Hollywood là 'thú cưng' của Bắc Kinh?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với việc công bố danh sách các đề cử giải Oscar năm 2023, người ta có thể mường tượng ra những khoảnh khắc trọng đại nhất trong năm của Hollywood. Nhưng, thật không may, xưởng phim ở thị trấn Tinsel (một biểu tượng hào nhoáng của Hollywood) nay đã không còn như xưa. Nó không còn là hình mẫu đạo đức vĩ đại nữa. Thậm chí, nó đã xuống cấp trầm trọng hơn nhiều so với trước đây.

Hollywood cúi đầu trước thị trường Trung Quốc

Nếu Hollywood có xương sống, nó hẳn phải được làm bằng tiền. Rốt cuộc thì ngành công nghiệp điện ảnh vẫn chỉ xoay quanh vấn đề tiền bạc và quyền lực. Các nhà làm phim, nhà văn và diễn viên luôn bị phụ thuộc vào một nhóm người đứng đầu Hollywood. Họ là những người ra quyết định cuối cùng xem diễn viên nào hoặc bộ phim nào sẽ có cơ hội kiếm tiền tại phòng vé.

Điều đó vẫn đúng, nhưng điểm khác biệt duy nhất là những kẻ môi giới quyền lực giờ đây đến từ Bắc Kinh chứ không phải từ Beverly Hills nữa. Do đó, vấn đề lúc này không chỉ hạn cuộc về tiền bạc. Đúng vậy, câu ngạn ngữ cổ "có tiền ắt có quyền" trong bộ phim Những kẻ khờ mộng mơ (tựa gốc là La-La Land) đến nay vẫn là chân lý. Các hãng phim sẵn sàng làm bất cứ điều gì vì tiền, kể cả bán rẻ đất nước mình và phục tùng một "nhà nước nô lệ" lớn nhất hành tinh.

Truyền bá tư tưởng thông qua văn hóa

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không còn là ẩn số đối với Hollywood. Trên thực tế, đa số các hãng phim Hollywood hiện thuộc sở hữu hoặc chịu ảnh hưởng nặng nề của ĐCSTQ. Chính quyền Trung Quốc đã và đang đặt mục tiêu giành quyền kiểm soát văn hóa trong xã hội Mỹ, cũng giống như tại chính quốc gia này. Tất nhiên, nỗ lực này sẽ bao trùm các thể chế chính trị, tổ chức học thuật và mạng xã hội; và các nội dung phim ảnh của Hollywood cũng không ngoại lệ.

Một bảng quảng cáo từ Trung tâm An ninh Hoa Kỳ dọc theo Dải Hoàng hôn nổi tiếng của Hollywood - nằm trong chiến dịch "China Owns US" ở Hollywood, California, hôm 29/8/2016. Bảng quảng cáo nêu bật ảnh hưởng ngày càng tăng của ĐCSTQ đối với ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ, cụ thể là AMC Entertainment. Công ty này được mệnh danh là "con rối đỏ của Trung Quốc" sau khi được bán cho công ty Trung Quốc Dalian Wanda (có mối liên hệ chặt chẽ với ĐCSTQ) năm 2012 với giá 2,6 tỷ USD và kiểm soát 4.960 rạp chiếu trên toàn quốc. (Ảnh: AFP/Frederic J. Brown/Getty Images)

Tin vô cùng tồi tệ là Hollywood đã rơi vào tay ĐCSTQ. Thay vì chỉ đơn giản là đáp ứng nhu cầu giải trí của công chúng và kiếm tiền, giờ đây, Hollywood phần lớn phải đáp ứng yêu cầu của những cơ quan kiểm duyệt của ĐCSTQ. Họ mới là bên quyết định xem Hollywood sẽ sản xuất những bộ phim nào và phát đi thông điệp gì hằn sâu vào trong tâm trí người Mỹ.

Tại sao điều này lại quan trọng?

Đáp án cực kỳ đơn giản nhưng cũng không kém phần quan trọng. Bắc Kinh đã sớm nhận ra rằng, thông điệp văn hóa sẽ định hình tâm trí con người ta, từ người già cho đến giới trẻ, đồng thời, nó cũng thúc đẩy quan điểm văn hóa tập thể cả trong lịch sử và ở thời điểm hiện tại. Do đó, bằng cách nắm quyền kiểm soát văn hóa và đặc biệt là kiểm soát lĩnh vực điện ảnh, ĐCSTQ đang định hình quan điểm chính trị của Hoa Kỳ và cuối cùng là tiến tới định hình chính sách chính trị của Hoa Kỳ.

Tác động sâu sắc của văn hóa đối với quan điểm chính trị của mỗi người đã được phe cánh tả nhận ra từ lâu và hiểu thấu đáo trong một thời gian rất dài. Phim ảnh đã được dùng làm công cụ tuyên truyền và truyền bá kể từ Thế chiến thứ I. Hơn nữa, cả Đức Quốc xã toàn trị và nước Nga theo chủ nghĩa Stalin cũng từng dùng đến loại công cụ này.

Tất nhiên, việc sử dụng truyền thông để truyền tải các giá trị văn hóa và nói rộng ra là định hình tư duy của một quốc gia có nguồn gốc từ xa xưa. Kinh thánh (cả Cựu ước và Tân ước) là một ví dụ điển hình. Những nhà sáng lập nước Mỹ đã dựa vào các giới luật trong Kinh Thánh để viết ra Hiến pháp và Tuyên ngôn Nhân quyền. Người Hy Lạp cổ đại có hai cuốn sử thi “The Iliad” (Trận Chiến Thành Troy) và “The Odyssey” (Hành Trình Hồi Hương) của thi hào Homer, “Lịch sử Chiến tranh Peloponnesian” của Thucydides và nhiều tác phẩm khác. Tất cả những tác phẩm này đã kiến tạo, định hình và nuôi dưỡng thế giới quan của người Hy Lạp về cuộc sống, lịch sử và vị thế của họ trên trường quốc tế.

