánh với những người bảo vệ nhân quyền và lên tiếng chống lại các hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền”. Bà đồng thời nói thêm rằng, Hoa Kỳ cũng sẽ “phản đối sự chú ý không cân xứng của hội đồng đối với Israel”.

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã rút khỏi cơ quan bảo vệ nhân quyền của LHQ vào năm 2018. Khi đó ông tuyên bố, tổ chức này đã thất bại trong việc hoạt động cho xứng với cái tên của mình, với lý do Trung Quốc, Cuba và Venezuela là một trong những nước vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất lại đang ngồi trong hội đồng.

Các nhà quan sát và nhà nghiên cứu cho biết, nhà cầm quyền Trung Quốc đã và đang tận dụng nền tảng này để mở rộng sức ảnh hưởng trên thế giới. Quốc gia này đã giành được nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp trong hội đồng vào tháng 10 năm ngoái, với tỷ lệ bỏ phiếu sít sao. Ông Giang Duẩn là Bộ trưởng tại phái bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại LHQ ở Geneva. Tháng Tư năm ngoái, ông đã được bổ nhiệm vào một hội đồng gồm 5 thành viên trong hội đồng nhân quyền có trách nhiệm chọn ra các nhà điều tra độc lập của cơ quan, bất chấp hồ sơ lưu trữ ghi lại đầy những hành vi áp bức nhân quyền của chế độ ĐCSTQ.

Ca sĩ Hong Kong ủng hộ dân chủ Denise Ho phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva vào ngày 8/7/2019. (Fabrice Cofferini / AFP / Getty Images)
Ca sĩ Hong Kong ủng hộ dân chủ Denise Ho phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva vào ngày 8/7/2019. (Fabrice Cofferini / AFP / Getty Images)

Vào tháng 7/2019, phái đoàn của Bắc Kinh đã 2 lần làm gián đoạn bài phát biểu của cô Denise Ho, khi cô thúc giục hội đồng LHQ lên tiếng về quyền tự trị của đặc khu kinh tế Hong Kong. Bản thân Denise vốn là một ca sĩ Hong Kong và là nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nổi tiếng bị cấm ở Trung Quốc đại lục.

Trong thông báo về việc Hoa Kỳ quyết định trở lại cơ quan vào tháng Hai, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thừa nhận những sai sót của hội đồng. Song, ông lập luận rằng, "việc cải thiện Hội đồng và thúc đẩy công việc quan trọng của nó tốt nhất nên được thực hiện với một chỗ ngồi tại bàn".

Tổ chức quan sát LHQ là U.N. Watch - một tổ chức phi lợi nhuận được Liên Hợp Quốc công nhận - đánh giá chỉ có 5 trong số 18 quốc gia thành viên mới phù hợp để tham gia hội đồng nhân quyền. Với kết quả bỏ phiếu của LHQ hôm 14/10, liên minh của các nền dân chủ trong hội đồng đã giảm xuống chỉ còn dưới 1/3 tổng số thành viên, U.N. Watch cho biết. Trong một tuyên bố trước cuộc bỏ phiếu, giám đốc điều hành Hillel Neuer của U.N. Watch cho biết: “Hoa Kỳ đã hứa sẽ làm việc để cải cách tư cách thành viên, phương pháp và chương trình nghị sự của hội đồng — đây sẽ là một ưu tiên hàng đầu. Khi cơ quan nhân quyền cao nhất của LHQ biến thành tình huống như những con cáo bảo vệ chuồng gà, các nạn nhân của thế giới sẽ phải chịu khổ”.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim Risch (Idaho) đã lên tiếng chỉ trích và gọi quyết định tái gia nhập hội đồng của Hoa Kỳ là một “sự ô nhục”. Ông là thành viên đảng Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện của Mỹ. Thượng nghị sĩ nói trong một tuyên bố: “Hoa Kỳ không nên cho một cơ quan bao gồm những thủ phạm vi phạm nhân quyền như Trung Quốc, Venezuela và Cuba vay mượn tính hợp pháp của mình. Chính quyền ông Biden sẽ tự [vuốt đuôi] vì đã kết nối lại với tổ chức đầy khiếm khuyết này. Tuy nhiên, họ sẽ làm như vậy mà không đảm bảo bất kỳ cải cách cần thiết nào, đồng thời không hỗ trợ nhân quyền trên toàn thế giới”.

Khi được hỏi về kế hoạch cải cách của Washington tại hội đồng nhân quyền, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price nói rằng, Hoa Kỳ sẽ “gây áp lực chống lại cuộc bầu cử của các quốc gia có hồ sơ nhân quyền trầm trọng”. Không đề cập đến một cái tên cụ thể bất kỳ, trong cuộc họp báo ngày 14/10, ông Price cho biết: “Tất nhiên, việc các quốc gia như vậy có đại diện trong Hội đồng Nhân quyền là điều hoàn toàn không phù hợp”. Ông nói thêm với các phóng viên rằng: “Hôm nay chúng tôi rất vui vì chúng tôi sẽ trở thành thành viên của hội đồng. Chúng tôi sẽ không tạo được ảnh hưởng gì nếu chúng tôi đứng ở bên ngoài”.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Sau 3 năm Trump rút ra khỏi Hội đồng nhân quyền LHQ, Mỹ chính thức tái gia nhập