Hơn 10.000 người Italy tử vong do Đại dịch mặc dù phong tỏa kéo dài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tính đến 28/3, số ca tử vong ở Ý đã vượt quá 10.000 người mặc dù quốc gia này đã phong tỏa 16 ngày.

Riêng hôm 28/3, có thêm 889 trường hợp tử vong mới được báo cáo tại đây. Trước đó, hôm 27/3, Italy ghi nhận ngày tang thương nhất kể từ đầu mùa dịch, khi có 969 chết trong 24 giờ.

Tổng cộng, Italy đã có 10.023 người tử vong. Đồng thời số ca nhiễm dịch đang là 92.472 trường hợp, sau 2 tháng kể từ khi có người đầu tiên nhiễm virus corona Vũ Hán.

Đất nước Italy gần như tê liệt, sau khi đóng cửa tất cả các hoạt động kinh doanh và cấm tụ họp nơi công cộng đến ngày 3/4.

"Đã đến lúc mở cửa lại đất nước chưa? Tôi nghĩ rằng chúng ta phải suy nghĩ về nó thực sự cẩn thận", Người đứng đầu cơ quan bảo vệ dân sự, ông Angelo Borrelli nói với các phóng viên.

"Đất nước đang đứng yên và chúng ta cần duy trì những hoạt động tối thiểu để có thể đảm bảo sự sống của tất cả mọi người," ông Borrelli nói.

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte nói với người dân hôm 28/3 rằng mọi người nên chuẩn bị tinh thần để tiếp tục ở nhà.

Số người tử vong hàng ngày ở Italy do dịch Covid-19. (Nguồn: Worldometers)
Số người tử vong hàng ngày ở Italy do dịch Covid-19. (Nguồn: Worldometers)

Biểu đồ tử vong hàng ngày cho thấy trong suốt một tuần qua, Italy đều có hơn 700 người chết mỗi ngày, và chưa có dấu hiệu suy giảm.

Số người nhiễm dịch hàng ngày ở Italy do dịch Covid-19. (Nguồn: Worldometers)
Số người nhiễm dịch hàng ngày ở Italy do dịch Covid-19. (Nguồn: Worldometers)

Số người nhiễm dịch hàng ngày ở Italy cũng liên tục cao hơn 5.000 ca mỗi ngày trong suốt 10 ngày qua. Đặc biệt tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Italy rất cao, hơn 10%, trong khi tỷ lệ trung bình trên thế giới là hơn 3%

Lâm vào nợ nần

Một lượng tài chính lớn đổ vào để chống Đại dịch đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phải tranh luận về cách thức ứng phó tốt nhất.

Các quốc gia Nam Âu (Italy, Tây Ban Nha,...) đang bị đại dịch tấn công nặng nhất và họ thúc giục EU từ bỏ các quy định về ngân sách. Khối này đã từng nới lỏng các quy định tài chính vào hồi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Nhưng Thủ tướng Italy Conte cho rằng điều đó là chưa đủ.

Pháp cũng ủng hộ một nỗ lực của Ý và Tây Ban Nha để EU bắt đầu phát hành "trái phiếu corona" - một hình thức nợ mà các chính phủ bán ra để huy động tài chính giải quyết nhu cầu kinh tế mỗi quốc gia. Tuy nhiên Đức và Hà Lan không "mặn mà" với ý tưởng này.

Toàn bộ khu vực đồng euro dự kiến ​​sẽ rơi vào suy thoái trong những tháng tới.

Tuy nhiên Italy đang đối mặt về sự sụp đổ kinh tế sau khi quốc gia này đóng cửa gần như tất cả các doanh nghiệp từ ngày 12/3.

Một số dự báo cho rằng kinh tế Ý có thể suy giảm 7% (tăng trưởng âm) trong năm nay. Quốc gia này từng giảm 5,3% tổng sản phẩm quốc nội vào trong năm 2009.

"Đây là điều gì đó rất khác với cuộc khủng hoảng năm 2008", Thủ tướng Conte cảnh báo trong cuộc phỏng vấn trên báo. "Chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng trong lịch sử châu Âu."

(Theo AFP)



BÀI CHỌN LỌC

Hơn 10.000 người Italy tử vong do Đại dịch mặc dù phong tỏa kéo dài