Hội nghị Ngoại trưởng G7 có cuộc thảo luận ‘rất căng thẳng’ về Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 11 và ngày 12/12, ngoại trưởng các nước công nghiệp lớn G7 đã có cuộc họp tại Vương quốc Anh. Ngoài việc tập trung vào mối đe dọa của Nga đối với Ukraine, họ cũng quan tâm đến cách ứng phó với các hành vi ngày càng độc đoán của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Theo Reuters đưa tin, mối đe dọa Ukraine của ông Putin là trọng tâm chiến lược trực tiếp của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và các ngoại trưởng khác tại cuộc họp G7. Nhưng ông Putin (69 tuổi) chỉ là tâm điểm ngắn hạn tại G7, trong khi vấn đề Trung Quốc lại là bài toán khó mà các ngoại trưởng đều quan tâm. Mỹ và các đồng minh G7 đang tìm kiếm một phản ứng thống nhất đối với các hành động ngày càng độc đoán của nhà lãnh đạo ĐCSTQ.

Một quan chức tham gia cuộc họp cho biết, "Đặc biệt là cuộc thảo luận về Trung Quốc, nó rất, rất căng thẳng".

Một quan chức Bộ Ngoại giao tiết lộ rằng, các ngoại trưởng đã thảo luận về tình hình ở Hong Kong, khu vực Tân Cương và tầm quan trọng của hòa bình trên eo biển Đài Loan; một quan chức Bộ Ngoại giao khác cho biết, "Cuộc họp này cũng rất tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều đó là thực sự rất tuyệt vời”.

Cuộc họp cũng thảo luận về sự cần thiết phải hỗ trợ Litva. Sau khi văn phòng đại diện của Đài Loan thành lập tại Litva vào ngày 18/11, ĐCSTQ đã tung đòn trả đũa đối với Litva. Điều này không chỉ làm giảm quan hệ ngoại giao với Litva, mà ĐCSTQ còn tuyên bố đình chỉ các dịch vụ lãnh sự với nước này.

“Trong cuộc họp cuối tuần trước, chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi lo ngại về các chính sách kinh tế cưỡng bức của Trung Quốc (ĐCSTQ)”, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết.

Bài báo chỉ ra rằng, nhóm G7 muốn chung tay hành động về vấn đề Trung Quốc, nhưng nó sẽ không giống như một câu lạc bộ chống Trung Quốc.

Các quan chức nói rằng, G7 sẽ thực hiện hành động để tấn công những thông tin sai lệch của ĐCSTQ, đồng thời hỗ trợ những quốc gia rơi vào mạng lưới bẫy nợ toàn cầu của Trung Quốc.

Hôm thứ Tư (8/12), Canada đã cùng với Úc, Anh và Mỹ tiến hành một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022. Nhật Bản và Đức vẫn chưa đưa ra quyết định. ĐCSTQ tuyên bố rằng, họ "sẽ khiến các quốc gia này phải trả giá đắt".

Trước việc Nga tăng cường quân sự ở biên giới Ukraine, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, tại cuộc họp, các nước G7 đã đạt được đồng thuận về việc nếu Nga đưa ra lựa chọn tồi tệ nhất. Đồng thời cảnh báo rằng, bất kỳ cuộc xâm lược nào của Nga vào Ukraine sẽ gây ra “hậu quả khôn lường” và sẽ phải gánh chịu “một cái giá đắt”.

Phương Tây lo ngại rằng Nga có thể đang chuẩn bị tấn công Ukraine. Điện Kremlin đã phủ nhận kế hoạch xâm lược Ukraine, nhưng yêu cầu phương Tây cung cấp các đảm bảo an ninh có tính ràng buộc về mặt pháp lý, để chắc chắn rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không "bành trướng" thêm về phía đông.

Minh Anh

Theo The Epoch Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Hội nghị Ngoại trưởng G7 có cuộc thảo luận ‘rất căng thẳng’ về Trung Quốc