Có vô số ví dụ tương tự trong suốt tiến trình lịch sử, trong đó, phim ảnh Mỹ cũng đóng một vai trò then chốt (thường là theo phương diện tích cực) trong thế kỷ qua. Tuy nhiên, thông điệp truyền thống và tích cực - vốn mô tả một nước Mỹ tự do là tốt đẹp và chủ nghĩa toàn trị cộng sản là xấu xa - nay đã gần như biến mất khi ảnh hưởng của ĐCSTQ ngày một lớn mạnh.

Tiền bạc của ĐCSTQ và giải cứu nền điện ảnh

ĐCSTQ đã sử dụng quyền lực để gây ảnh hưởng với Hollywood từ đầu những năm 2000. Thị trường Trung Quốc là "miếng mồi béo bở", có sức hấp dẫn to lớn với các hãng làm phim và nhà sản xuất Hollywood. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh chỉ cho phép 34 phim nước ngoài được công chiếu mỗi năm tại nước này.

Không khó để đoán trước được rằng, các hãng phim đã dốc sức để làm hài lòng giới chức Trung Quốc, không chỉ nhằm mục đích tiếp cận thị trường Trung Quốc mà còn để kiếm tiền. Lối tư duy ‘tiền bạc sẽ trải thảm cho việc đặt chân vào thị trường Trung Quốc’, đã xuất hiện từ thời đó và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Trên thực tế, một bộ phim đắt đỏ của Hollywood nhưng thất bại ở thị trường Hoa Kỳ, lại kiếm được khoản lợi khổng lồ ở thị trường Trung Quốc. Đó chính là điểm khác biệt.

Hôm 29/1/2013, ông Richard Gere đã trao Giải thưởng Nhân quyền Tom Lantos cho nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc Chen Guangcheng ở Washington, DC. (Ảnh: AFP/Saul Loeb/Getty Images)

Trong hai thập kỷ qua, mối quan hệ của ĐCSTQ với các hãng phim Hollywood đã phát triển đáng kể. Trong những ngày đầu, các cơ quan kiểm duyệt của ĐCSTQ sẽ cắt bỏ vài phần trong một bộ phim, và tạo thành các phiên bản tiếng Trung sao cho phù hợp với quan điểm của ĐCSTQ; hoặc thậm chí là họ còn cấm hoàn toàn nếu các bộ phim vượt quá giới hạn cho phép.

Tiếp theo, ĐCSTQ cũng kiểm soát việc những diễn viên nào sẽ được tham gia đóng phim. Chỉ cần hỏi diễn viên Richard Gere là rõ. Ông là ví dụ điển hình về việc đã làm phật ý ĐCSTQ. Sự ủng hộ thẳng thắn của ông đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma và Tây Tạng là dấu chấm hết cho sự nghiệp diễn xuất của ông.

Các nhà kiểm duyệt Trung Quốc cũng sẽ có mặt tại phim trường để giám sát quá trình sản xuất, thay đổi lời thoại, cốt truyện và nhân vật, hoặc thậm chí là xóa sổ các tham chiếu có liên quan đến vấn đề dân tộc, quốc gia hoặc lịch sử, chẳng hạn như Tây Tạng, Đài Loan hoặc Quảng trường Thiên An Môn.

‘Tư tưởng tự do’ thức tỉnh những người ở Hollywood chạy theo ĐCSTQ

Quả thực là các hãng phim Mỹ rất vui mừng khi được bắt tay với Trung Quốc, đặc biệt là từ khi thị trường điện ảnh Trung Quốc chính thức vượt mặt Bắc Mỹ để trở thành thị trường phòng vé lớn nhất thế giới vào năm 2020. Ngày nay, Hollywood sẵn sàng đánh đổi bằng mọi giá để làm hài lòng giới chức Bắc Kinh. Trên thực tế, các hãng phim đã tận tâm với Bắc Kinh theo phản xạ có điều kiện đến mức họ không còn cần sự kiểm duyệt của ĐCSTQ nữa. Giờ đây, họ tự kiểm duyệt bằng cách sản xuất những bộ phim làm hài lòng ĐCSTQ. Nếu có nhân vật quyền uy nào của Hollywood vô tình bị Bắc Kinh xúc phạm hoặc khiển trách, họ sẽ lên tiếng xin lỗi và hứa sẽ làm tốt hơn.

ĐCSTQ không cần phải dốc sức kiếm tiền như các hãng phim vì họ có trong tay rất nhiều tiền đằng sau hậu trường. Rủi ro lớn hơn cả là ĐCSTQ chỉ chú trọng đến mục tiêu thống trị toàn cầu hơn là doanh thu phòng vé. Lợi dụng các hãng phim phi đạo đức để định hình bối cảnh văn hóa Mỹ theo chủ trương của họ là một yếu tố then chốt trong mục tiêu đó.

Thực tế này cũng ngụ ý rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục siết chặt Hollywood. Quả thực là không quá lời khi mô tả ngành công nghiệp điện ảnh hết sức thân Trung Quốc này chính xác là một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của ĐCSTQ.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch

Tác giả James R. Gorrie sống tại Nam California. Ông cũng là tác giả của cuốn sách The China Crisis (Cuộc khủng hoảng Trung Quốc), và của nhiều bài đăng trên blog: TheBananaRepublican.com.



BÀI CHỌN LỌC

Hollywood là 'thú cưng' của Bắc Kinh?